Giải pháp để ngân hàng và doanh nghiệp 'gặp nhau'

Chi phí tài chính tăng cao, các công trình thực hiện chưa thu hồi được vốn, nợ đọng kéo dài khiến cho phương án kinh doanh của doanh nghiệp không đạt hiệu quả khiến nhu cầu vốn vay giảm xuống.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Ảnh: VPBank

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Ảnh: VPBank

Các chuyên gia ngân hàng nhận định, thời gian gần đây doanh nghiệp gặp vấn đề khi chi phí tài chính tăng cao, các công trình thực hiện chưa thu hồi được vốn, nợ đọng kéo dài khiến cho phương án kinh doanh không đạt hiệu quả như mong muốn nên nhu cầu vốn vay giảm xuống.

Ngược lại, những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lại gặp phải những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, do một số yếu tố như: rủi ro tín dụng, thủ tục phức tạp, lãi suất, giá trị tài sản đảm bảo và khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Vì vậy, cần có giải pháp để để ngân hàng và doanh nghiệp "gặp nhau".

Ông Đào Gia Hưng, Phụ trách phân khúc Khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ (Micro – SME), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VPBank cho rằng, trong năm 2024, với những tín hiệu khả quan như: việc Thủ tướng Chính phủ liên tục tổ chức buổi họp trực tiếp với các doanh nghiệp đầu ngành và các tổ chức tín dụng tìm hiểu nguyên nhân, giải pháp để tháo gỡ nhằm khơi thông dòng vốn doanh nghiệp. Ngân hàng nhà nước cấp room tín dụng cho các tổ chức tín dụng để đẩy vốn ra hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, động thái quyết liệt giảm lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng cũng khiến mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống rất thấp từ 6 - 7%.

Với tình hình này, ông Đào Gia Hưng nhận định rằng: hoạt động cho vay vốn lưu động sẽ tăng trở lại vào nửa đầu năm 2024. Lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng được dự báo sẽ dần phục hồi mạnh mẽ trở lại cuối năm 2024. Đây cơ hội để các ngân hàng tài trợ cấp tín dụng bổ sung vốn lưu động cho các khách hàng, đặc biệt là phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Ông Đào Gia Hưng cho biết, trước tiên, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn nhanh chóng và kịp thời phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh, VPBank cung cấp gói vốn tín chấp với hạn mức lên tới 5 tỷ đồng, không cần tài sản đảm bảo, lãi suất cạnh tranh. Đặc biệt, VPBank còn triển khai riêng sản phẩm vay vốn tín chấp dành riêng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp thuộc phân khúc nhỏ và siêu nhỏ có tên là Micro-Bil. Với sản phẩm này, khách hàng sẽ được cấp nhanh hạn mức 2 tỷ đồng với điều kiện và hồ sơ tối giản, phê duyệt nhanh chóng.

Ông Đào Gia Hưng khẳng định: VPBank là đơn vị tiên phong trên thị trường triển khai gói cấp vốn cho khách hàng doanh nghiệp vay mua, thuê bất động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đây là chính sách cho vay ưu đãi đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ với các mục đích: trả tiền thuê, mua bất động sản trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đầu tư, xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, tài sản cố định của khách hàng tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp; mua sắm máy móc thiết bị phục sản xuất kinh doanh; bổ sung vốn lưu động đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đặc biệt, ưu điểm nổi bật của gói vay là việc chấp nhận tài sản bảo đảm cho khoản vay chính là hợp đồng thuê, mua bất động sản tại khu công nghiệp, cụm công nghiệpmà không cần thêm tài sản bảo đảm khác. Ngoài ra, khách hàng sẽ được cấp tín dụng trọn gói với nhiều ưu đãi đáp ứng từng nhu cầu của khách hàng cho phương án sản xuất kinh doanh đi kèm cơ chế lãi suất rất hấp dẫn.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn từ VPBank, ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động số hóa giúp rút gọn, giản lược quy trình, hồ sơ và thủ tục đăng ký vay. “Chúng tôi có nhiều sản phẩm mà khách hàng có thể vay vốn 100% online từ bước nộp hồ sơ, phê duyệt tới giải ngân. Từ đó, khách hàng có thể tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí mà vẫn có thể nhận được nguồn vốn kịp thời từ ngân hàng”, ông Đào Gia Hưng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, năm 2024 VietinBank tiếp tục dành tới 300 nghìn tỷ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động và 130 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi doanh nghiệp trung, dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nắm bắt cơ hội, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh với lãi suất đặc biệt ưu đãi từ 5%/năm đối với nhu cầu vốn ngắn hạn và từ 5,6%/năm trong năm đầu tiên; từ 5,9%/năm trong 18 tháng và từ 6,5%/năm trong 24 tháng với nhu cầu vay trung dài hạn.

Ngoài các chính sách ưu đãi về lãi suất, VietinBank tập trung rà soát chuẩn hóa quy trình cấp tín dụng theo từng phân khúc, tiểu phân khúc khách hàng, tinh gọn quy trình, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục từ đó rút ngắn thời gian xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng hơn. Riêng với phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, VietinBank đã thiết kế quy trình cấp tín dụng và quy trình giải ngân rút gọn, rút ngắn tới 30% so với quy trình cấp tín dụng thông thường.

Ông Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước với các khoản vay cũ và mới còn dư nợ ở mức 7,7 - 9,8%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên bình quân khoảng 3,7%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ước đến giữa tháng 5/2024, tổng nguồn vốn huy động của các Tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đạt 5.343 nghìn tỷ đồng, tăng 0,78% so với tháng trước và tăng 0,15% so với thời điểm kết thúc năm 2023.

Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đến giữa tháng 5 đạt 3.670 nghìn tỷ đồng. Tính đến nay tỷ lệ nợ xấu của các Tổ chức tín dụng chiếm 1,9% trong tổng dư nợ. Các Tổ chức tín dụng trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt. Tình hình thanh khoản của các Tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo.

Ông Nguyễn Văn Đàn, Giám đốc Công ty TNHH Dulichviet cho rằng, thời điểm đầu năm 2024 đến nay tình hình khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng khá mạnh, trong lúc du lịch nội địa giảm so với các năm. Vì vậy, các doanh nghiệp ở lĩnh vực này thường cầm chừng, không có sự đầu tư lớn, nên doanh nghiệp chủ yếu chỉ áp dụng giải pháp ngắn hạn. Mặc dù, ngân hàng có rất nhiều ưu đãi và khuyến khích doanh nghiệp vay vốn, nhưng doanh nghiệp chưa dám vay để đầu tư trong giai đoạn này.

Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-de-ngan-hang-va-doanh-nghiep-gap-nhau/333474.html