Bình Phước: Truyền dạy kỹ thuật chế biến rượu cần truyền thống của người S'tiêng
Trong 5 ngày (từ 3 đến 7-4), tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và truyền dạy về bảo tồn, phát huy kỹ thuật chế biến rượu cần truyền thống của người S'tiêng tỉnh Bình Phước.
Tham gia lớp tập huấn, 182 học viên là cán bộ làm công tác văn hóa tại 10 huyện, thị, thành phố trong tỉnh và huyện Bù Đăng được các báo cáo viên của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Bình Phước truyền đạt các chuyên đề: Tổng quan về bản sắc văn hóa nói chung và nghề truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng tỉnh Bình Phước; rượu cần trong không gian văn hóa của đồng bào dân tộc S’tiêng - bản sắc truyền thống cần được phát huy; kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy; nghề chế biến rượu cần của người S’tiêng trong chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm du lịch tiêu biểu của địa phương, thực tiễn hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm từ nghề chế biến rượu cần của người S’tiêng qua các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, thể thao và du lịch các cấp.
Đặc biệt, tham gia lớp tập huấn, các học viên được áp dụng lý thuyết đi đôi với thực hành; được hướng dẫn và trải nghiệm cách làm men rượu từ những nguyên liệu tự nhiên như vỏ, lá các loại cây rừng...
“Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng Bình Phước” là một trong 25 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được phê duyệt theo Quyết định số 841/QĐ-UBND, ngày 19-4-2018 của UBND tỉnh Bình Phước và là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên được công nhận ở Bình Phước theo Quyết định số 4597/QĐ-BVHTTDL ngày 20-12-2019 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.