Đạo đức - hạt nhân cốt lõi của giáo dục

'Hạt nhân cốt lõi của giáo dục là đạo đức. Bởi vì mục tiêu đào tạo của chúng ta là con người, là hoàn thiện nhân cách, cho nên dạy chữ, dạy nghề để dạy người'.

Cô - trò Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: TG

Cô - trò Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: TG

Đó là nhận định của GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh điều này tại Hội thảo khoa học quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục”.

Cần sự nhất quán

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cũng chưa đủ, đích đến là phát triển đạo đức và hoàn thiện nhân cách. “Chính vì lẽ đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt vấn đề đạo đức trong việc tiếp nhận di sản Hồ Chí Minh về giáo dục và quản lý giáo dục” – GS Hoàng Chí Bảo nói, đồng thời nhấn mạnh: Chúng ta có thể thấy từ hệ thống các tư tưởng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tư liệu phong phú trong cuộc đời của Người là một sự nhất quán đến triệt để. Nói đến giáo dục là nói đến thế hệ trẻ, thanh thiếu niên, nhi đồng.

Vấn đề giáo viên và trường đại học sư phạm, hệ thống các trường sư phạm nói chung cũng quan trọng. Đấy là “công nghiệp nặng” của giáo dục. Không có thầy giỏi làm sao có trò giỏi, không có thầy tốt, tấm gương sáng về đạo đức và nhân cách, làm sao có mẫu nhân cách mà xã hội cần đến. Có thể nói, đây là sinh khí của giáo dục, sức sống của sự phát triển giáo dục; coi trọng giáo dục, coi trọng người thầy phải đặt việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vào chương trình hành động của quốc gia.

“Tại sao khi đi tìm đường cứu nước, ngay thời kỳ đầu tiên của cuộc hành trình, Người đã cảnh báo về vấn đề thanh niên. Trong “Di chúc”, Người vẫn nhắc lại: Đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Với thiếu niên, nhi đồng, ở cương vị người đứng đầu Chính phủ, đứng đầu Nhà nước, Người có thư gửi cho các cháu thiếu niên HS nhân ngày khai giảng đầu tiên của năm học mới. Bức thư chứa đựng tư tưởng lớn mà chúng tôi gọi là thông điệp của lịch sử về giáo dục. Có thể coi là tuyên ngôn về nền giáo dục mới, nền giáo dục sẽ phát triển hoàn toàn tự do, các năng lực sẵn có của các em: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”– GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ.

Theo GS Hoàng Chí Bảo, có thể tìm thấy sự nhất quán trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là một nhà giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại những tư tưởng chói sáng cho dân tộc và nhân loại. Có một đặc điểm độc đáo đó là, tư tưởng không ẩn hiện trên bề mặt câu chữ, mà lấp lánh giữa hai khoảng chữ, ở đằng sau câu chữ. “Ý tại ngôn ngoại”, “hàm súc dư ba”, nhất là những chỉ dẫn của Người về GD-ĐT, đạo đức, chân lý khoa học. Trong hệ thống tư tưởng của Người, tư tưởng về giáo dục và quản lý giáo dục chiếm một vị trí nổi bật mà chúng ta cần phải khai thác.

GS.TS Hoàng Chí Bảo. Ảnh: Internet

GS.TS Hoàng Chí Bảo. Ảnh: Internet

Chú trọng phương pháp

Với tư cách là một nhà đạo đức, đạo đức học thực hành Mác-xít, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra triết lý giáo dục về đạo đức, mà chỉ gói gọn trong bốn chuẩn mực và hai nguyên tắc ứng xử: Cần - kiệm – liêm - chính. Bốn đức để làm người, thiếu một đức thì không thành người và ứng xử là: Chí – công – vô – tư - vô ngã vị tha, tất cả vì dân, vì nước. Đấy là đạo đức học cách mạng thực hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong 10 năm cuối đời, dù sức khỏe đã yếu nhưng Người vẫn nỗ lực thực hiện 700 chuyến đi về cơ sở, mà trong những chuyến đi đó, đến làng xã nào, Người cũng không quên đến thăm các trường học. Người còn chỉ dẫn cả việc trồng cây trong nhà trường để tạo bóng mát, cảnh quan đẹp và nhất là chăm sóc sức khỏe các cháu HS.

Với tư cách là nhà giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng phương pháp, coi đó như một công cụ để nhận thức. GS Bảo cho hay: Nhà triết học vĩ đại nước Đức thế kỷ XIX là Hegel để lại một câu nói nổi tiếng: Xét đến cùng mọi tri thức của lịch sử nhân loại đều quy vào tri thức về phương pháp... Cho nên phương pháp là công cụ để sản xuất ra tri thức, người thầy nền giáo dục hiện đại nắm được phương pháp hiện đại, tức là tự mình sản xuất ra tri thức, nó là cơ sở của giáo dục suốt đời, liên tục, phát triển trí tuệ, đạo đức và nhân cách.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung Chải (Sa Pa, Lào Cai) trong giờ học nội trú. Ảnh: TG

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung Chải (Sa Pa, Lào Cai) trong giờ học nội trú. Ảnh: TG

