Bình Định thêm dự án giúp truyền tải công suất các dự án năng lượng tái tạo

Bình Định chấp thuận Dự án Đường dây 220 kV Phù Mỹ - Rẽ Phước An - Quảng Ngãi (mạch 2) có tổng vốn đầu tư hơn 136 tỷ đồng của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.

Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đầu tư Dự án Đường dây 220 kV Phù Mỹ - Rẽ Phước An - Quảng Ngãi (mạch 2).

Dự án được đầu tư tại xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ với tổng vốn đầu tư là 136,51 tỷ đồng. Dự án có diện tích đất xây dựng mở rộng trạm biến áp khoảng 0,94 ha; phần đường dây 220 kV (gồm diện tích chiếm đất vĩnh viễn của móng cột đường dây) khoảng 0,44 ha; diện tích ảnh hưởng hành lang an toàn tuyến đường dây khoảng 4,72 ha. Tiến độ đầu tư từ quý I/2024 đến quý II/2026.

Theo UBND tỉnh Bình Định, mục tiêu của dự án là tiếp nhận và truyền tải công suất tại các nhà máy điện mặt trời, điện gió, thủy điện trên địa bàn tỉnh Bình Định và khu vực lân cận lên hệ thống điện quốc gia; đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy cho phụ tải các tỉnh thuộc khu vực (Bình Định và khu vực lân cận); tăng cường độ ổn định lưới điện khu vực, giảm tổn thất công suất, điện năng trên hệ thống, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tính đến đầu tháng 3/2024, tỉnh Bình Định có 21 nhà máy điện đang vận hành phát điện với tổng công suất 878,9 MW. Bao gồm, 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất 347,9 MW; 4 nhà máy điện gió với tổng công suất 107, 4 MW và 5 nhà điện mặt trời với tổng công suất 529,5 MWp. Ngoài ra, các hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới với tổng công suất khoảng 223 MWp.

Tại Hội thảo phối hợp điều độ, quản lý vận hành lưới điện truyền tải, ông Đinh Văn Cường, Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 - PTC3 (thuộc EVNNPT) thông tin, tổng công suất điện năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC3 đến năm 2023 là 5.861 MW.

Tính cả phần nguồn năng lượng tái tạo phía lưới phân phối thì tổng công suất đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC 3 và lưới điện phân phối của 9 công ty điện lực khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lên tới khoảng 10.000 MW. Trong đó, tỷ lệ cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực là hơn 50%.

Với cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo trên lưới điện phân phối và lưới truyền tải rất lớn đã làm cho một số đường dây 220 kV, MBA 220 kV khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai luôn vận hành trong chế độ đầy tải.

Nguyễn Toàn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/binh-dinh-them-du-an-giup-truyen-tai-cong-suat-cac-du-an-nang-luong-tai-tao-d215687.html