Các nước giải bài toán 'tỷ lệ sinh thủng đáy' thế nào

Chuyên gia nhận định có hai cách cơ bản để một quốc gia đối phó với tỷ lệ sinh giảm: giúp dân số khỏe mạnh hơn, làm việc lâu hơn hoặc nhập cư quy mô lớn.

Với tỷ lệ sinh ngày càng thấp, việc sử dụng thuật ngữ "quả bom hẹn giờ" ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học, chuyên gia nghiên cứu về sự thay đổi dân số đang phản đối thuật ngữ này, theo BBC News.

Sarah Harper, giáo sư lão khoa (nghiên cứu về các khía cạnh xã hội, văn hóa, tâm lý, nhận thức và sinh học của lão hóa) tại Đại học Oxford, cho biết: "Tôi ghét cụm từ này. Tôi không nghĩ có quả bom hẹn giờ nào về nhân khẩu học, vì đó là một phần của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Chúng ta đã biết điều này sẽ xảy ra trong suốt thế kỷ XXI. Vậy nên, không có gì bất ngờ và đáng lẽ chúng ta phải chuẩn bị cho việc này từ lâu".

Tuy nhiên, quy mô của vấn đề có thể là rất lớn trong tương lai. Để có thể tăng hoặc duy trì dân số, một quốc gia cần đạt tỷ lệ sinh trung bình là 2,1 con trên một phụ nữ hay còn gọi là “mức sinh thay thế”. Thế nhưng, hiện tại nhiều nước không đạt được tỷ lệ này và có xu hướng ngày càng tụt xa so với mong đợi.

Tỷ lệ sinh đang giảm ở 2/3 thế giới

Số liệu mới nhất của Anh và xứ Wales cho thấy tỷ lệ sinh trung bình, còn gọi là tổng tỷ suất sinh, đã giảm xuống 1,49 trẻ trên một phụ nữ vào năm 2022, từ mức 1,55 vào năm 2021. Tỷ lệ này đã bắt đầu giảm kể từ năm 2010. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Scotland và Bắc Ireland.

Tại Mỹ, tỷ lệ sinh năm ngoái đã giảm xuống còn 1,62, mức thấp kỷ lục. Tỷ lệ này vào năm 1960 là 3,65.

Giáo sư Harper cho biết thêm: "Trên thực tế, 2/3 số quốc gia trên thế giới hiện có tỷ lệ sinh con dưới mức thay thế. Nhật Bản thấp, Trung Quốc cũng thấp và Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất thế giới".

Sự gia tăng dân số thực sự chỉ giới hạn ở châu Phi cận Sahara ngày nay.

Nhưng tại sao tỷ lệ sinh giảm lại gây lo ngại? Bởi dân số già và giảm khiến lực lượng lao động bị thu hẹp và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của một quốc gia sẽ đến từ đâu nếu các công ty không thể tuyển đủ lao động? Làm thế nào một lực lượng lao động nhỏ hơn có thể đủ khả năng chi trả lương hưu cho một lượng dân số đã nghỉ hưu lớn hơn nhiều? Đó là những câu hỏi khiến các nhà kinh tế đau đầu.

 Hàn Quốc đang có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Ảnh: The New York Times.

Hàn Quốc đang có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Ảnh: The New York Times.

Để cố gắng tăng tỷ lệ sinh, các quốc gia có thể giúp phụ nữ sinh em bé bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em hào phóng hơn, giảm thuế và kéo dài thời gian nghỉ thai sản được trả lương đầy đủ. Ngoài ra, các công ty có thể bị buộc phải cung cấp cho các ông bố bà mẹ những giờ làm việc linh hoạt hơn và mở nhà trẻ tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, mặc dù những chính sách như vậy có thể làm chậm lại sự suy giảm, nhưng hiếm khi đảo ngược được xu hướng.

Nói một cách đơn giản, phụ nữ càng được giáo dục, tham gia tích cực vào lao động và tiết kiệm nhiều thì cuộc sống càng tốt hơn. Thay vào đó, nhiều phụ nữ không muốn bị ảnh hưởng đến thu nhập và triển vọng nghề nghiệp mà việc làm mẹ thường gây ra. Vì thế họ có ít con hơn, hoặc thậm chí không sinh đẻ.

Về cơ bản, có hai cách chính để một quốc gia đối phó với tỷ lệ sinh giảm: giúp dân số khỏe mạnh hơn, làm việc lâu hơn hoặc nhập cư quy mô lớn.

