Choáng ngợp sắc màu đêm hội 'Âm vang Cao nguyên'

Lâm Đồng có đến 43 dân tộc thiểu số cùng sinh sống nên văn hóa truyền thống ở đây rất đa dạng. Điều này thể hiện rõ tại lễ hội văn hóa thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V.

Đêm hội "Âm vang Cao nguyên"

Lễ hội diễn ra vào những ngày cuối tháng 3 này tại huyện Đơn Dương đã thu hút hơn 300 nghệ nhân đến từ 12 huyện, thành phố trong tỉnh.

Với chủ đề “Âm vang Cao nguyên”, lễ hội được bắt đầu với nghi thức rước thần Lửa, thần Chiêng và điệu Arya đón khách của người Chu Ru sinh sống tại huyện Đơn Dương.

Nghi thức rước thần Lửa

Sau khi ngọn lửa thiêng được thắp lên giữa đại ngàn, hàng trăm nghệ nhân người Mạ, K’Ho, Chu Ru… trình diễn các điệu chiêng đặc trưng của dân tộc mình, cùng các điệu dân ca, dân vũ truyền thống.

Đội chiêng nam diễn tấu cuồng nhiệt

12 đội cồng chiêng đến từ 12 huyện, thành đã trình tấu các tiết mục diễn xướng với những bài chiêng cổ đặc sắc thường được dùng trong các lễ hội truyền thống hay trong nghi thức cúng tế. Trong số đó, có nhiều bài mới được sưu tầm kể về những tích xưa chuyện cũ, ngợi ca những anh hùng trong cuộc chiến bảo vệ buôn làng…

Đội chiêng nữ hiếm hoi

Thanh âm chiêng 3 của người Churu, chiêng 6 của đồng bào Mạ và K’Ho trầm hùng hòa quyện với các nhạc cụ dân tộc đi kèm như trống da trâu, khèn bầu, bộ gõ tre nứa cùng vũ điệu xoang, Arya uyển chuyển của các cô gái.

Một vũ điệu của sơn nữ Mạ

Kế đến là các đám rước những cây nêu, vật thiêng nhằm gửi gắm ước vọng của con người đến thế giới thần linh. Nêu được đẽo gọt từ cây rừng, tre nứa, trang trí công phu bằng các hoa văn, họa tiết, sừng trâu, tượng gỗ nhỏ…

Rước vật thiêng là cây nêu

Đi cùng cây nêu là mô hình mô phỏng nhà sàn, nơi sinh sống bao đời của đồng bào các dân tộc và những biểu tượng tô tem, những vật dụng gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần như trống, tù và, cồng chiêng, khèn bầu…

Đoàn rước nhà sàn

Các tiết mục càng sinh động với sự xuất hiện của những chiếc gùi, quả bầu, rổ, rá, giỏ, nơm mô phỏng việc giã gạo, sàng sảy, bắt cá dưới nước, tỉa hạt trên nương…

Một sự kiện ấn tượng trong ngày hội là tái hiện lễ cúng thần Đập nước của người Churu, vị thần quan trọng bậc nhất đối với tộc người chuyên trồng lúa nước này. Nghệ nhân ưu tú Ma Bio cho biết lễ hội thường kéo trong 3 ngày, là dịp sinh hoạt cộng đồng, phô diễn mọi nét đẹp văn hóa.

Tổ chức lễ cúng thần Đập nước

Sau 3 hồi tù và, già làng thành kính xin thần linh cho buôn làng tổ chức lễ hội, cắt tiết gà và dê để tế lễ; lấy máu các con vật hiến sinh bôi lên cây nêu, mặt chiêng, các vật dụng và trán các thành viên tham dự lễ hội để cầu mong nước ăm ắp con sông, dòng suối, kênh mương…

Già làng thổi tù trong lễ cúng thần Đập nước

Đặc sắc nhất là màn đại hòa tấu cồng chiêng của hơn 300 nghệ nhân với phong cách diễn tấu cuồng nhiệt say mê. Tiếng cồng chiêng như tiếng gió hú, tiếng suối chảy rất trữ tình sâu lắng. Những đội trình tấu chiêng được bố trí xen kẻ với các đoàn sơn nữ mặc trang phục thổ cẩm, chân bước nhịp nhàng, thân hình uyển chuyển trong các điệu múa xoang.

Lửa ấm đêm hội

Mỗi dân tộc có trang phục truyền thống riêng biệt, đẹp mắt làm cho ngày hội trên cao nguyên lung linh sắc màu, khiến những người dự khán choáng ngợp, ngất ngây.

Trang phục truyền thống của các tộc người Mạ, K'Ho

Kết thúc ngày hội, Ban tổ chức đã trao 54 giải thưởng cho các đoàn nghệ nhân ở các nội dung thi đám rước vật thiêng, trang trí không gian lễ hội, ẩm thực, diễn tấu cồng chiêng, trò chơi dân gian…

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/choang-ngop-sac-mau-dem-hoi-am-vang-cao-nguyen-post1427371.tpo