Biến thách thức thành cơ hội phát triển cho doanh nghiệp

Hết quý I/2024, bức tranh kinh tế năm 2024 đã dần hiện rõ. Mặc dù những tín hiệu tích cực đã xuất hiện, nhưng đầu tư tư nhân suy giảm, doanh nghiệp vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kịch bản cao của năm 2024, các chuyên gia cho rằng, một trong những ưu tiên chính là tập trung 'hồi sức' cho khu vực doanh nghiệp, phục hồi động lực tăng trưởng cho năm nay mà còn tạo nền tảng bền vững hơn cho giai đoạn tới.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã cao hơn mức tăng trưởng kinh tế dần quay lại trở thành một động lực cho tăng trưởng. Ảnh tư liệu

Đầu tư nước ngoài là điểm sáng

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), triển vọng tăng trưởng toàn cầu được dự đoán khả quan hơn trước nhờ sự phục hồi ở Mỹ và các nền kinh tế mới nổi. Dựa trên số liệu mới nhất, “có thể thở phào nhẹ nhõm rằng chúng ta đã thoát được cuộc suy thoái toàn cầu và một thời kỳ lạm phát - đình trệ” - Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho hay.

Lựa chọn chính sách cho tương lai của nền kinh tế

Phát biểu tại sự kiện diễn ra giữa tháng 4, bà Kristalina Georgieva - Giám đốc IMF đánh giá đây là thời điểm các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu phải đối mặt với sự lựa chọn cho tương lai của nền kinh tế. Hoặc là né tránh những quyết định khó khăn và cố gắng vượt qua tình thế bằng những chính sách ít hiệu quả. Hoặc chọn những chính sách tốt để giải quyết dứt điểm lạm phát và nợ nần, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế để tăng năng suất và tăng trưởng bền vững.

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều điều phải lo lắng khi môi trường toàn cầu trở nên thách thức hơn, căng thẳng chính trị ngày càng nóng và những điều bất ngờ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, bốn đặc trưng cơ bản nhất của môi trường toàn cầu lúc này “bất ổn, bất an, bất định và bất ngờ”.

Với Việt Nam, bức tranh kinh tế có một số tín hiệu tích cực khi tốc độ tăng trưởng quý I đạt 5,66%, cao nhất từ năm 2020 đến nay. Sau năm 2023 suy yếu, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã cao hơn mức tăng trưởng kinh tế, dần quay lại trở thành một động lực chính cho tăng trưởng.

Các con số lạc quan khác là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư công. Việt Nam đã đi ngược xu hướng thế giới khi dòng vốn FDI tiếp tục tăng mạnh. Đầu tư công cũng được giải ngân rốt ráo, tạo tác động lan tỏa cho nền kinh tế.

Thách thức từ đầu tư tư nhân, tiêu dùng

Song, những điều đáng lo vẫn không ít. Theo TS. Võ Trí Thành, quan ngại lớn nhất là đầu tư tư nhân suy giảm. Ngay chỉ số tăng trưởng tín dụng cả quý I chỉ đạt 0,26% cũng phản ánh điều này, đặc biệt là tín dụng cho vay tiêu dùng để sửa chữa, mua nhà đã không tăng suốt từ năm 2023 đến nay. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực để gỡ về pháp lý, quy trình, giảm lãi suất cho bất động sản, yêu cầu tái cấu trúc một số tập đoàn lớn, ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội…, song thị trường bất động sản phục hồi ở mức rất thấp.

Trong lúc đó, kể từ quý I/2023 đến nay, mức tăng tiêu dùng giảm khá nhanh. Số lượng doanh nghiệp rút lui nhiều hơn số thành lập mới và quay lại thị trường. Đằng sau tất cả những con số này, “đó là vấn đề niềm tin, niềm tin của thị trường, của giới đầu tư” - ông Võ Trí Thành bình luận.

Trong số những dấu hiệu nổi lên từ tình hình kinh tế quý I, PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ nhấn mạnh đến sức khỏe của khu vực doanh nghiệp trong nước. Trong khi tăng trưởng có xu hướng phục hồi, thì số lượng doanh nghiệp rút lui lại lớn hơn số doanh nghiệp quay lại và thành lập mới, bình quân mỗi tháng trong quý I giảm 4.700 doanh nghiệp, một điều ít thấy lâu nay. “Vấn đề đặt ra là ai làm nên tăng trưởng…?” - ông Trần Đình Thiên nêu vấn đề.

