CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT TIỂU BAN XÂY DỰNG CHUYÊN ĐỀ CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VÀ TỔ CHỨC THI HÀNH PHÁP LUẬT

Sáng 31/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Xây dựng chuyên đề ''Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam'' (Tiểu ban số 1).

Tham dự phiên họp còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các thành viên Tiểu ban số 01, thành viên Tổ biên tập, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan.

Tiểu ban số 01 xây dựng chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” họp phiên thứ nhất

Tiểu ban số 1 được thành lập theo Quyết định số 142-QĐ/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp chủ trì, chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Phó trưởng Tiểu ban Thường trực; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Phó Trưởng Tiểu ban.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” của Đảng đoàn Quốc hội, Trưởng Tiểu ban số 01 cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” phân công cho Đảng đoàn Quốc hội nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng 04 chuyên đề. Bên cạnh đó, Đảng đoàn Quốc hội cũng có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, chỉ đạo vào đôn đốc thực hiện Chuyên đề về Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội đã có phiên họp thứ nhất đã nghe công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, xem xét thông qua Quy chế làm việc, thảo luận phân công trách nhiệm của từng thành viên và xác định các yêu cầu cụ thể về kết quả nghiên cứu đối với từng chuyên đề.

Theo đó, Tiểu ban số 01 có trách nhiệm xây dựng chuyên đề số 09 về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban để công bố Nghị quyết thành lập Tiểu ban số 01; cho ý kiến xem xét thông qua Kế hoạch triển khai xây dựng chuyên đề, quy chế làm việc của Tiểu ban và phân công nhiệm vụ thành viên Tiểu bang, quyết định thành lập Tổ biên tập; cho ý kiến bước đầu về Dự thảo đề cương Báo cáo chuyên đề để trình xin ý kiến Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, khối lượng công việc nhiều, vấn đề khó, phạm vi rộng, gắn kết giữa chiến lược xây dựng pháp luật với tổ chức thực thi pháp luật, dự báo trong thời kỳ dài đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; đề nghị các thành viên Tiểu ban tập trung cho ý kiến thảo luận để có thể triển khai đúng hướng.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Thường trực Tiểu ban, công bố Quyết định thành lập Tiểu ban và báo cáo một số vấn đề trình Tiểu ban xem xét, quyết định trong Phiên thứ nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo một số nội dung trình Tiểu ban xem xét quyết định tại phiên họp

Theo đó, trên cơ sở Kế hoạch số 106-KH/ĐĐQH15 ngày 10 tháng 8 năm 2021 của Đảng đoàn Quốc hội, dự thảo Kế hoạch của Tiểu ban số 1 triển khai xây dựng chuyên đề số 09 đã dự kiến cụ thể nội dung công việc và thời hạn phải hoàn thành. Ngay sau Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban, các cơ quan hữu quan hoàn thiện các văn bản, trình Trưởng Tiểu ban ký ban hành, gửi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về Kế hoạch triển khai, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Dự thảo Đề cương Báo cáo chuyên đề hoàn thành chậm nhất là trước ngày 15/9/2021; triển khai xây dựng các nội dung báo cáo theo Đề cương hoàn thành trước ngày 01/11/2021; hoàn thiện dự thảo Báo cáo chuyên đề chậm nhất là ngày 30/12/2021; tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội thông qua chuyên đề để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương chậm nhất là ngày 15/01/2022.

Về Dự thảo Quy chế làm việc của Tiểu ban, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Dự thảo Quy chế làm việc gồm 11 điều, quy định về nguyên tắc làm việc; chế độ làm việc, hội họp, nhiệm vụ, quyền hạn của Tiểu ban, Trưởng Tiểu ban, Phó Trưởng Tiểu ban, các thành viên Tiểu ban; nhiệm vụ của Tổ Biên tập; trách nhiệm của Văn phòng Quốc hội và Thường trực Ủy ban Pháp luật.

Về Dự thảo Đề cương Báo cáo chuyên đề, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, dự thảo Đề cương Báo cáo chuyên gồm 05 phần, bao gồm: Sự cần thiết, mục đích, nhiệm vụ của chiến lược và tổ chức xây dựng chiến lược; Một số vấn đề lý luận về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; Thực trạng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; Quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và Tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban cho rằng nội dung chuyên đề phức tạp có nhiều nội dung mới, liên quan đến nhiều nội dung nghiên cứu của Tiểu ban khác nên cần đặt trong tổng thể của Đề án chung. Trong khi đó thời gian thực hiện gấp rút đòi hỏi tổ chức nghiên cứu phân công nhiệm vụ một cách khoa học, có tính kế thừa các nghiên cứu đã có; phối hợp nhịp nhàng hiệu quả với các Tiểu ban khác; tăng cường tổ chức nhiều hội thảo tọa đàm, lấy ý kiến để huy động trí tuệ các chuyên gia nhà khoa học những người hoạt động thực tiễn; dành nhiều thời gian cho công tác soạn thảo, xây dựng báo cáo của Tổ biên tập.

