Đập Nova Kakhovka bị vỡ: Điều gì đã xảy ra và tác động thế nào?

Một con đập khổng lồ có từ thời Liên Xô trên sông Dnipro ngăn cách các lực lượng Nga và Ukraine ở chiến tuyến phía Nam Ukraine đã bị vỡ hôm thứ Ba vừa rồi, gây lũ lụt khắp vùng chiến sự.

Cả Ukraine và Nga đều đổ lỗi cho nhau. Nga nói rằng Ukraine đã phá hủy con đập để cắt nguồn cung cấp nước cho Crimea và chuyển hướng sự chú ý khỏi cuộc phản công "đang bế tắc".

 Hình ảnh con đập Nova Kakhovka bị vỡ. Ảnh: Reuters

Hình ảnh con đập Nova Kakhovka bị vỡ. Ảnh: Reuters

Con đập nằm ở đâu và tại sao quan trọng?

Con đập nằm ở thành phố Nova Kakhovka ở Kherson, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Là một phần của nhà máy thủy điện Kakhovka, con đập cao 30 mét và dài 3,2 km. Việc xây dựng được bắt đầu dưới thời nhà lãnh đạo Liên Xô, Josef Stalin, và hoàn thành dưới thời ông Nikita Khrushchev.

Con đập bắc cầu qua sông Dnipro, tạo thành tiền tuyến giữa các lực lượng Nga và Ukraine ở chiến tuyến phía nam Ukraine trong cuộc xung đột giữa hai nước. Vụ việc đã buộc khoảng 37.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Con đập giúp cung cấp điện, tưới tiêu và nước uống cho một vùng rộng lớn ở miền nam Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea, nơi Nga đã sáp nhập vào năm 2014.

Vùng trung tâm nông nghiệp của Ukraine là nơi sản xuất ngũ cốc và dầu hướng dương lớn hàng đầu thế giới và giúp đảm bảo an ninh lương thực của cả khu vực. Giá lúa mì và ngô toàn cầu tăng hôm thứ Ba do lo ngại sản xuất có thể bị gián đoạn.

Nước sông Dnipro cũng được sử dụng cho hệ thống làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Việc vỡ đập có thể làm cạn nguồn nước ở thượng nguồn, nơi nhà máy Zaporizhzhia ở đó.

Ai kiểm soát con đập?

Nga đã kiểm soát con đập kể từ những ngày đầu của cuộc chiến. Trước vụ vỡ đập, việc sản xuất thủy điện vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua. Các chuyên gia cho rằng giao tranh đã khiến việc bảo trị con đập không được tiến hành.

 Vị trí của Đập Kakhovka trên sông Dnipro, một trong những chiến tuyến trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ảnh đồ họa: Reuters

Vị trí của Đập Kakhovka trên sông Dnipro, một trong những chiến tuyến trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ảnh đồ họa: Reuters

Đầu năm nay, mực nước trong hồ chứa thấp đến mức nhiều người lo sợ về sự cố hạt nhân nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Theo dữ liệu từ Theia, nhà cung cấp dịch vụ phân tích không gian địa lý của Pháp, kể từ giữa tháng 2, mực nước đã tăng đều đặn.

Công ty Ukraine quản lý đập và nhà máy điện ước tính sẽ mất khoảng 4 ngày để hồ chứa đạt trạng thái cân bằng và ngừng việc xả nước.

Tại sao con đập lại bị vỡ?

Ukraine, quốc gia bình luận đầu tiên, cho biết Nga phải chịu trách nhiệm: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cáo buộc các lực lượng Nga đã cho nổ tung Nhà máy thủy điện Kakhovka từ bên trong và nói rằng Nga phải chịu trách nhiệm cho "cuộc tấn công khủng bố".

Người phát ngôn quân đội Ukraine cho biết mục đích của Nga là ngăn chặn quân đội Ukraine vượt sông Dnipro để tấn công các lực lượng chiếm đóng của Nga.

Ngược lại, Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov đáp trả: “Chúng tôi có thể khẳng định rõ ràng rằng chúng tôi đang nói về hành vi phá hoại có chủ ý của phía Ukraine”.

Ông Vladimir Rogov, một quan chức được bổ nhiệm của Nga tại Zaporizhzhia, cho biết con đập bị sập do hư hại trước đó và do áp lực của nước. Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga cũng đưa tin tương tự.

Tác động đến khu vực

Khi nước lũ dâng cao, cả chính quyền Nga và Ukraine đã ra lệnh sơ tán tại ít nhất 80 thị trấn và ngôi làng có nguy cơ ở cả hai bên bờ sông, mặc dù không bên nào báo cáo bất kỳ trường hợp tử vong nào.

Các quan chức cho biết trong khu vực do Nga kiểm soát khoảng 22.000 người sống ở những khu vực có nguy cơ ngập lụt, trong khi có 16.000 người sống ở khu vực do Ukraine kiểm soát.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ít nhất 16.000 người đã mất nhà cửa và điều phối viên viện trợ nhân đạo của LHQ cho biết các nỗ lực đang được tiến hành để cung cấp nước, tiền và hỗ trợ pháp lý cũng như tinh thần cho những người bị ảnh hưởng.

Bộ Năng lượng Ukraine cho biết có nguy cơ lũ lụt tại các cơ sở năng lượng ở vùng Kherson. Gần 12.000 người dân ở thành phố Kherson đã bị mất điện và nguồn cung cấp nước cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy lớn nhất châu Âu, công ty điều hành và cơ quan năng lượng nguyên tử của Liên hợp quốc cho biết chưa có rủi ro tức thời nào đối với nhà máy.

Các chuyên gia đã cảnh báo về khả năng xảy ra thảm họa môi trường đối với động vật hoang dã và hệ sinh thái ở Ukraine cũng như các vùng lân cận.

Ông Mark Mulligan, giáo sư địa lý vật lý và môi trường tại King's College London và là đồng lãnh đạo của Global Dam Watch, một dự án giám sát các đập và hồ chứa, cho biết tác động lớn nhất của vụ vỡ đập có thể xảy ra ở thượng nguồn.

“Hồ chứa khổng lồ này sẽ cạn kiệt và các vùng nước nông ở thượng nguồn sẽ cạn kiệt, gây ra thiệt hại sinh thái đáng kể đối với thảm thực vật thủy sinh và động vật hoang dã đã sống dựa vào nước trong bảy thập kỷ qua", ông cho biết.

Ông nói việc lượng lớn nước ngọt chảy vào Biển Đen cũng có thể gây thiệt hại cho nghề cá và hệ sinh thái rộng ở vùng biển này.

Tác động tới cuộc chiến

Các quan chức Ukraine cho biết Nga đã phá hủy con đập để ngăn Ukraine mở cuộc phản công trong khu vực, trong khi các quan chức Nga tuyên bố rằng Ukraine phá hủy con đập để ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga từ phía tây.

Con đập đóng vai trò như một cây cầu, giúp các phương tiện có thể đi qua. Vụ vỡ đập làm nước dâng lên cũng khiến việc di chuyển qua sông bằng các phương tiện khác trở nên khó khăn hơn.

Vượt qua con sông này luôn được coi là một nhiệm vụ khó khăn đối với quân đội Ukraine. Hầu hết các nhà quan sát tin rằng Kiev sẽ phát động một cuộc phản công ở nơi khác.

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dap-nova-kakhovka-bi-vo-dieu-gi-da-xay-ra-va-tac-dong-the-nao-post250651.html