Đạo diễn Cao Trung Hiếu: Từ chiếc lá bồ đề đến Rừng Việt Nam

Vừa gặp, Cao Trung Hiếu khoe anh mới có chùm thơ haiku được đăng trên tuyển tập thơ Haiku thế giới. 'Lòng biết ơn/ như nụ hoa trắng/ nở trong khô cằn'… Là một đạo diễn sân khấu sống trong showbiz nhưng Hiếu rất hay trầm tư. Chính điều đó đã giúp những chương trình của Hiếu luôn có một chiều sâu, mang thông điệp, ý nghĩa tích cực.

Cao Trung Hiếu là cái tên quen thuộc với những ai yêu thích nhạc Việt, đặc biệt với các fan ruột của ca sĩ Hà Anh Tuấn. Anh là đạo diễn sân khấu, người đứng đằng sau mọi show diễn của Hà Anh Tuấn; là một thành viên trong Viet Vision, thực hiện rất nhiều show thành công của các nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng và đưa nhiều nghệ sĩ nước ngoài về Việt Nam trình diễn, cũng như chuỗi các đêm nhạc của các thương hiệu lớn.

Trong tháng 5, Hiếu đạo diễn hai show ca nhạc lớn: đầu tháng là Trần Tiến - Nửa thế kỷ phiêu bạt, cuối tháng là Show của Đen. Chen giữa những show ca nhạc là dự án Storii, một platform về sáng tạo Hiếu đang thực hiện cùng với Rừng Việt Nam, Chồi Việt Nam và những chương trình về sáng tạo… Cao Trung Hiếu đã chia sẻ về hành trình của mình, một đạo diễn không chỉ làm show giải trí mà còn mong muốn để lại nhiều điều ý nghĩa, giá trị cho cộng đồng.

Đã qua vài tháng nhưng dư âm của live concert Chân trời rực rỡ tại sân lễ hội đền vua Đinh vua Lê, Hoa Lư, Ninh Bình vẫn còn đó. Anh có thể chia sẻ vì sao êkíp có ý tưởng đột phá khi mời nghệ sĩ Kitaro qua Việt Nam trình diễn cùng Hà Anh Tuấn?

Chúng tôi không nghĩ nhiều về sự đột phá. Khi thực hiện live concert đầu tiên của Hà Anh Tuấn vào năm 2016, lúc đó, Tuấn dường như mất cảm xúc với việc hát. Tuấn có nhiều tâm sự, chỉ muốn làm một đêm nhạc tổng kết 10 năm đi hát. Nhưng không hiểu sao, vé bán sạch và êkíp phải tổ chức thêm một đêm ở Sài Gòn. Tôi mới vỡ lẽ lâu nay, có một lượng lớn khán giả vẫn theo dõi và ủng hộ Tuấn. Họ lớn lên cùng âm nhạc của Tuấn, không ồn ã nhưng họ thật sự cần một không gian âm nhạc của Tuấn để chia sẻ.

Sau thành công đó, Tuấn tìm được nhiều cảm hứng với âm nhạc, êkíp mạnh dạn thực hiện các đêm nhạc mới, hát hoàn toàn nhạc Phạm Toàn Thắng (Fragile), Phan Mạnh Quỳnh (Truyện Ngắn)… Chúng tôi nhận ra, quan trọng nhất là mình làm chương trình có hay không, có sáng tạo không, có mang đến cảm xúc thật sự cho người xem hay không?

Cao Trung Hiếu.

Từ những đêm nhạc thành công của Hà Anh Tuấn, với lòng biết ơn dành cho khán giả, chúng tôi quyết định các chương trình sau phải mang tính “chiêu đãi”, dành tặng người hâm mộ “những món quà quý” vì họ xứng đáng. “Món quà” ở đây là sự trải nghiệm đáng giá mà kể cả êkip thực hiện chúng tôi cũng đang được sống với nó.

