Cho phép lập quỹ điều tra cơ bản dầu khí từ nguồn lực nhà nước

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, chiều 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Bên cạnh sự đồng tình với đa số nội dung, các đại biểu cũng góp ý thêm nhiều vấn đề chi tiết để đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật được tốt nhất trước khi thông qua…

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 25/10 (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 25/10 (ảnh: VPQH cung cấp).

Cần định rõ quyền, nghĩa vụ của các cá nhân ngoài khi tham gia vào điều tra cơ bản về dầu khí

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Điều 13 có đặt ra quyền và nghĩa vụ cho tổ chức tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí nhưng không có điều luật nào về quyền và nghĩa vụ của cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi tham gia vào điều tra cơ bản về dầu khí.

Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị lưu ý cá nhận Việt Nam và người nước ngoài khi điều tra cơ bản về dầu khí ở những vùng địa chính trị quan trọng thì cần phải điều kiện cụ thể hơn, đồng thời phải có quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là quyền của người nước ngoài để đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Về hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí, đại biểu nhận thấy, trong trường hợp cơ quan nước ngoài có tổ chức khác chủ trì, cá nhân tham gia thì cũng chưa quy định cá nhân tham gia như thế nào? Vì thế, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật về các hình thức cũng như về các quyền, nghĩa vụ.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị cần làm rõ danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định tại Điều 10 của dự thảo.

Ngoài ra, về Điều 31 của dự thảo luật có quy định về thời hạn hợp đồng dầu khí, đại biểu đề nghị bổ sung cho rõ ràng cho vấn đề này và có thể đối chiếu Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các bên trong hợp đồng dầu khí thỏa thuận về trường hợp bất khả kháng thì sẽ rõ ràng hơn để so sánh và hoàn thiện nội dung này.

Quy định cụ thể việc bảo vệ môi trường trong thăm dò, khai thác dầu khí

Về nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Đại Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, đây là nội dung được cử tri, các nhà nghiên cứu rất quan tâm, tuy nhiên dự thảo Luật chưa dành cho nội dung này dung lượng xứng đáng, nên cần có 1 chương riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về việc bảo vệ môi trường trong thăm dò, khai thác dầu khí, gắn trách nhiệm cho các đơn vị, cơ quan gây ra sự cố về môi trường.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Về tiêu chí, phương pháp đánh giá, lựa chọn nhà thầu, dự thảo luật quy định, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, đại biểu đề nghị bổ sung điểm a, khoản 1, Điều 22 của Dự thảo luật như sau: tiêu chí lựa chọn nhà thầu bao gồm: Năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của nhà thầu trong hoạt động dầu khí để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quy định của luật.

Làm rõ phạm vi điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn

Góp ý về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị không bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật về hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, mà làm rõ hơn nữa phạm vi điều chỉnh của luật là hoạt động dầu khí thượng nguồn, đó là những hoạt động về thăm dò, khai thác mỏ dầu khí. Còn đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thì thực hiện theo các quy định của các luật đã có và các luật có liên quan.

Đối với đề nghị bổ sung dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ vào phạm vi điều chỉnh, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị cần phải cân nhắc và nên chỉ áp dụng cho hoạt động thượng nguồn chứ không bổ sung. Bởi vì, đầu tư thượng nguồn là đầu tư rủi ro, đánh giá thẩm định không thể có thời gian lâu như ở trên bờ, vì thế, quy trình đầu tư phải nhanh chóng, mỗi ngày tàu khoan đợi ngoài khơi có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn USD.

 Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa (ảnh: Báo Đại biểu nhân dân).

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa (ảnh: Báo Đại biểu nhân dân).

Về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được quy định tại Điều 4, do tính chất đặc thù của hoạt động đầu tư thượng nguồn, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đồng ý theo hướng quy định rõ tại khoản 1 Điều 4 về các trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí của hoạt động dầu khí thì áp dụng Luật dầu khí. Tuy nhiên, quy định tại Luật Dầu khí cũng phải lưu ý để tránh được nguy cơ lạm dụng quy trình rút gọn trong Luât Dầu khí để gây thấp thoát, lãng phí, tham nhũng.

Về hợp đồng dầu khí quy định tại Chương 4, theo đó hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nhà đầu tư dầu khí, vì vậy, theo đại biểu, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí.

Pháp luật hiện hành không cho phép lập quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, về nội dung về điều tra cơ bản, đây là nội dung rất quan trọng của Dự án Luật, do nhà nước thống nhất quản lý, làm căn cứ khoa học cho nội dung tìm kiếm thăm dò dầu khí…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra rằng, theo pháp luật hiện hành không cho phép lập quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí, do đó việc lập quỹ điều tra cơ bản dầu khí từ nguồn lực nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước và các nguồn vốn của tổ chức cá nhân khác là cần thiết và đồng bộ với các quy định của pháp luật về khoáng sản. Bên cạnh đó việc điều tra cơ bản được thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ trên cơ sở đề án được Chính phủ phê duyệt.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu (ảnh: VPQH cung cấp).

Về nội dung quy định chính sách tận thu dầu khí, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc áp dụng nguyên tắc doanh thu trừ chi phí như dự thảo Luật sẽ tạo cơ chế đột phá, mang tính khả thi, khai thác tận thu tài nguyên hợp lý, đặc biệt là khi giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động bất thường, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tại Chương 3, tiếp thu ý kiến góp ý của các ĐBQH, Dự thảo Luật đã thiết kế một Chương để phù hợp với việc quy định ký kết hợp đồng dầu khí và phù hợp với thông lệ về công nghiệp dầu khí. Theo đó, dự thảo Luật kế thừa Luật Dầu khí hiện hành, các Nghị định có liên quan và tham khảo Luật Đấu thầu để quy định chi tiết về nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, dự thảo Luật đã cơ bản thể hiện được những chủ trương của Đảng, Nhà nước, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với pháp luật hiện hành, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ trưởng Bộ Công Thương mong muốn các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật sau khi tiếp thu hoàn thiện lần cuối trình Quốc hội tại Kỳ họp này.

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/cho-phep-lap-quy-dieu-tra-co-ban-dau-khi-tu-nguon-luc-nha-nuoc-130464.html