Đa dạng các kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Hàng năm, theo kế hoạch giao của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh giải quyết việc làm (GQVL) cho khoảng 16.000 lao động. Các kênh GQVL chủ yếu là tại chỗ, từ quỹ Quốc gia GQVL và thông qua các DN.

Doanh nghiệp tuyển dụng tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm ngoài nước cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo xã Trung Thành (Đà Bắc).

Đồng chí Khuất Thị Thủy, Trưởng phòng Lao động – Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Để triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển KT-XH, tỉnh quan tâm thúc đẩy các kênh GQVL. Về GQVL tại chỗ, hàng năm thông qua Chương trình phát triển KT-XH của địa phương đã tạo việc làm cho khoảng 2.500 – 3.000 lao động. Nhiều lao động trong số đó đã tự tạo việc làm cho bản thân, như: mua bán hàng hóa (bán đồ ăn sáng, xôi, cháo, bún, phở, hoa quả rong không có địa điểm cố định), bán hàng nước, tạp hóa... Đối với kênh từ quỹ Quốc gia GQVL, nguồn vốn được hình thành từ ngân sách Trung ương, địa phương, xã hội hóa và đặt tạiNgân hàng CSXH tỉnh, phòng giao dịch đặt tại các huyện, thành phố. Hàng năm, Ngân hàng CSXH căn cứ vào nguồn vốn được bổ sung và dư nợ, nhu cầu vay vốn của nhân dân và người lao động (NLĐ), DN, HTX hướng dẫn xây dựng dự án, thẩm định và giải ngân khoảng 1.000 dự án, tạo việc làm và thu hút thêm từ 1.200 – 1.500 lao động.

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, Sở LĐ-TB&XH chú trọng GQVL thông qua các DN trong và ngoài tỉnh. Cụ thể hàng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm với nhiệm vụ được giao đã phối hợp với các phòng, ban chức năng thuộc UBND các huyện, thành phố tiến hành khảo sát địa điểm, nhu cầu việc làm, xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động. Mỗi phiên giao dịch việc làm có từ 25-30 DN, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc và học nghề. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH giới thiệu 15-20 DN ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động về các địa phương.

Hiện nay, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số đơn vị, DN lớn ngoại tỉnh như: Công ty SAMSUNG, Công ty CANON (KCN Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên) có nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động mỗi năm. Hàng năm, số lao động của tỉnh vào làm việc tại các DN trong và ngoài tỉnh khoảng 8.000 người, chủ yếu làm nghề lắp ráp linh kiện điện tử, quang học, may mặc... Số lao động di cư tự do làm việc tại các tỉnh, thành phố ngoại tỉnh khoảng trên 1.000 người, chủ yếu làm nghề xe ôm, phục vụ nhà hàng ăn uống, xây dựng...

Đáng chú ý, tỉnh đang đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ), coi đây là kênh giảm nghèo hữu hiệu, vừa có thu nhập hấp dẫn, vừa nâng cao trình độ kỹ thuật của NLĐ. Chương trình XKLĐ qua các kênh: DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; qua DN trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; qua DN đưa NLĐ đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; hợp đồng cá nhân.

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Năm 2022, toàn tỉnh có 720 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tính đến nay đã có 580 lao động trên địa bàn đi XKLĐ, thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Tỉnh phấn đấu cán đích 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023. Cùng với đó, tỉnh triển khai thực hiện các chính sách cho vay hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Quyết định số 16/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 216/ 2022/NQ-HĐND, ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh với mức vay tối đa đến 100 triệu đồng.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/316/181156/da-dang-cac-kenh-giai-quyet-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong.htm