Chú trọng công tác phòng chống lao tại cộng đồng

Xác định lao là bệnh nguy hiểm, mức độ lây lan cao, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm khống chế bệnh lao. Tuy nhiên, việc giảm tác hại và ngăn chặn khả năng lây lan trong cộng đồng của bệnh lao vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Tuyên truyền phòng chống bệnh lao cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Ảnh: HN

Năm 2019, công tác phòng chống lao của tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu chuyên môn đề ra, nhiều bệnh nhân được phát hiện sớm, điều trị khỏi hoàn toàn và tỉ lệ điều trị thành công đạt trên 90%. Có được kết quả này là nhờ hệ thống phòng chống lao từ tỉnh đến thôn, bản không ngừng được quan tâm củng cố cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh Phổi tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại nhằm chẩn đoán, xét nghiệm, phát hiện bệnh chính xác, kịp thời và mang lại hiệu quả cao, như hệ thống Xquang kỹ thuật số; kỹ thuật nuôi cấy; nội soi phế quản ống mềm và các phương tiện hỗ trợ khác; hệ thống máy xét nghiệm lao nhanh và lao kháng thuốc Gene - Xpert cho kết quả chỉ sau 2 giờ, với độ chính xác cao (trên 98%)... Qua đó đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, điều trị cho người bệnh trên địa bàn tỉnh và một số khu vực lân cận, được dư luận xã hội đồng tình đánh giá cao. Song song với đó, các hoạt động phòng chống lao tại cộng đồng cũng được quan tâm, đẩy mạnh; mạng lưới quản lý chương trình do địa phương xây dựng đã hoạt động đều và rộng khắp ở tất cả 141 xã, phường. Chính nhờ hoạt động sàng lọc chủ động nên bệnh nhân lao được phát hiện, thu nhận điều trị nội trú tại bệnh viện sớm, góp phần giảm mối lo về nguy cơ lây lan bệnh lao trong cộng đồng.

Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy, để loại trừ hoàn toàn bệnh lao ra khỏi cộng đồng vẫn là một thách thức rất lớn, bởi số bệnh nhân tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện còn khá cao. Trong khi đó, biện pháp được đánh giá mang lại hiệu quả khá cao đó là công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về dấu hiệu nhận biết bệnh lao và các biện pháp phòng bệnh đang gặp không ít khó khăn cả về năng lực, nguồn nhân lực và kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị với người bệnh; thời gian điều trị bệnh kéo dài; năng lực chẩn đoán của tuyến dưới hạn chế, khả năng tiếp cận của người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn... cũng chính là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống bệnh lao.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng lớn về bệnh lao, đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất toàn cầu; đồng thời, đứng thứ 13 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Tại Quảng Trị, trung bình mỗi năm phát hiện từ 600- 700 người mắc lao mới, quản lý điều trị khoảng 800-900 bệnh nhân, trong đó tỉ lệ điều trị thành công là trên 90%. Song điều đáng quan tâm hiện nay là số bệnh nhân lao bỏ điều trị và lao kháng thuốc vẫn ở mức cao, chỉ tính riêng năm 2019, đã có 51 bệnh nhân bỏ điều trị và lao kháng thuốc thu nhận là 6 bệnh nhân. Trong khi đó, Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguồn lây chính là từ bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Những người bị lao phổi ho, hắt hơi, khạc đờm vi trùng theo đường nước bọt ra môi trường bên ngoài, người khác hít phải nguy cơ bị nhiễm vi trùng lao cao và có thể mắc bệnh lao. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nghiêm trọng và nhiều khả năng dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của ngành Y tế thì hiện nay căn bệnh này điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và bệnh nhân tuân thủ điều trị đúng phác đồ của bác sĩ. Do đó, khi có các biểu hiện chính là ho kéo dài hơn 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu); cơ thể gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, đau ngực, đôi khi khó thở… thì cần đến ngay cơ sở y tế để được phát hiện, điều trị sớm. Bởi việc khám, phát hiện lao sớm chính là biện pháp dự phòng tốt nhất, nếu người bệnh phát hiện mắc lao và được điều trị sớm thì đó cũng là một cách phòng tích cực và điều trị trong vòng 6 tháng đối với bệnh nhân mới.

“Để đạt được mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030 như đã cam kết. Trong thời gian qua, ngành lao Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường các biện pháp phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân lao tại cộng đồng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức và có hành động thiết thực hơn để cùng với ngành Y tế đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh lao, nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng”, bác sĩ Trương Huyền Trường, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết.

Nguyễn Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=146625