Nhìn vào các con số, có thể thấy xuất khẩu quý I tăng 17%, trong đó khu vực FDI chiếm gần 73%. Như vậy, tăng trưởng vẫn tiếp tục dựa nhiều vào FDI, trong khi doanh nghiệp Việt đáng lẽ phải đóng vai trò lớn hơn thì lại đang yếu dần. Để kinh tế phát triển thực sự lành mạnh, bền vững, tự chủ, không thể thiếu một lực lượng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, năng động. Do đó, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp trong nước thông qua những giải pháp như giảm mặt bằng lãi suất, giảm thủ tục hành chính là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu khi bàn về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương khẳng định để đạt mục tiêu tăng trưởng của kịch bản cao trong năm 2024, nền kinh tế không thể thiếu vắng động lực tăng trưởng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, không thể thiếu vắng sự hưng phấn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Ưu tiên "hồi sức" cho doanh nghiệp

Bàn về các giải pháp cho tăng trưởng thời gian tới, các chuyên gia cho rằng thực tế rất nhiều các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết đã được nêu trong các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, vấn đề là triển khai thực hiện. Tổng kết lại, TS Võ Trí Thành cho rằng có ba nhóm chính sách cần tập trung.

Đầu tiên là nhóm chính sách liên quan đến tài chính tiền tệ. Dù giai đoạn chịu áp lực lớn nhất về tài chính, tiền tệ là vào khoảng cuối năm 2022 đã qua, song vẫn còn nhiều vấn đề về tài chính, tiền tệ phải giải quyết để hỗ trợ cho phục hồi tăng trưởng.

Nhóm chính sách thứ hai là hàng loạt các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư xuất khẩu cho đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Rất nhiều chính sách như vậy đã được triển khai từ khi có dịch Covid và giai đoạn này vẫn cần được tiếp tục.

Cuối cùng, là nhóm chính sách tạo nền tảng mới cho phục hồi và phát triển. Đây là những chính sách đã được quan tâm, xây dựng và triển khai nhưng tiến độ trên thực tế còn rất chậm.

“Chúng ta đã làm chiến lược, quy hoạch, cơ chế đặc thù cho nhiều tỉnh thành. Chúng ta đang xây dựng những khung khổ pháp lý, chính sách để bắt kịp các xu thế mới như môi trường kinh doanh cho kinh tế xanh, kinh tế số, thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Quá trình này gần như là quyết định cho triển vọng phát triển dài hạn của Việt Nam. Chúng ta đã làm nhưng còn chậm và đặc biệt là triển khai rất phức tạp và mệt mỏi” - TS. Võ Trí Thành nhận xét.

Lấy ví dụ mức độ khả thi của Quy hoạch Điện VIII, ông lo ngại khả năng đạt được mục tiêu là không cao nếu không có những đột phá về cơ chế chính sách và cách thực thi.

Thực tế, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, những năm vừa qua, Chính phủ đã nhận diện được các thách thức và đã nỗ lực “khơi thông” nền kinh tế theo cả 3 tuyến. Một là phát triển giao thông với các tuyến đường cao tốc, bến cảng, sân bay… Tuyến thứ hai được khơi thông là các kênh dẫn vốn, trong đó có đầu tư công, thị trường trái phiếu, tái cấu trúc thị trường tài chính. Tuyến thứ ba, đó là nỗ lực “khơi thông” các thủ tục hành chính, vướng mắc pháp lý.

Dù nền kinh tế được nỗ lực khơi thông, song ông Trần Đình Thiên cũng chỉ ra do có các xung đột lợi ích nên quá trình diễn ra chậm, hiệu lực hiệu quả chưa như mong muốn, đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận. “Thách thức đang buộc chúng ta phải hành động, biến thách thức của quốc gia trở thành cơ hội cho doanh nghiệp Việt” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Sự phục hồi có thể khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm

Trong một báo cáo nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam mới đây, Ngân hàng HSBC cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024 dù sẽ cần thời gian để sự phục hồi lan tỏa rộng khắp. Từ nhận định này, HSBC giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 6% của Việt Nam cho năm nay, nhưng điều chỉnh dự báo theo quý với kỳ vọng sự phục hồi sẽ lan rộng hơn nữa trong 6 tháng cuối năm 2024.

Xác định phía trước còn nhiều khó khăn, thậm chí “sóng bão”, tuy nhiên theo TS Võ Trí Thành, chúng ta vẫn có lý do để tin vào một kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế năm 2024. Quan trọng hơn, hy vọng Việt Nam tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn, cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới./.

Thanh Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bien-thach-thuc-thanh-co-hoi-phat-trien-cho-doanh-nghiep-149616.html