Đã đến lúc nên bình dân hóa hoa hậu

Nếu trong vai trò một cầu thủ trên sân cỏ, Hoa hậu Ý Nhi đã trở thành người chuyên kiến tạo những tình huống phản lưới nhà bằng những phát ngôn vạ miệng.

Các cuộc thi Hoa hậu ở nước ta chưa bao giờ nở rộ như những năm gần đây. Điều này phải kể đến một chất xúc tác cực lớn đến từ Nghị định 144/2020 NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Nói như NSND Nguyễn Quang Vinh, từng là Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thì: “Khi Nghị định được nới lỏng, địa phương sẽ có quyền được lựa chọn và quyết định tổ chức các cuộc thi”.

Như vậy, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó có tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu được trung ương phân cấp về chính quyền địa phương quản lý toàn diện từ cấp văn bản chấp thuận đến kiểm tra, xử lý vi phạm.

Huỳnh Trần Ý Nhi đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 ngày 22-7. Ảnh: BTC.

Vậy nên, theo thông tin từ Cục Nghệ thuật biểu diễn thì trong năm 2022, cả nước có khoảng 25 cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức. Nếu tính riêng trong năm 2022 thì có 13 cuộc thi được đăng ký mới.

Việc có nhiều cuộc thi người mẫu, người đẹp đem lại những lợi ích thấy rõ, điều này trao cơ hội cho nhiều thí sinh dự thi hơn, hay nói một cách dân dã là “Khởi nghiệp bằng con đường nhan sắc”.

Nhưng cũng vì thế mà tạo ra không ít chuyện dở khóc dở cười. Có những cuộc thi trùng tên nhau sinh ra lời qua tiếng lại, có những thí sinh dường như có nghề đi thi các cuộc thi Hoa hậu, vì xuất hiện ở nhiều cuộc thi khác nhau. Nếu vắng, một cuộc nào đó, đôi khi chỉ vì trượt tiêu chí hay trùng lịch mà thôi.

Dù trong sâu thẳm mỗi người, người đạt ngôi vị Hoa hậu thì đầu tiên phải là người đẹp, sau đó mới tính đến yếu tố khác. Nhưng cũng chẳng ban tổ chức nào lại không rào kéo các tiêu chí đi kèm để gắn vào Hoa hậu cho cuộc thi của mình. Kiểu như phải có nội tâm sâu sắc, phải có lòng nhân ái bao la, lý lịch thì long lanh trong sạch ít tì vết (mà không có tí nào thì tốt hơn)... và quan trọng nhất phải là người có trình độ.

Trình độ ở đây không phải là thô mộc ở các con số hay học thức, đôi khi đó là khả năng ứng xử, đôi khi là kỹ năng thuyết trình trước đám đông, nhưng trước hết là phải lọt được vào “mắt xanh” của Ban giám khảo.

Để chọn ra một người trao ngôi vị cao nhất, không phải chỉ những điểm số trong đêm chung kết, đó là tổng hòa của những đánh giá trong suốt quá trình của thí sinh. Thế nhưng, cũng có trường hợp thí sinh đã được Ban giám khảo ngấm ngầm chấm là Hoa hậu, đêm chung kết hoặc là có tình huống bất ngờ khó đỡ, hoặc là bỗng nhiên rò rỉ thông tin về đời tư phức tạp hay lối sống bất ổn...vậy là ngôi cao bỗng lao xao rơi xuống một cô nào đó được lựa chọn để thay thế.

Đi thi Hoa hậu thực ra cũng là một lựa chọn không dễ dàng gì. Quá trình đạt được ngôi cao cũng trần ai khổ ải. Khổ ải thực tế nhất là những ngày luyện tập căng thẳng với những lịch trình dày đặc. Nhưng ít có hào quang rực rỡ nào chẳng phải trải qua khổ luyện để thành công.

Đã có thời gian, Hoa hậu trở thành một hình mẫu được nhiều người coi trọng. Họ vừa có sắc lại có tài, vừa bao dung lại vừa khôn khéo. Để xây được những điều tốt đẹp đó, đằng sau Hoa hậu phải có một ê - kíp đủ mạnh để vừa đào tạo lại điều hướng từ phát ngôn đến hành xử, từ dự đoán rủi ro đến xử lý khủng hoảng.

Hoa hậu Ý Nhi liên tục có những phát ngôn 'vạ miệng'.

Nghề Hoa hậu, đó là tên một talkshow vừa diễn ra vào tháng 4 năm nay. Tại đây, Hoa hậu Lương Thùy Linh cũng cho rằng hoa hậu là danh xưng. Danh xưng ấy giúp các cô gái có thể dễ dàng tiếp cận những cơ hội mình theo đuổi và thực hiện nghề nghiệp theo kỳ vọng của bản thân. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là biết nắm bắt và chuyển hóa cơ hội thành thành công.

Ngôi vị cao nhất của một cuộc thi Hoa hậu rõ ràng là một bước tiến nhảy vọt của một cô gái. Nhưng đứng ở ngôi cao là một chuyện, đứng vững trên ngôi cao mà không chòng chành lại là chuyện khác. Có người bảo, hãy bao dung với những Hoa hậu bởi những phát ngôn vạ miệng của họ, vì họ còn rất trẻ và thời gian vẫn còn dài để họ chứng minh nỗ lực của mình.

Tuy nhiên, khi đã lựa chọn theo nghiệp nhan sắc, mỗi cô gái cũng phải chuẩn bị tư tưởng cho mình rằng họ sẽ bị đặt giữa những phán xét và đánh giá của công chúng. Người ta từng nói, sai lầm là đặc quyền của tuổi trẻ. Nhưng không có nghĩa có tuổi trẻ là được phép sai lầm, nhất là còn lặp lại nhiều lần.

Có lẽ, trong thời đại nở rộ các cuộc thi Hoa hậu, khi các cuộc thi cũng đang phải cạnh tranh nhan sắc như hiện nay thì việc ‘So bó đũa, chọn cột cờ” là chuyện tất yếu xảy ra.

Bởi vậy, cần khẳng định lại rằng, Hoa hậu không phải là một chuẩn mực toàn bích để định hướng và noi theo. Họ chỉ nên đóng vai trò là người đăng quang cao nhất ở một cuộc thi nào đó mà thôi.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ VH-TT&DL năm 2022, số liệu được ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cung cấp cho thấy: Năm 2022, cả nước có khoảng 25 cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức.

Địa phương có nhiều cuộc thi nhất (12/25 cuộc thi, chiếm 48%) là Đà Nẵng, trong đó, có 8 cuộc thi được điều chỉnh thời gian từ năm 2021 do tình hình dịch bệnh. Như vậy, nếu tính riêng trong năm 2022, chỉ có 13 cuộc thi được đăng ký mới.

Theo ông, trung bình mỗi năm có khoảng 14 cuộc thi. Trong đó, quy mô toàn quốc có 2 cuộc thi người đẹp; ở đấu trường nhan sắc quốc tế, có 2 cuộc thi được cấp phép; còn lại là 3 cuộc thi người đẹp của các đoàn thể, ngành nghề, 3 cuộc thi người mẫu và 4 cuộc thi người đẹp tại các địa phương.

Có thể kể đến một số cuộc thi như: Hoa hậu Sinh thái Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Thương Hiệu Việt Nam, Hoa hậu Thời Đại Việt Nam…

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/da-den-luc-nen-binh-dan-hoa-hoa-hau-post745339.html