Công dụng của vỏ đậu phộng

Vỏ đậu phộng (vỏ lạc), phần thường bị bỏ đi sau khi lấy hạt, có thể mang lại nhiều lợi ích đáng ngạc nhiên, chẳng hạn như dùng sản xuất trà, thức ăn cho vật nuôi...

Đậu phộng (lạc) là loại thực phẩm quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày nhưng hầu như mọi người chỉ nhìn thấy nó ở tình trạng đã bóc vỏ, trừ lạc luộc ở quán bia. Vỏ đậu phộng thường bị vứt bỏ, tuy nhiên nó không hề vô dụng như nhiều người vẫn tưởng.

Công dụng của vỏ đậu phộng

Vỏ đậu phộng có nhiều lợi ích hơn chúng ta tưởng và dưới đây là một số công dụng của nó:

Thức ăn cho gia súc, gia cầm

Vỏ đậu phộng là nguồn thức ăn giàu chất xơ cho động vật, đặc biệt là gia súc, gia cầm và động vật nhai lại như bò, dê, và thỏ. Chất xơ là thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống của động vật, giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng.

Sau khi làm sạch, người ta nghiền vỏ đậu phộng thành bột mịn và trộn với thức ăn hàng ngày của động vật. Việc bổ sung vỏ đậu phộng vào thức ăn không chỉ giúp cải thiện sức khỏe của động vật mà còn giảm thiểu lãng phí thực phẩm.

Vỏ đậu phộng, phần thường bị coi là vô dụng và vứt bỏ lại ẩn chứa nhiều công dụng đáng ngạc nhiên mà không phải ai cũng biết (Ảnh: Shutterstock)

Vỏ đậu phộng, phần thường bị coi là vô dụng và vứt bỏ lại ẩn chứa nhiều công dụng đáng ngạc nhiên mà không phải ai cũng biết (Ảnh: Shutterstock)

Làm phân bón cây cho cây

Đây là một công dụng của vỏ đậu phộng ít người biết đến. Vỏ đậu phộng là nguồn phân bón tuyệt vời nhờ vào hàm lượng kali cao. Kali giúp cây phát triển khỏe mạnh, giảm sâu bệnh, tăng cường sức đề kháng và thúc đẩy quá trình ra hoa, kết quả.

Có 3 cách làm phân bón từ vỏ đậu phộng:

Cách 1: Đốt vỏ đậu phộng thành than, sau đó nghiền nhỏ và trộn trực tiếp vào đất hoặc chậu cây. Than vỏ đậu phộng giúp cải thiện cấu trúc đất và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.
Cách 2: Nghiền nát vỏ đậu phộng, cho vào túi đen, thêm một lượng nước vừa đủ, buộc kín miệng túi và để trong 2-3 tiếng. Sau đó, bạn tháo hết nước, phơi khô hoặc đặt ở nơi ẩm trong một tháng để phân hủy. Trộn vỏ đậu phộng đã phân hủy với đất để trồng cây. Cách này không chỉ tăng chất dinh dưỡng cho cây mà còn có tác dụng chống thối rễ.
Cách 3: Cho trực tiếp vỏ đậu phộng vào đáy chậu trước khi trồng hoa để tăng cường độ thoáng khí và chống đọng nước gây thối rễ, phương pháp này đặc biệt thích hợp cho các loại hoa lan.

Làm trà

Một trong những công dụng của vỏ đậu phộng ít được biết đến là làm trà. Vỏ đậu phộng chứa lượng lớn chất chống ôxy hóa tự nhiên, có thể giúp làm giảm phản ứng ôxy hóa trong cơ thể, ức chế các gốc tự do, từ đó làm chậm quá trình hình thành sắc tố và nếp nhăn. Uống trà từ vỏ đậu phộng mỗi ngày có thể cải thiện chức năng đường tiêu hóa và góp phần mang lại làn da trắng sáng, giảm đốm sắc tố melanin.

Bạn có thể dùng vỏ đậu phộng để làm trà bằng cách sau: Rửa sạch vỏ đậu phộng nhiều lần với nước để loại bỏ đất, cát và vi khuẩn. Trong quá trình rửa, bạn nên thêm muối vào nước để khử trùng, diệt khuẩn. Phơi khô vỏ đậu phộng dưới nắng khoảng một giờ là có thể đưa vào sử dụng. Cách dùng: Đun sôi vỏ đậu phộng trong nước và dùng nước này để uống.

Việc uống trà từ vỏ đậu phộng không chỉ giúp giải khát mà còn cung cấp nhiều chất có lợi cho sức khỏe.

Công dụng của vỏ đậu phộng: Làm trà, làm phân bón, thức ăn cho động vật... (Ảnh: Shutterstock)

Công dụng của vỏ đậu phộng: Làm trà, làm phân bón, thức ăn cho động vật... (Ảnh: Shutterstock)

Các ứng dụng khác

Nguyên liệu trong công nghiệp: Vỏ đậu phộng có thể được sử dụng làm nguyên liệu trong sản xuất giấy, chất độn sinh học, và vật liệu xây dựng nhờ vào tính chất nhẹ và dễ phân hủy.
Sản xuất năng lượng: Vỏ đậu phộng có thể được sử dụng để sản xuất năng lượng sinh học. Khi đốt cháy, vỏ đậu phộng tạo ra nhiệt lượng cao, có thể được sử dụng để sản xuất điện hoặc nhiệt.
Làm đồ thủ công: Vỏ đậu phộng có thể được sử dụng để làm đồ trang trí, đồ chơi, và các sản phẩm thủ công khác.

Từ một thứ bị bỏ đi, vỏ đậu phộng thực sự đã mang lại nhiều lợi ích đáng kinh ngạc. Từ việc làm trà tốt cho sức khỏe, làm phân bón cho cây trồng, làm thức ăn cho động vật đến các ứng dụng trong công nghiệp và sản xuất năng lượng.

Việc tận dụng các công dụng của vỏ đậu phộng không chỉ giúp chúng ta tiết kiệm chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Mai Linh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cong-dung-cua-vo-dau-phong-ar871599.html