Singapore là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và đã lựa chọn cách thứ nhất.

Giáo sư Angelique Chan, Giám đốc điều hành đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu & Giáo dục Người cao tuổi của Singapore, cho biết: "Có rất nhiều nỗ lực nhằm tăng tuổi nghỉ hưu, đào tạo người trung niên và khuyến khích các công ty thuê những người lao động lớn tuổi".

Bằng việc tái tuyển dụng, những người lao động đến tuổi nghỉ hưu vẫn có thể tiếp tục làm việc nếu muốn. Hiện tại, tuổi nghỉ hưu ở Singapore là 63, nhưng con số này sẽ tăng lên 64 vào năm 2026 và 65 vào năm 2030. Đến năm 2030, độ tuổi mà những người tái tuyển dụng có thể tiếp tục làm việc dự kiến tăng lên 70.

Giáo sư Chan nói rằng chính phủ Singapore cũng đang tăng cường nỗ lực để đảm bảo rằng mọi người dân đều có một bác sĩ "chăm sóc và theo dõi tình trạng của bạn, đồng thời đảm bảo rằng dân số có những nhóm khỏe mạnh hơn có thể tiếp tục làm việc".

Bà nói thêm rằng Singapore đang chi một số tiền khổng lồ "để có được dân số khỏe mạnh nhất, mang đến cho mọi người cơ hội làm việc khi về già".

Sống thọ và làm việc lâu hơn

Ở Mỹ, Ronald Lee, giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học California, nói rằng ngày càng nhiều người cao tuổi phải làm việc để trang trải chi phí sinh hoạt.

"Nếu chúng ta nhìn vào tỷ lệ tiêu dùng của những người từ 65 tuổi trở lên ở Mỹ được tài trợ bằng cách tiếp tục làm việc, thì tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với các nước phát triển khác", ông nói.

Giáo sư Lee nói thêm rằng đây không phải là điều xấu. "Tôi nghĩ điều cơ bản là cả thế giới phải vượt qua quan điểm cho rằng người già có quyền được hưởng một khoảng thời gian nghỉ ngơi dài vô thời hạn vào cuối đời. Mọi người khỏe mạnh hơn, nhận thức nhạy bén hơn và sẵn sàng tiếp tục làm việc ở độ tuổi lớn hơn nhiều so với trước đây. Tôi hy vọng sẽ thấy tuổi nghỉ hưu tăng lên đến 70".

Hiện tại, người Mỹ chỉ được hưởng lương hưu an sinh xã hội đầy đủ từ 66 tuổi 2 tháng. Nhưng con số đó sẽ dần dần tăng lên 67.

 Độ tuổi nghỉ hưu có xu hướng tăng ở các quốc gia đối mặt với tỷ lệ sinh thấp, dân số giảm. Ảnh: The New York Times.

Độ tuổi nghỉ hưu có xu hướng tăng ở các quốc gia đối mặt với tỷ lệ sinh thấp, dân số giảm. Ảnh: The New York Times.

Quan điểm của giáo sư Lee không được nhiều người tán đồng, nhưng về mặt kinh tế là không thể tránh khỏi. Khi tuổi thọ tăng chắc chắn kéo theo tuổi nghỉ hưu tăng lên. Làm việc lâu hơn là giải pháp hiển nhiên để có chế độ tốt hơn khi về già.

Tuy nhiên, có một câu trả lời khác cho vấn đề này, như Giáo sư Harper đã nói, là nhập cư quy mô lớn. Thế nhưng, rõ ràng đây là vấn đề phức tạp.

"Di cư có thể dễ dàng giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp hơn từ quan điểm nhân khẩu học. Có những vấn đề về chính sách, nhưng về mặt nhân khẩu học, điều chúng ta nên làm là cho phép những quốc gia có tỷ lệ sinh con cao và số lượng lao động khổng lồ trong khoảng 4 thập kỷ tới có thể di chuyển khắp thế giới và bù đắp cho những nơi thiếu hụt", bà Harper nói.

Vấn đề là ở hầu hết nước phát triển, lượng nhập cư không đạt đến mức cần thiết để bù đắp cho dân số già, và không thực sự được ưa chuộng.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cac-nuoc-giai-bai-toan-ty-le-sinh-thung-day-the-nao-post1476556.html