Đại biểu Thạch Phước Bình: Cần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tham gia thảo luận nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình kỳ họp lần này đã bám sát 11 nội dung cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 05 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn với nhiều điểm mới quan trọng.

Nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình tham gia 06 nội dung.

Thứ nhất, về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đề nghị nên bổ sung đối tượng thành viên là cá nhân của các tổ hợp tác (tổ hợp tác có đăng ký kinh doanh) vào khoản 1 Điều 3 Dự thảo để tương đồng với hai đối tượng mới được bổ sung trong Dự thảo là chủ hộ kinh doanh (hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh) hoặc người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương. Các đối tượng này có cả vai trò là người lao động trong nền kinh tế, vừa có nhu cầu, vừa có điều kiện tham gia BHXH, họ cũng muốn được hưởng các lợi ích, hỗ trợ từ quỹ BHXH như những người lao động khác trong nền kinh tế.

Việc bổ sung này giúp mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc phù hợp với mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH, đồng thời cũng phù hợp với quan điểm trong Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Thứ hai, về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định tại điểm k khoản 1 Điều 3 Dự thảo, đề nghị cần thống nhất quy định cụ thể về đối tượng BHXH bắt buộc cũng bao gồm người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Cách quy định này mang tính liệt kê các đối tượng không chuyên trách ở cấp cơ sở, việc liệt kê người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn có sự tương đồng với quy định về đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Thứ ba, về trách nhiệm của người tham gia và người thụ hưởng chế độ BHXH (Điều 10 dự thảo). Điểm b khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật quy định người tham gia BHXH có các trách nhiệm Theo dõi và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ trách nhiệm về BHXH đối với mình. Đề nghị xem xét chuyển nội dung này sang phần quy định quyền của người tham gia BHXH tại khoản 1 Điều 9 để đảm bảo hợp lý hơn.

Đại biểu Thạch Phước Bình.

Đại biểu Thạch Phước Bình.

Thứ tư, về trợ cấp hưu trí xã hội (chương III). Hiện nay, quy định trong Dự thảo đang xác định đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là: đủ 75 tuổi trở lên; không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ; mức hưởng gồm trợ cấp hằng tháng, bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng.

Theo đó, quy định về trợ cấp hưu trí xã hội tại khoản 2 Điều 22 Dự thảo có nội dung tương tự chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Người cao tuổi năm 2009.

Tuy nhiên, theo Điều 17 Luật Người cao tuổi năm 2009, trợ cấp xã hội hằng tháng này áp dụng cho người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Người cao tuổi năm 2009 mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng, mức hưởng hiện nay là 360.000 đồng, còn người cao tuổi từ đủ 75-80 tuổi trong Luật Người cao tuổi năm 2009 phải có điều kiện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, thông tin về tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay cũng cần xét đến, theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, nhưng phụ nữ có tuổi thọ cao hơn nam giới (nữ là 76,1 tuổi, nam là 71,1 tuổi). Do đó, tính đến đánh giá thẩm định giới cần tính đến cả bình đẳng giới với nam giới, tránh tình trạng chính sách hỗ trợ không bao phủ hết đối tượng do chưa đủ điều kiện hưởng đã hết thời hạn hưởng. Do đó, Dự thảo đã có bước tiến khi xác định độ tuổi hưởng mức trợ cấp này thấp hơn mức quy định của Luật Người cao tuổi năm 2009, theo đại biểu Thạch Phước Bình thì nên lấy mức tuổi thọ trung bình của người Việt Nam làm căn cứ.

Thứ năm, về rút BHXH một lần (Điều 74). Về cơ bản, cần hạn chế và tiến tới chấm dứt cho người lao động rút BHXH một lần. Bên cạnh các chính sách rút ngắn thời gian bắt đầu hưởng lương, chính sách hỗ trợ về tín dụng, trợ cấp hưu trí… thì quy định dứt khoát từ phía Nhà nước là cần thiết. Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đồng ý với phương án 2 tại điểm đ khoản 1 Điều 74 Dự thảo. Nghĩa là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng chế độ BHXH.

Tuy nhiên, cần tăng cường tuyên truyền lợi ích của BHXH để người lao động nhận biết đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, hỗ trợ họ cả trong thời gian lao động và khi hết tuổi lao động. Khoản đóng góp quỹ còn có phần không nhỏ là từ phía người sử dụng lao động chưa kể các hình thức hỗ trợ từ Nhà nước, do đó, đây cũng là trách nhiệm của người lao động với an sinh xã hội của đất nước.

Về lâu về dài, nếu các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước dành cho người lao động hiệu quả, lợi ích người lao động được nhận bền vững, công tác phổ biến quy định BHXH thực hiện thường xuyên, việc quản lý nhà nước về BHXH, xử lý vi phạm thực hiện tốt sẽ tạo niềm tin cho người dân vào chính sách này, nhất là khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số như hiện nay thì cần các quy định dứt khoát để bảo đảm an sinh xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

KIẾN QUỐC

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/trong-nuoc/dai-bieu-thach-phuoc-binh-can-tiep-tuc-mo-rong-doi-tuong-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc-37469.html