Chung tay bảo vệ môi trường biển

Anh Phan Duy Lực (đứng) đang vớt rác trên vịnh Vũng Rô - Ảnh: MINH DUYÊN

Phú Yên có bờ biển dài, đẹp, cùng nhiều vũng vịnh với nguồn lợi thủy hải sản phong phú. Để bảo vệ biển khỏi nạn rác thải và nguy cơ ô nhiễm, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường đã được triển khai như thu gom rác thải, triển khai các mô hình thu gom, xử lý rác, tháo dỡ công trình xâm hại môi trường cảnh quan tại các danh thắng. Các hoạt động này đang thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Hành động vì môi trường

Đứng trên mũi ca nô, chân ghìm chặt vào thành, hai tay cầm chắc cây vợt, anh Phan Duy Lực ở vịnh Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) nhoài người ra vớt từng bịch ni lông, từng chai nhựa, từng xác cá, cua chết đang nổi lềnh bềnh trên mặt vịnh. Gom được bao nhiêu rác, anh Lực đổ ra sàn ca nô, từng người trong nhóm Vũng Rô Xanh nhặt hết rác bỏ vô bao, tới khi đầy từ 5-10 bao mới thôi. Tuần 3 ngày, dù bận thế nào nhóm cũng dành thời gian để làm công việc này.

Theo anh Lê Văn Thanh, trưởng nhóm Vũng Rô Xanh, nhóm có từ 10-30 người là thanh niên sống quanh vịnh và nhân viên trên các bè nổi, trong đó lực lượng nòng cốt là nhân viên ở bè nổi Phương Anh. “Vịnh đẹp, nuôi sống người dân bằng nguồn lợi thủy hải sản và tiềm năng du lịch. Vậy mà nhiều người xả rác bừa bãi khiến cho cảnh quan bị ảnh hưởng, môi trường biển bị ô nhiễm. Thấy vậy, tôi tập hợp mấy anh em đi gom rác, lúc đầu chỉ vài người sau nhiều người ủng hộ và giờ thì nhóm đã có hẳn lịch hoạt động, ai muốn tham gia cứ khoảng 3 giờ chiều tới bè nổi Phương Anh là lên ca nô đi vớt rác hoặc vào bờ nhặt rác”, anh Thanh chia sẻ.

Chị Đào Thị Vân Anh, chủ bè nổi Phương Anh, cho biết: Tôi đi tới nhiều thành phố biển khác, ở đó sạch sẽ, rác được thu gom gọn gàng, thấy mà mê. Vịnh quê mình đẹp quá, cảnh quan thiên nhiên còn đẹp hơn họ. Nước xanh, trời trong còn có những đảo đá nhỏ, vậy mà trên bờ có rác, trong cát có rác, mặt nước cũng rác. Tôi muốn làm cái gì đó mà thấy sức mình nhỏ bé quá. Rồi tôi biết tới nhóm Vũng Rô Xanh, tôi liền đăng ký tham gia và khuyến khích nhân viên trên bè góp sức làm cùng.

Tham gia cùng nhóm Vũng Rô Xanh hôm đó, có thêm hai cha con anh Trần Minh Hoàng và cháu Trần Nguyễn Anh Khoa, là khách du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh. Anh Hoàng cho biết: Nghỉ hè, tôi đưa con tới Phú Yên du lịch, thấy mọi người có hoạt động ý nghĩa nên tôi tham gia. Tôi muốn góp một phần chung tay bảo vệ môi trường biển, cũng là để con trai tôi học thêm được từ thực tế về những hoạt động cộng đồng và hành động đẹp của các anh chị trong nhóm Vũng Rô Xanh ở Phú Yên.

Ngoài nhóm Vũng Rô Xanh còn có nhóm Hành Trình Xanh của các học sinh, nhóm Phú Yên Xanh của Chi đoàn Văn phòng UBND tỉnh… Các nhóm này không chỉ tổ chức thu gom rác thải trên các bãi biển ở TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, các huyện Đông Hòa, Tuy An… mà còn đẩy mạnh tuyên truyền mọi người bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng đồ nhựa thông qua các hành động như cắm bảng, đặt thêm thùng rác trên các bãi biển…

Hướng tới phát triển bền vững

Tại đầm Ô Loan, sau khi UBND huyện Tuy An ra quân xử lý các trường hợp vi phạm và các hội đoàn thể thực hiện thu gom rác thải, mỹ quan quanh đầm dần được cải thiện. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Các trường hợp sử dụng lờ bóng Thái Lan, cọc tre, lưới mùng vào khai thác, nuôi trồng thủy hải sản trong khu vực đầm Ô Loan đã được xử lý.

Cùng với đó các hoạt động trồng cây xanh, thả tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và dọn vệ sinh… đã tác động sâu sắc tới ý thức của người dân sống ở đây về bảo vệ môi trường biển. Nhờ đó, cảnh quan quanh đầm đã thông thoáng hơn, ven bờ đầm rác được thu gom sạch sẽ, không còn điểm đen về ô nhiễm…

Tại TX Sông Cầu, 2 mô hình thu gom rác thải ở phường Xuân Phương và Xuân Yên - nơi có thắng cảnh Vịnh Xuân Đài đã đi vào hoạt động và thu hút nhiều hộ dân nuôi hải sản trên bè tham gia. Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho hay: Rác thải sinh hoạt, rác thải từ biển và từ hoạt động nuôi trồng thủy hải sản trên bè tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống và môi trường vùng nuôi, là nguyên nhân dẫn tới tôm, cá các loại chết đột ngột.

Để giải quyết vấn đề này, địa phương xây dựng các mô hình thu gom rác thải, chất thải trong các khu dân cư gần biển và trên lồng bè. Hiện các mô hình này đã đi vào hoạt động ổn định, thành lập được tổ thu gom với 36 xe đẩy rác. Công nhân vệ sinh được trang bị bảo hộ lao động, găng tay, giày. Rác thải được thu gom trung chuyển với tần suất 3 lần/tuần. Mô hình thu hút hơn 2.000 hộ tham gia đóng phí, đạt trên 80%. Bà con đã hình thành được thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác trôi nổi ngay tại bè hay trên bãi biển…

Ông Ngô Văn Lánh ở xã Xuân Phương, nói: Từ khi có mô hình thu gom rác thải tôi bỏ ngay theo thói quen vứt rác ra biển để sóng cuốn đi. Tôi tự làm một thùng rác đưa lên bè nuôi, cuối ngày mang rác vào nơi tập kết. Tôi cũng dặn các con ở nhà phải để rác đúng nơi quy định để xe của công nhân vệ sinh thu gom.

Theo bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT, tại các địa phương có biển, hoạt động thu gom rác thải bảo vệ môi trường đang thu hút mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Ý thức của người dân không chỉ dừng lại ở phạm vi gia đình mà đã lan tỏa ra cộng đồng thông qua việc tham gia vào các hội, nhóm đi thu gom rác thải ở những bãi biển công cộng, những vũng, vịnh nơi đón du khách tới tham quan du lịch. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy kinh tế du lịch biển phát triển.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/222676/chung-tay-bao-ve-moi-truong-bien.html