Với khách mời Kitaro, đây không còn là câu chuyện kinh doanh nữa vì mời Kitaro về trình diễn rất tốn kém. Sau Đà Lạt, Hội An, khi chọn Ninh Bình làm địa điểm diễn ra đêm nhạc, chúng tôi có ý tưởng hát về quê hương, cội nguồn - Ninh Bình cũng là quê cha đất tổ của Hà Anh Tuấn. Kitaro cùng với âm nhạc của ông không thể phù hợp hơn giữa đất trời Ninh Bình. Kitaro chính là sự tự hào, là đại diện cho âm nhạc châu Á. Ông nhận lời sau chuyến làm việc thân tình với chúng tôi tại Tokyo cuối năm 2019. Ông nói rằng đã chờ đợi lời mời về Việt Nam gần 30 năm nay. Ông rất yêu quý Việt Nam, vì cách đây gần 30 năm, ông sống ở Đà Nẵng để làm nhạc phim cho bộ phim Trời và đất của Oliver Stone.

Kitaro thân thiện, cởi mở và dành rất nhiều tình cảm cho Chân trời rực rỡ. Ông còn dành thời gian đi trồng rừng với chúng tôi và ngỏ lời phát hành album kết hợp với Hà Anh Tuấn trên các nền tảng global. Quả thật nếu không liều lĩnh thì chúng tôi đã không có được cơ hội tuyệt vời này. Chúng tôi đã có nhiều trải nghiệm thú vị với các nghệ sĩ nước ngoài, như Il Divo, Kelly Clarkson cho chương trình Hoa hậu tại Việt Nam, như John Legend, Christina Aguilera cho giải thưởng VinFuture… nhưng có lẽ sự hợp tác với Kitaro trong Chân trời rực rỡ mang nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất vì sự có mặt của gần 20.000 khán giả của hai đêm diễn.

Quay ngược lại về những năm 2014 - 2015, vì sao Hiếu, từ một biên tập âm nhạc, làm thiết kế, nhiếp ảnh, từng học Đại học Kiến trúc, lại chuyển sang làm đạo diễn sân khấu?

Viet Vision thành lập từ 2009 nhưng tôi chỉ biên tập âm nhạc và thiết kế hình ảnh. Cơ duyên giúp tôi đến với nghề đạo diễn sân khấu là từ đêm nhạc riêng của danh ca Khánh Ly lần thứ hai tại Hà Nội. Tôi nhận được lời mời từ nhà tổ chức bởi họ nhìn thấy sự gắn bó và hiểu biết của tôi về âm nhạc và những câu chuyện của cô Khánh Ly. Với sự hỗ trợ của Viet Vision, tôi suy nghĩ rất nhiều trước khi nhận lời để thử sức mình.

Tôi còn nhớ ngày hôm đó, khi vẫn đang tìm ý tưởng cho đêm nhạc, tôi đang ngồi ở một quán cà phê vỉa hè thì một chiếc lá bồ đề rơi xuống trúng ngay mình. Nhìn chiếc lá bồ đề khô héo, tôi liên tưởng đến âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi mạnh dạn đề bạt ý tưởng chỉ duy nhất một chiếc lá trên sân khấu, mọi câu chuyện về cuộc đời để diễn ra trong một dáng lá…

Nhận được nhiều lời khen ngợi sau đêm nhạc, nhất là cái ôm của cô Khánh Ly, từ đó, xuyên suốt các chương trình của tôi đều chú trọng hai yếu tố: thiết kế sân khấu không được ảnh hưởng đến âm nhạc, phải tôn vinh âm nhạc; và có một biểu tượng để khán giả nhớ. Vì thế tôi cùng êkip của mình đã có những sân khấu hình tổ chim, chiếc loa kèn, một hành tinh, một quả trứng hay một hình dáng cây guitar mà gần đây nhất tôi thực hiện tại đêm nhạc Trần Tiến.

Hình dáng cây guitar tại đêm nhạc “Trần Tiến - Nửa thế kỷ phiêu bạt”.

