Đại biểu Quốc hội kiến nghị giải pháp cân bằng cung – cầu thị trường bất động sản

Chia sẻ bên lề Kỳ họp, một số đại biểu đã phản ánh tình trạng đầu cơ, thổi giá đất diễn ra không chỉ ở các thành phố lớn, mà còn diễn ra ở các khu vực xa thành phố. Có rất nhiều dự án bất động sản dang dở, bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực nhưng nhiều người dân đang thiếu nhà ở. Vì vậy, cần có các giải pháp căn cơ đảm bảo cân bằng cung – cầu bất động sản. Đây cũng là một trong những nội dung sẽ được thảo luận trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trong tuần làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Giai đoạn 2015-2023, thị trường bất động sản đã có những bước phát triển về quy mô, loại hình, số lượng, hình thức huy động vốn và các chủ thể tham gia; tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển và nâng cao điều kiện sống cho các tầng lớp Nhân dân, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.

Theo phân tích của đại biểu Quốc hội, vẫn thị trường bất động sản vẫn mất cân đối cung - cầu

Theo phân tích của đại biểu Quốc hội, vẫn thị trường bất động sản vẫn mất cân đối cung - cầu

Tuy vậy, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai; các loại hình bất động sản mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể điều chỉnh…

Cung – cầu bất động sản đang “lệch pha”

Chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 8, một số đại biểu Quốc hội đã phản ánh tình trạng đầu cơ, thổi giá đất diễn ra không chỉ ở các thành phố lớn, mà còn diễn ra ở các khu vực xa thành phố. Có rất nhiều dự án bất động sản dang dở, bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực nhưng nhiều người dân đang thiếu nhà ở. Vì vậy, cần có các giải pháp căn cơ đảm bảo cân bằng cung – cầu bất động sản.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ - thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023” cho biết, qua giám sát cho thấy, đã có rất nhiều thời điểm xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá đất, không chỉ ở nội đô, trung tâm các thành phố lớn, mà còn diễn ra ở các khu vực xa thành phố. Đặc biệt, qua các phiên đấu giá, có hiện tượng một nhóm người, tổ chức liên kết với nhau để đặt giá cao, bỏ cọc để tạo nên mặt bằng giá mới, gây sốt ảo cho thị trường bất động sản.

Trên thực tế, cũng có rất nhiều dự án bất động sản dang dở, bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực trong khi đó người dân đang thiếu nhà ở. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chính sách, pháp luật của Việt Nam thay đổi nhanh, có nhiều văn barnq quy phạm pháp luật không thống nhất, còn chồng chéo, vướng mắc.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua tiếp xúc cử tri, người dân rất bức xúc trước tình trạng, người lao động khao khát có nhà, nhưng trên đường phố, có nhiều nhà bỏ trống, nhiều dự án nhà ở bỏ hoang, gây lãng phí. Do vậy, cần giải quyết căn cơ tình trạng các dự án bất động sản bị đóng băng, Quốc hội cần có nghị quyết về nội dung này.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, bất cập lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là “lệch pha” giữa giá nhà và khả năng chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu về nhà ở. Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn thiếu so với nhu cầu nhưng tại một số địa phương đang dư thừa, do quy hoạch, vị trí nhà ở xã hội không phù hợp.

Cùng với đó là những vướng mắc về mặt pháp lý khi triển khai dự án dự án bất động sản – khó khăn nhất trong các dự án đầu tư, kinh doanh có liên quan đến sử dụng đất (liên quan đến 23 luật, 76 nghị định, 87 thông tư và quy trình liên quan đến hầu hết các ngành, các lĩnh vực). Điều này làm gia tăng rủi ro, gia tăng chi phí, kéo giảm tính hiệu quả, làm tăng giá bất động sản và nhà ở.

Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, nguyên nhân của những vướng mắc trên là hạn chế về một số quy định, hạn chế về khâu tổ chức thực thi. Trong đó chất lượng của các quy hoạch rất kém, quy hoạch lập không đồng thời ở các thời điểm khác nhau, các ngành, các cấp khác nhau, dẫn tới sự không đồng bộ, không thống nhất giữa các quy hoạch. Ngoài ra cũng có nguyên nhân là khó khăn trong công tác định giá đất; một số chủ đầu tư không có năng lực tài chính thật sự và kinh doanh theo kiểu phát triển nóng và lợi dụng đòn bẩy tài chính…

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Thời gian qua, Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra để có chính sách, giải pháp phù hợp, đưa thị trường bất động sản lành mạnh và đúng với giá trị thực. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ ủng hộ Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, đã có bản án của Tòa án và những dự án đã được các cấp có thẩm quyền kết luận và trách nhiệm đã được xử lý hết. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để triển khai tiếp các dự án đang bỏ hoang gây lãng phí. Theo ước tính có tới hàng vạn căn hộ có thể được đưa vào sử dụng, nếu chúng ta triển khai sớm chủ trương này.

Chính phủ cũng đề xuất triển khai các dự án nhà ở thương mại thông qua chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu đất có thể chuyển sang thực hiện các nhà ở xã hội, mà không cần có đất ở như trong các quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành.

“Tôi tin rằng, nếu hai nghị quyết này được thực hiện, nguồn cung thị trường bất động sản sắp tới sẽ tương đối lớn, giải quyết tình trạng khan hiếm hoặc bất cân đối cung cầu trên thị trường hiện nay”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Cũng có chung quan điểm trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần tiếp tục rà soát những dự án, nếu đã xử lý sai phạm cần có phương án tiếp tục triển khai, vừa chống lãng phí, vừa đáp ứng nguồn cung nhà ở cho người dân.

Đại biểu cũng cho rằng, điều mong muốn nhất của người dân là có nhà ở, chứ không phải là sở hữu căn nhà, bởi thu nhập không đủ dư để mua nhà. Vì vậy, cần phát triển thị trường nhà ở cho thuê, nhà lưu trú công nhân, Chính phủ và các địa phương nên dành nguồn đất ưu đãi để các doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở cho người lao động.

Gợi ý một số giải pháp trong ngắn hạn, đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng cần tạo được nguồn cung bất động sản. Trong đó, nguồn cung có thể khởi tạo nhanh nhất và kịp thời nhất là gỡ được vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai nhưng gặp một số vướng mắc nên đình trệ.

Theo đại biểu, tháo gỡ được vướng mắc này không chỉ nâng cao hiệu quả, giúp phục hồi thị trường bất sản, mà còn tạo ra nguồn cung cho thị trường bất động sản. Để làm được điều này, cần rà soát tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, với quan điểm rõ ràng, thống nhất, đó là nhìn vào lợi ích tổng thể, lợi ích chung của xã hội để so sánh giữa việc dừng dự án và tiếp tục triển khai dự án, phương án nào có lợi hơn. Bởi có những dự án đã triển khai, chuẩn bị hoàn thành, thậm chí bán cho người dân, nếu quay trở lại làm các thủ tục pháp lý từ đầu thì phí tổn lớn hơn so với lợi ích, thậm chí không thể làm lại được.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế. Đồng thời, tập trung triển khai phát triển nhà ở xã hội, trong đó chú trọng khâu tổ chức thực thi hơn là khung pháp lý. Các địa phương nên chủ động bố trí quỹ đất ở những vị trí thuận lợi; đẩy nhanh giải quyết các thủ tục liên quan đến nhà ở xã hội, với các chính sách ưu đãi nhà đầu tư.

Về lâu dài, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, tránh lệch pha, giảm thiểu đầu cơ, thao túng làm tăng giá thị trường bất động sản, đại biểu Phan Đức Hiếu nêu hai giải pháp căn cơ:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, vì đây là quá trình thường xuyên, liên tục, nếu làm tốt sẽ giúp cắt giảm nhiều chi phí đầu tư và hạ giá nhà ở. Trong quá trình rà soát, lưu ý nhà nước chỉ can thiệp vào khâu quan trọng, không quản lý theo quy trình mà quản lý theo kết quả đầu ra.

Thứ hai, khẩn trương, kịp thời có chính sách thuế theo yêu cầu của nghị quyết trung ương Đảng – đánh thuế đối với trường hợp sử dụng nhiều đất, để khuyến khích việc sử dụng tiết kiệm đất và giải quyết tình trạng bất động sản bỏ hoang. Cùng với đó, quan tâm đến chính sách tín dụng, không cào bằng chính sách tín dụng đối với bất động sản, trong trường hợp mua căn nhà thứ hai, thứ ba, thứ tư… chính sách tín dụng phải khác với người vay mua căn nhà đầu tiên.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=90618