Để giảm phát thải trong hệ thống lương thực thực phẩm

Việc trồng lúa cũng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề phát thải toàn cầu, tuy nhiên, lúa có tiềm năng giảm phát thải cao hơn nhiều so với chăn nuôi hay cây trồng khác nếu thực hiện đúng các phương pháp canh tác.

Chiều nay (23-8), Trường Đại học Nông lâm TP.HCM tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và chiến lược phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Tại hội thảo, ông Ong Quốc Cường, chuyên gia Nhóm nghiên cứu biến đổi khí hậu của IRRI Việt Nam cho biết, canh tác lúa đóng góp khoảng 6-8% vào lượng khí thải của hệ thống lương thực toàn cầu, trong khi chăn nuôi đóng góp 40-50%.

Canh tác lúa trên toàn cầu là nguồn phát thải khí nhà kính khác ngoài CO2 lớn thứ ba trong nông nghiệp. Cứ 1 héc ta lúa phát thải trung bình 12,7 tấn CO2 mỗi năm.

Tuy nhiên, tiềm năng giảm phát thải tương đối của lúa gạo là 36%, cao hơn nhiều so với chăn nuôi (9%) và trồng trọt (3%).

"Việt Nam đang thực hiện 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao và giảm phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy tiềm năng giảm phát thải có ý nghĩa rất lớn cũng như liên quan đến vấn đề tín chỉ carbon.

Cách canh tác lúa của nông dân Việt Nam hiện tạo ra phát thải khí khá nhiều. Trong tương lai, đây là vấn đề ưu tiên để hướng tới giảm phát thải trong sản xuất lúa, từ gieo sạ lúa, chăm sóc cho đến khi thu hoạch và sau khi thu hoạch" - ông Cường nói.

Ông Cường khuyến nghị, giảm phát thải trong lúa cần tập trung vào 3 vấn đề sau. Trước vụ trồng, cần quản lý nước cũng như quản lý việc vùi rơm trước khi xuống giống.

Trong giai đoạn trồng phải quản lý nước hiệu quả, đặc biệt chỉ cần tưới ướt khô xen kẽ, cũng như sử dụng phân đạm một cách hợp lý và cân đối. Và cuối cùng, sau khi đã thu hoạch, nông dân cần hạn chế việc đốt rơm.

Tiến sĩ Phạm Thu Thủy, Đại học Adelaide (Úc) cho biết, phát thải của hệ thống lương thực, thực phẩm của Việt Nam chiếm 1% lượng phát thải của hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Tại Việt Nam, hiện sản xuất lúa gạo chiếm phát thải lớn nhất, tương đương 34% lượng phát thải của hệ thống lương thực, thực phẩm.

Theo tiến sĩ Thủy, để giảm phát thải trong hệ thống lương thực thực phẩm, Việt Nam nên phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp và có sức chống chịu tốt với biến đổi khí hậu. Tổ chức lại ngành sản xuất lương thực theo hướng nông nghiệp thông minh, hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ.

Việt Nam cần ưu tiên phát triển kinh tế nông thôn, đảm bảo nguồn cung, giảm lãng phí nguồn lương thực, quản lý tài nguyên hiệu quả và bảo tồn đa dạng sinh học. Thay đổi về chế độ và khẩu phần ăn lại có thể bồi hoàn lượng phát thải tuyệt đối.

 Việt Nam có nhiều tiềm năng giảm phát thải trong hệ thống lương thực, thực phẩm. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Việt Nam có nhiều tiềm năng giảm phát thải trong hệ thống lương thực, thực phẩm. Ảnh: PHƯƠNG MINH

PGS.TS Kha Chấn Tuyền, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, để phát triển hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long thì cần đầu tư mạnh cho cơ giới hóa trong các hoạt động sản xuất lúa, cây có múi, heo, vịt, tôm và cá.

Quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung để tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn cho sản xuất có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, nhanh chóng ứng dụng các kỹ thuật công nghệ số để nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Trong sản xuất chế biến, từng bước gia tăng ứng dụng kỹ thuật số để nâng cao độ tinh chế và chất lượng sản phẩm. Bước đầu có thể chú trọng một số mảng như: tối ưu hóa hậu cần trong và ngoài nước cho các nhà máy, kiểm soát phòng ngừa, giám sát sản xuất tự động, phát hiện nhanh và thu hồi sản phẩm lỗi...

Tiến sĩ Tuyền cũng khuyến nghị, cần tăng cường ứng dụng công nghệ số để phối hợp giữa các nhà thu mua, chế biến và phân phối nông sản. Hướng tới người tiêu dùng thông minh có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm mình đang sử dụng.

Xây dựng chiến lược quốc gia toàn diện về ứng dụng công nghệ số để đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông sản, thực phẩm Việt Nam theo chuẩn quốc tế.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-giam-phat-thai-trong-he-thong-luong-thuc-thuc-pham-post806676.html