Tôi nghĩ, làm nghề này, khó nhất chính là sự đối thoại. Có ba cuộc đối thoại khi mình làm đạo diễn, đó là đối thoại với chính bản thân, đối thoại với êkíp, đối thoại với khán giả. Đôi khi mình nghĩ họa sĩ sẽ có bức tranh để đời, nhạc sĩ có ca khúc, nhiếp ảnh gia còn có hình ảnh lưu lại, vậy thì làm nghề đạo diễn sân khấu ca nhạc, xong show thì coi như mất đi hết dù mình có bày biện ra bao nhiêu thứ đẹp đẽ, công phu. Giống như sân khấu loa kèn ở Đà Lạt, khi mọi người gỡ đi, tôi khóc. Công sức đem bao nhiêu tấn thiết bị từ Sài Gòn lên thực hiện rồi hết show phải gỡ bỏ.

Sự “mất đi” đó đôi khi làm mình quá đau đớn. Tôi nghĩ hoài làm nghề này để lại cái gì, có phải là video clip, là hình ảnh không? Nghiệm lại, tôi chợt thấy cái may mắn của nghề này là mình có thể quy tập được nhiều người, thậm chí vài chục nghìn người cùng nhau thưởng thức âm nhạc, thưởng thức một tác phẩm sân khấu, và đó là một nguồn năng lượng rất lớn, mãnh liệt mà không phải ngành nghề nào cũng may mắn có được.

Gia đình có phải là yếu tố quan trọng đưa Hiếu cũng như chị gái mình là ca sĩ Đoan Trang đến với nghệ thuật?

Từ nhỏ, tôi sống ở Long Khánh - Đồng Nai, mẹ là thợ may, ba là thợ cơ khí, có một gara sửa xe ô tô, tuổi thơ luôn là căn nhà đầy dầu nhớt. Tuy vậy, ba mẹ tôi lại rất yêu nghệ thuật nên khi con có một chút năng khiếu thì ủng hộ hết sức.

Từ nhỏ, khi chị Đoan Trang đi thi hát trong các chương trình hè, cuộc thi học sinh thì cả nhà cùng nhau trên một chiếc xe đi theo để ủng hộ. Chị Đoan Trang diễn ở đâu, cả nhà bỏ hết việc đi theo. Rồi ông anh mê đánh trống nên trở thành tay trống trong ban nhạc rock Microwave. Tôi thích vẽ nên học Đại học Kiến trúc, làm đội trưởng đội văn nghệ trong trường. Có lẽ vì có quá nhiều niềm đam mê với hình ảnh và âm nhạc đã giúp tôi trở thành đạo diễn sân khấu âm nhạc như bây giờ.

Thời gian gần đây, nhiều chương trình, talkshow Hiếu thực hiện phát trên nền tảng Storii, đó là gì?

Suốt một quãng thời gian dài làm rất nhiều về giải trí, quảng cáo, show, kinh doanh, chúng tôi muốn có một platform về nội dung, như một sân chơi để kết nối những người làm sáng tạo ở nhiều thế hệ.

Với Storii, chúng tôi muốn mang đến những chương trình mang tính học thuật, các dự án cộng đồng có ý nghĩa, hướng các bạn trẻ đến nhiều vấn đề cần quan tâm như môi trường, lối sống chứ không chỉ có điện ảnh, âm nhạc, thời trang, giải trí. Ví dụ như Storii Of Wildlife, Storii kết hợp cùng tổ chức Save Vietnam’s WildLife để thực hiện những thước phim tư liệu mang kiến thức về bảo vệ động vật hoang dã, môi trường tại Việt Nam. Storii kết hợp các nghệ sĩ trẻ như Thịnh Suy, Hoàng Dũng… sáng tác các ca khúc liên quan đến Rừng Việt Nam.

Cao Trung Hiếu trong một chuyến giải cứu động vật hoang dã.

Chúng tôi từng đến các trường đại học, tổ chức talkshow về sáng tạo, làm phim tài liệu. Chúng tôi cũng làm được 12 talkshow podcast, nơi các nghệ sĩ nhiều thế hệ trò chuyện cùng nhau như chú Trần Tiến trò chuyện với Phan Mạnh Quỳnh, Ngọc Lễ với Hoàng Dũng, Hà Anh Tuấn với Kitaro… và gần đây nhất là Hồ Ngọc Hà trò chuyện với Tóc Tiên… Hoặc chương trình Không gian sống Ấm êm, gặp gỡ các bạn trẻ tự tin, độc lập tài chính, có căn hộ riêng, chia sẻ về không gian sống của mình.

