ĐBQH NGUYỄN THỊ NGỌC XUÂN: CẦN RÕ HƠN VỀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÁC Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI CHƯA ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

Góp ý về kết quả giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp 6, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương kiến nghị cần có Nghị quyết chuyên đề tại mỗi kỳ họp Quốc hội về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó rõ giải pháp thực hiện, nhất là đối với các ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết, để Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương thống nhất cao với Báo cáo cáo số 823 của UBTVQH về kết quả giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp 6, nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội trong thời gian tới.

Thảo luận tại hội trường về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề xuất kiến nghị một số nội dung sau:

Cần có Nghị quyết chuyên đề về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Thứ nhất, kiến nghị cần có Nghị quyết chuyên đề tại mỗi kỳ họp Quốc hội về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó rõ giải pháp thực hiện, nhất là đối với các ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết, để Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV, lần đầu tiên Quốc hội đã thảo luận trực tiếp tại Hội trường về vấn đề này và truyền hình trực tiếp cho cử tri theo dõi, qua thảo luận của đại biểu Quốc hội, kết luận phiên làm việc, chủ tọa kỳ họp đã kết luận: Các nội dung giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri được đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp.

Nghị quyết chung về kết quả của Kỳ họp thứ 5 đã có nội dung này, tuy nhiên với hàm lượng nội dung rất ít và khái quát chưa rõ giải pháp, tiến độ thực hiện. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị cần thiết phải có một nghị quyết chuyên đề sau khi Quốc hội thảo luận để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, với nội dung rõ hơn về giải pháp trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chưa giải quyết, chưa trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trên cơ sở Nghị quyết chuyên đề, sẽ giúp cho việc thực hiện được thuận lợi, rõ ràng hơn và giúp cho đại biểu Quốc hội giám sát có chất lượng hơn việc triển khai thực hiện.

Cần mở rộng thành phần mời tham dự

Thứ hai, cử tri và Nhân dân rất quan tâm và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 ngày 25/01/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Thời gian qua các cơ quan của Quốc hội đã thực hiện tốt các phiên giải trình.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị cần mở rộng thành phần mời tham dự là đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội và một số cơ quan liên quan tại địa phương, đồng thời mời các đại biểu Quốc hội quan tâm đăng ký tham gia phiên giải trình và xem xét trực tiếp một số phiên giải trình cho cử tri theo dõi. Điều này cũng phù hợp với quy định trong Nội quy kỳ họp Quốc hội, qua đó giúp các Đoàn ĐBQH giám sát việc triển khai thực hiện vấn đề có liên quan tại địa phương và giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau phiên giải trình.

Thứ ba, qua nghiên cứu quá trình tổ chức và hoạt động trong công tác dân nguyện của Quốc hội từ khi Quốc hội thành lập cho đến nay, cử tri đồng thuận và đánh giá cao Quốc hội khóa XV có nhiều đổi mới trong công tác dân nguyện theo hướng sát thực tiễn, bên cạnh việc thảo luận trực tiếp và công khai kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến của cử tri, thì hàng tháng, UBTVQH họp đánh giá về công tác dân nguyện, giám sát đi đến kết quả cuối cùng các vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm. Đồng thời UBTVQH đã thực hiện giám sát chuyên đề về “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân giai đoạn 2016-2021”...

Lựa chọn kiến nghị chưa được giải quyết để giám sát tạo sự chuyển biến rõ nét

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị sau mỗi kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn một số ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết để giám sát tạo sự chuyển biến rõ nét trên thực tế, đồng thời về lâu dài kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong việc nâng tầm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân nguyện, là cơ quan thuộc Quốc hội để nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là tổ chức các phiên giải trình, các cuộc giám sát đối với các kiến nghị tác động lớn đến người dân và xã hội, nhằm đáp ứng tâm nguyện chính đáng của cử tri.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có 01 Nghị quyết hướng dẫn về công tác dân nguyện cho các cơ quan thuộc Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, chuẩn hóa về nội dung, các kênh, các hình thức nắm bắt, cách thức báo cáo, số hóa dữ liệu về kiến nghị cử tri, quy định chặt chẽ chủ thể có thẩm quyền trong giải quyết và trả lời ý kiến cho cử tri…

Cùng với đó, cần tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng, phương pháp liên quan đến công tác dân nguyện cho đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH các địa phương để thực hiện công tác dân nguyện ngày càng thống nhất, chất lượng, hiệu quả; đồng thời kiến nghị xem xét hoàn thiện cơ chế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức có liên quan về việc nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng chính đáng của rộng rãi các tầng lớp Nhân dân trong xã hội, chuẩn hóa chế độ thông tin báo cáo thường xuyên các ý kiến, kiến nghị của cử tri cho Quốc hội, UBTVQH.

Đại biểu Ngọc Xuân cũng đề nghị cần triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng, quản lý, sử dụng dữ liệu số về tiếp nhận, tổng hợp, giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri trên toàn quốc, công khai các nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền để cử tri được biết, gắn với phân quyền tiếp cận dữ liệu thông tin một cách phù hợp cho các cơ quan chức năng có liên quan.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện cơ chế phối hợp của các cơ quan trong giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết kiến nghị của cấp dưới một cách rõ ràng và nhanh chóng hơn; kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đổi mới công tác truyền thông chính sách một cách sâu rộng để giải quyết theo thẩm quyền trước khi chuyển đến Quốc hội./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=87013