Chân lý dẫn đường

Nói đến quản lý giáo dục là nói đến các quan hệ giữa chủ thể và đối tượng, giữa chủ thể và khách thể. Nhà giáo dục là chủ thể giáo dục. Nếu đứng về mặt quản lý, phương diện con người, từ cô hiệu trưởng mầm non đến các thầy, cô hiệu trưởng trường phổ thông, giáo sư đại học, hiệu trưởng trường đại học lớn đều là những chủ thể của quản lý. Chủ thể quản lý còn là xã hội, Nhà nước, gia đình... Học sinh là đối tượng tiếp nhận sự giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội. Nhưng bản thân học sinh, sinh viên cũng là chủ thể của quá trình tự giáo dục. Quan hệ kép giữa đối tượng - chủ thể, chủ thể - đối tượng được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng trong việc khêu gợi sự phát triển trí tuệ, hoàn thiện đạo đức của học sinh, sinh viên.

Quản lý là nói đến những vấn đề về những mối quan hệ. Quản lý bằng mục tiêu, luật pháp, pháp lệnh; quản lý các vấn đề cụ thể bằng chính sách, cơ chế. Tất cả điều đó đều có trong chỉ dẫn của Người.

Nói về vị trí của người thầy trong đời sống giáo dục của nước nhà, nhất là một nhà nước đã độc lập, tự do và đang vươn tới giá trị cao nhất là hạnh phúc của con người. Người cho rằng, không có thầy giáo không thành giáo dục, không có nhà trường cũng không thành giáo dục, mà không phát triển giáo dục thì đừng nói gì đến phát triển kinh tế và xã hội. Những điều này trở thành giá trị bền vững của muôn đời.

Trong cuộc cạnh tranh gay gắt ở thế giới toàn cầu hiện nay, thành hay bại, thăng hay trầm đều tùy thuộc vào chính sách giáo dục của một nhà nước, quốc gia, nhất là vấn đề nguồn lực phát triển cho giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các nhà giáo.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong nghiên cứu khoa học. Ảnh: Sỹ Điền

Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong nghiên cứu khoa học. Ảnh: Sỹ Điền

Theo GS Bảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại những chỉ dẫn về nội dung toàn diện của giáo dục và nguyên tắc, nguyên lý, phương châm của giáo dục. Đó là một nền giáo dục mà hướng từ thể dục cho đến đức dục, trí dục và thẩm mỹ, đặc biệt là lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Trong bản “Di chúc”, Người căn dặn phải đổi mới giáo dục, tìm tòi những mô hình nhà trường thích hợp với yêu cầu mới, nửa ngày học, nửa ngày làm để đem lại ích quốc, lợi dân, đóng góp cho xã hội.

Người thấu hiểu công việc giáo dục, trong đó hạt nhân là hoạt động dạy học ở từng cấp học. Người gọi là một cấp - cấp vỡ lòng. Người có một câu nói đi vào lịch sử dù rất dung dị, mẫu giáo là thay mẹ dạy trẻ; trẻ nhỏ hay quấy, cho nên cô giáo mẫu giáo với tư cách là người giáo dục, đồng thời là người mẹ phải kiên nhẫn, bằng tình thương để dạy dỗ cho các cháu.

Tiểu học nền tảng là đạo đức, thể hiện qua 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi. Đến trung học, từ cơ sở đến phổ thông là dạy kiến thức cơ bản. Học xong sẽ đi làm thợ được ngay. Người không chủ trương cả nước vào đại học. Người chủ trương là đào tạo suốt đời, làm thợ nhưng có trình độ của người thầy, bằng cách vừa học, vừa làm, học suốt đời. Đặc biệt, Người nói đại học phải dạy theo phong cách nghiên cứu, chú trọng về phương pháp, phải dạy thế nào để cho trí tuệ con người mở mang, đạo đức con người hoàn thiện. Mỗi sinh viên đại học là một trí thức tương lai phải đào tạo trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển vật chất, tinh thần của xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến phương pháp. Trong di sản giáo dục của Người, phương pháp hết sức quan trọng. Phương pháp là tầm tư tưởng, tốc độ lý luận, công cụ để nhận thức và phát triển tư duy sáng tạo. Phương tiện không bao giờ đồng nhất, giản đơn với phương pháp.

“Tôi cho rằng, phương pháp cực kỳ quan trọng. Đây có lẽ là một trong những điểm sáng của Bác chúng ta cần phải nghiên cứu công phu để vận dụng sáng tạo” – GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Người chú trọng cả chính sách cơ chế, nhân tố động lực để phát huy được tài trí của con người, làm cho con người bộc lộ hết mình. Học để làm việc, học để làm cán bộ, học để làm người phục vụ dân tộc, giai cấp và Tổ quốc, nhân loại. Muốn đạt mục đích ấy, trước hết phải cần - kiệm – liêm – chính. Đấy mới là điều sâu thẳm trong tư duy triết học và triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. - GS.TS Hoàng Chí Bảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/dao-duc-hat-nhan-cot-loi-cua-giao-duc-m1vSorTGR.html