Còn nhiều câu chuyện nữa mà chúng tôi rất muốn “kể” cùng các bạn sáng tạo trẻ. Với Storii, chúng tôi đang trên một hành trình đi tìm những câu chuyện giàu giá trị.

Ngoài Rừng Việt Nam mà tôi có thấy hình ảnh Hiếu cũng như Hà Anh Tuấn, Kitaro cùng đi trồng rừng, các bạn còn có nhiều những dự án xã hội khác. Hiếu có thể chia sẻ không?

Mỗi năm, chúng tôi chọn những nơi có nhu cầu tái tạo mảng xanh, và dùng nguồn lực của chính Viet Vision, trích từ tiền bán vé của show Hà Anh Tuấn để đi trồng rừng. Hiện, chúng tôi đã trồng được 5 cánh rừng từ năm 2018, ở Lạc Dương - Lâm Đồng, bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng, Bình Thuận, Hà Giang, Ninh Bình.

Chúng tôi có những cam kết với người địa phương, hạt kiểm lâm, tỉnh đoàn để họ nuôi dưỡng 4-5 năm hoặc cho đến khi cây sống tốt. Năm địa điểm trồng rừng vừa qua, có cánh rừng rất tươi tốt như rừng sa mộc ở Hà Giang, các loài cây bản địa ở Sơn Trà - Đà Nẵng, nhưng cũng có cánh rừng một số loại cây không sống được vì không hợp thời tiết, chúng tôi phải phối hợp nghiên cứu và trồng dặm. Qua quá trình theo dõi từng tháng, từng quý, hiện nay các cánh rừng đều trong tình trạng tốt và chúng tôi luôn tìm mọi cơ hội để phủ xanh những cánh rừng tiếp theo.

Từ trái: ca sĩ Hà Anh Tuấn, nghệ sĩ Kitaro, đạo diễn Cao Trung Hiếu và Minh Hoàng (công ty Viet Vision) cùng trồng cây trong dự án Rừng Việt Nam.

Với Rừng Việt Nam, không chỉ là việc trồng cây gây rừng, chúng tôi muốn thông qua đó, gửi đến các bạn trẻ thông điệp: Hãy nghĩ đến những điều xung quanh ta. Xung quanh ở đây không chỉ là con người mà còn là thiên nhiên. Đâu phải đơn giản mà chúng tôi có được một cộng đồng người yêu nhạc lớn quan tâm đến các dự án của mình. Với sự ảnh hưởng của Hà Anh Tuấn và các bạn nghệ sĩ trẻ, tại sao chúng ta không làm những điều có ý nghĩa và giá trị!

Bên cạnh Rừng Việt Nam, nhóm bạn bè thân thiết chúng tôi còn có dự án Chồi Việt Nam hỗ trợ cho những trẻ em nghèo không được đến trường, các em bị bệnh không có tiền chữa trị. Mỗi năm chúng tôi có nhiều chuyến đi đến những nơi còn khó khăn, thiếu thốn. Chúng tôi còn có dự án Power On tài trợ học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học. Tất cả những dự án này chúng tôi làm đều dựa vào nguồn lực cá nhân không gây quỹ với hy vọng chia sẻ được một chút quan tâm của mình dành cho sinh viên và các bạn nhỏ.

Một vài chương trình sắp tới Hiếu đạo diễn?

Gần nhất là Show của Đen, một cơ hội để tôi được sống trong một không khí hiện đại của tuổi trẻ. Tôi cũng đang thực hiện chuỗi đêm nhạc mang tên The Legend Concert cho Masterise Homes, đã làm đêm nhạc Trịnh Công Sơn và triển lãm 12 bức tranh của nhạc sĩ, sắp tới sẽ là đêm nhạc Thanh Tùng và nhiều nhạc sĩ gạo cội của âm nhạc Việt Nam. Tôi cũng đang ấp ủ về một lễ hội âm nhạc và sáng tạo lấy cảm hứng từ Rừng Việt Nam mang tên Forestival.

Bài: Trâm Anh - Ảnh: TLNV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dao-dien-cao-trung-hieu-tu-chiec-la-bo-de-den-rung-viet-nam-39662.html