Bổ sung hành vi lợi dụng về xuất khẩu lao động để mua bán người

Ngày 8-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người…

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) nêu thực tế, tình trạng mua bán người xuyên biên giới diễn ra khá phức tạp nên cần phải sửa đổi toàn diện dự án Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đào Hồng Vận, cần làm rõ khái niệm mua, bán người khi sửa đổi luật này để xác định rõ nạn nhân. Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cần chú trọng đến việc hằng năm, các cơ quan, địa phương phải bố trí ngân sách cho việc phòng, chống mua bán người ở những vùng khó khăn.

 Đại biểu Đào Hồng Vận: Cần sửa đổi toàn diện dự án Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011.

Đại biểu Đào Hồng Vận: Cần sửa đổi toàn diện dự án Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011.

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho biết, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, phụ nữ, trẻ em gái, đồng bào người dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... là những đối tượng chủ yếu mà tội phạm mua bán người hướng tới; nhiều người trong số họ còn là đối tượng yếu thế trong xã hội.

Bởi vậy, cùng với việc tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân nói chung, dự thảo luật bổ sung các quy định bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân là những đối tượng nói trên là rất cần thiết, nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.

Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu cũng đề nghị, đối với quy định các hành vi bị cấm, cần bổ sung các hành vi lợi dụng pháp luật về xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài, cho con nuôi, hay du lịch,… để thực hiện các hành vi mua bán người.

“Thực tế, thời gian qua, các đối tượng mua bán người đã lợi dụng các hoạt động này để lừa bán nạn nhân nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc các mục đích khác...”, đại biểu nhấn mạnh.

 Đại biểu Trần Thị Vân: Nạn nhân của các hành vi mua bán người hiện nay rất đa dạng.

Đại biểu Trần Thị Vân: Nạn nhân của các hành vi mua bán người hiện nay rất đa dạng.

Tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) đề nghị, cần giải thích rõ ràng, đầy đủ hơn về khái niệm “nạn nhân” tại khoản 5, Điều 2 dự thảo luật vì nạn nhân của các hành vi mua bán người hiện nay rất đa dạng nhưng tại dự thảo luật chỉ thống kê nạn nhân là người bị xâm hại bởi 4 hành vi gồm: Mua bán người, bóc lột tình dục, nô lệ tình dục, cưỡng bức lao động là chưa đầy đủ.

"Thực tế hiện nay, có cả tình trạng mua bán khi còn là bào thai. Việc làm rõ hơn khái niệm “nạn nhân” giúp việc xác định, xử lý, phòng chống mua bán người hiệu quả hơn", đại biểu Trần Thị Vân kiến nghị.

ANH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/bo-sung-hanh-vi-loi-dung-ve-xuat-khau-lao-dong-de-mua-ban-nguoi-780263