Các vườn đào tất bật chăm sóc cây, chuẩn bị phục vụ Tết

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2024, các vườn đào đang tất bật các công đoạn chăm sóc, đảo đào, ghép đào chuẩn bị phục vụ đào đón Tết.

Tại vườn đào tại xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội), người trồng đào hối hả, tất bật đảo đào, ghép đào trước khi tuốt lá, chuẩn bị phục vụ vụ đào đón Tết.

Chị Trần Thị Mai (xã Hồng Hà) có kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề trồng đào Tết cho biết, thời điểm này, gia đình chị bắt đầu đảo cây đào, “thiến” đào.

Thời tiết ấm, việc chăm sóc đào diễn ra muộn hơn những năm trước.

Theo chị Mai, thông thường thời điểm này như mọi năm, người dân đã hoàn thành xong công đoạn đảo đào và "thiến" đào. Tuy nhiên do năm nay rét muộn, nhiệt độ ấm hơn những năm trước nên công đoạn này được để đến tháng 10 âm lịch mới thực hiện.

“Việc đào có nở hoa đúng dịp Tết hay không phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Người trồng phải theo dõi thời tiết, xác định tuổi đào, loại đào để quyết định thời gian thực hiện mỗi công đoạn.

Năm nay, mọi công đoạn chăm sóc sẽ làm muộn hơn do thời tiết ấm, nếu vẫn áp dụng thời gian giống năm trước, hoa đào sẽ nở sớm, không đúng vụ Tết” - chị Mai chia sẻ.

Thời điểm này, các thành viên trong gia đình anh Phạm Thanh Hải (xã Bảo Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) đang bận rộn cắt tỉa lá già, loại bỏ cành khô, uốn nắn và chăm sóc từng gốc để những cây đào trong vườn nở đúng dịp Tết.

“Nếu thời tiết lạnh hơn thì đến cuối tháng 10 âm lịch, tôi mới tuốt lá cho đào. Nếu vẫn ấm như hiện tại, khoảng đầu đến giữa tháng 11, công đoạn tuốt lá mới được thực hiện. Việc tuốt lá còn phụ thuộc vào độ tuổi, giống đào, sức sinh trưởng của cây” - anh Hải chia sẻ.

Với diện tích đất lớn, gia đình anh Hải đã trồng 1.000 gốc đào, trong đó chủ yếu là đào cành dáng huyền. Hiện vườn đào của anh Hải đã được 2 năm tuổi, dáng huyền to, đẹp, có thể đem bán vào Tết năm nay.

“Trồng đào cả năm chỉ trông chờ vào ngày Tết. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, thu nhập người dân không cao nên người trồng đào như tôi rất lo lắng và áp lực. Theo tính toán của tôi, năm nay do rất nhiều nhà vườn trồng đào bị chết cây, hơn nữa, giá mua phôi khá cao nên khả năng giá đào sẽ cao” - anh Hải nói.

Người trồng tỉa đào, uốn trước khi tuốt lá.

Chăm sóc cho hơn 500 cây đào phai, anh Hoàng Kim (vườn đào Nhật Tân, Hà Nội) đã thuê thêm 5 nhân công tập trung đảo đào. Việc đảo đào được thực hiện bằng cách đào bầu cách gốc 20 – 25cm, sâu 20 – 25cm, tránh làm vỡ bầu. Sau đó, chuyển cây sang hố khác, chắn rễ và lấp chặt đất.

Sang tháng 10 âm lịch, anh Kim tiến hành “thiến” đào. Những gốc đào cũng được bổ sung đất tơi xốp, bón thêm phân hữu cơ đợt cuối để cây có thêm dinh dưỡng chuẩn bị nuôi mắt, nuôi nụ.

“Muốn đào nở đúng dịp Tết, cần phải chăm sóc và tác động trong suốt cả quá trình phát triển của cây. Thời điểm này, người trồng đào tính toán và quan sát để bám sát sự sinh trưởng của đào” - anh Kim chia sẻ.

Những ngày này thời tiết chuyển lạnh, đêm sương, ngày nắng, anh Kim chủ động theo dõi tình hình sinh trưởng của cây để điều chỉnh biện pháp chăm sóc phù hợp, giữ cho đào không bung hoa sớm.

Thời tiết thất thường cũng là nguyên nhân khiến cho diện tích đào bị rệp gây hại. Phát hiện sớm, anh Kim đã phun thuốc trị rệp, đồng thời tiến hành vun xới đất, dọn cỏ cho cây.

Dù chưa tuốt lá nhưng nhiều thương lái đã ghé thăm vườn đào của anh Kim để khảo sát giá đào và đặt cọc trước để chuẩn bị cung ứng cho thị trường tết năm nay.

Bài và ảnh: Nguyễn Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-vuon-dao-tat-bat-cham-soc-cay-chuan-bi-phuc-vu-tet-post273123.html