Các thành viên Tiểu ban khẳng định vai trò ý nghĩa của Đề cương Báo cáo chuyên đề, do đó cần phải được dự thảo một cách càng chi tiết càng tốt. Do đó đề nghị xác định rõ phạm vi về thời gian và nội dung, đề nghị tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, lưu ý đến đánh giá thực tiễn và đổi mới quy trình lập pháp, lập quy.

Đề cương Báo cáo chuyên đề cần làm rõ thực trạng trong xây dựng chiến lược kế hoạch chương trình xây dựng luật của Quốc hội, thực trạng trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, ủy quyền lập pháp; thực tiễn tổ chức thực thi gắn với năng lực bộ máy, áp dụng pháp luật của người có thẩm quyền và người dân; thực trạng kiểm tra giám sát tổ chức thi hành pháp luật trong đó có vai trò của Quốc hội và các cơ quan thanh tra. Trên cơ sở đánh giá đó, chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đồng thời xác định rõ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu chung và yêu cầu cụ thể trong xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, xác định rõ lộ trình thứ tự ưu tiên trong xây dựng định hướng.

Các thành viên Tiểu ban đề nghị lưu ý quá trình xây dựng Báo cáo chuyên đề cần bảo đảm yêu cầu bám sát chủ trương đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; phản ánh đúng thực tiễn; đảm bảo sự toàn diện, đồng bộ, hiện đại khả thi, minh bạch, lưu ý chất lượng xây dựng pháp luật; vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế vào Việt Nam và thích ứng với pháp luật quốc tế.

Xây dựng, hoàn thiện pháp luật xác định được nội dung nào là trọng tâm, trung tâm, đột phá; bên cạnh bảo đảm yêu cầu về đồng bộ, thống nhất, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho cả quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện và những ngươi điều hành và những người tuân thủ.

Lưu ý phương hướng trong phương hướng xây dưng hoàn thiện pháp luật bên cạnh các lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh...có ý kiến đề nghị bổ sung thêm nhóm pháp luật về quyền con người quyền công dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn, dân chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo và vấn đề quản lý xã hội, đồng thời làm rõ thứ tự ưu tiên; chú trọng tính dự báo và gắn xây dựng với tổ chức thực thi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua thảo luận, đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan thường trực là Ủy ban Pháp luật với sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; ghi nhận sự cố gắng của các cơ quan. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan thường trực tiếp thu tối đa ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện Kế hoạch triển khai xây dựng chuyên đề, Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên Tiển ban, thành lập Tổ biên tập.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Đề cương báo cáo chuyên đề mang tính chất đề án nên đề cao tính ứng dụng thực tiễn, thống nhất phạm vi nội dung của chuyên đề tập trung vào chiến lược xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, có bao hàm nội dung tổ chức thi hành pháp luật, có đánh giá, kiến nghị, đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục hoàn thiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến tính kế thừa trong quá trình thực hiện tận dụng tối đa kết quả tổng kết Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị; học hỏi kinh nghiệm quốc tế về nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật, những mô hình tương tự; tính đến sự phát triển trong bối cảnh mới, yêu cầu mới; những điểm mới về nội dung, xác định trọng tâm, trung tâm, đột phá.

Dựa trên cơ sở chính trị chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn kiện đại hội Đảng…trên cơ sở đó cụ thể hóa yêu cầu của hệ thống pháp luật nói chung; xây dựng hệ thống pháp luật của đất nước đang trong quá trình phát triển, một mặt đi sau kế thừa mặt khác vừa tận dụng đi tắt đón đầu; hệ thống pháp luật có tính dự báo xu hướng phát triển gắn với bối cảnh trong nước, quốc tế ở tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị lưu ý đến cách thức tổ chức thực hiện, cần cung cấp thêm thông tin tài liệu để có cái nhìn tổng thể trong của Đề án chung, các tài liệu tổng kết đánh giá, kế thừa các thông tin, nghiên cứu đã có; lưu ý tăng cường tham vấn ý kiến chuyên gia, tổ chức hội nghị hội thảo, tọa đàm./.

Bảo Yến - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/ct-vuong-dinh-hue/pages/qua-trinh-cong-tac.aspx?itemid=58338