Bếp ăn 0 đồng thay đổi thực đơn mỗi ngày, giúp tuyến đầu 'đỡ nhớ cơm nhà'

các lực lượng tuyến đầu chống dịch đỡ nhớ cơm nhà, bếp ăn 0 đồng của chị Bùi Hải Phượng (ngụ TP. Thủ Đức, TP. HCM) hằng ngày nấu hơn 400 phần ăn miễn phí với thực đơn thay đổi liên tục vô cùng phong phú.

Sắp khai trương quán ăn nhưng dịch bùng phát, chị Bùi Hải Phượng phải gác lại kế hoạch ấy. Song, chị quyết định thành lập bếp ăn 0 đồng, mỗi ngày tất bật chuẩn bị hàng trăm suất cơm để đưa tới các bệnh viện dã chiến, người dân nghèo hay sinh viên bị kẹt lại TP. HCM.

Từ 4h sáng nhóm đã chuẩn bị các phần cháo đến 6h30 đem giao đến các bệnh viện

“Đối tượng phục vụ ban đầu là những bạn đang làm ở chốt chống dịch, những người già neo đơn. Dần về sau, chúng tôi làm thêm cháo buổi sáng cho các em nhỏ, người già đang là F0 ở bệnh viện dã chiến thu dung 6, 7, 8 và hỗ trợ tiếp sức phần ăn cho bác sĩ xa nhà làm nhiệm vụ. Riêng đối với công nhân thất nghiệp, sinh viên bị kẹt lại, bếp chỉ hỗ trợ lương thực để mọi người tự chế biến”, chị Phượng nói.

Đáng chú ý, các món ăn do bếp chuẩn bị rất đa dạng, thay đổi thực đơn mỗi ngày. Nếu hôm nay bếp phục vụ món cơm gà ăn với rau thì ngày mai sẽ là món cá kho, ngày mốt sẽ là món mì Quảng và những ngày kế tiếp sẽ đa dạng các món như canh rau củ, thịt kho, gà xào sả ớt…

Món thịt kho trứng ăn kèm với rau xào hấp dẫn

Những món ăn đa phần phụ thuộc vào nguyên liệu sẵn có của ngày hôm đó, chị Phượng cố gắng chế biến sao cho các món không bị lặp lại.

Khi lập bếp ăn 0 đồng, chị Phượng định hướng rất rõ đối tượng chính mà bếp phục vụ là lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người đang xa nhà để ngày đêm canh gác.

Hàng trăm suất mì Quảng thơm ngon đúng điệu được chuẩn bị để tiếp sức lực lượng tuyến đầu

“Mình hiểu được họ đang rất thèm bữa cơm nhà. Họ không thể ngày nào cũng ăn các món lặp đi lặp lại bánh mì, xôi… Các món ăn phải được thay đổi từng ngày, giống như mình đang ăn cơm nhà vậy. Điều đó sẽ giúp họ cảm nhận được sự ấm áp của bữa cơm nhà mà họ đang nhớ”, chị Phượng nói.

Nhóm chuẩn bị món cháo cho các bệnh nhi, người già đang là F0 ở các bệnh viện dã chiến

Một ngày của nhóm bắt đầu rất sớm, từ 4h sáng nhóm đã chuẩn bị các phần cháo đến 6h30 đem giao đến các bệnh viện. Sau đó, nhóm tiếp tục quay về bếp để chuẩn bị phần cơm trưa vào lúc 11h cho các bệnh nhân. Nghỉ ngơi đến 13h, nhóm nấu phần cơm chiều để 17h đem giao. Đến 18h, nhóm lại tiếp tục nấu các phần cháo đến 20h mới về nhà. Bất kể mưa hay nắng, bếp ăn 0 đồng vẫn giao rất đúng giờ.

“Thời tiết TP. HCM dạo gần đây khá xấu, mưa nhiều gây khó khăn cho quá trình vận chuyển, chuẩn bị. Tuy nhiên thì nhóm vẫn cố gắng đội mưa đi giao để kịp giờ ăn cho các bệnh nhân”, chị Phượng chia sẻ.

Chị Phượng (bên trái) cùng thành viên bếp 0 đồng tất bật đóng hộp thức ăn

Sau khi chuẩn bị xong các phần ăn, bếp sẽ phối hợp với Đoàn phường phân phát cho hộ dân khó khăn. Bên cạnh đó, nhóm sẽ dùng xe bán tải để vận chuyển các phần ăn đến bệnh viện dã chiến.

Thời gian đầu mới hoạt động, nhóm gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, vì chị Phượng lập bếp với tiêu chí không nhận tiền hỗ trợ, chỉ nhận lương thực, thực phẩm từ bà con gom góp, ủng hộ. Vậy nên, việc thiếu nguyên liệu là điều không thể tránh.

Bất kể nắng, mưa, nhóm luôn cố gắng giao đến nơi đúng giờ

“Lúc đó mọi người chưa biết đến bếp nhiều, cũng chưa có nhiều cô, chú, anh, chị ủng hộ lương thực. Mình rất cảm động nhưng số lượng quả thực không đủ để nấu phần ăn cho cả trăm người. Rau củ vận chuyển về cũng không được tươi như mình mong muốn, số rau củ còn dùng được sau khi chắt lọc chỉ còn một ít”, chị Phượng nhớ lại.

Sau khi chuẩn bị xong phần ăn, nhóm sẽ dùng xe bán tải để vận chuyển đến bệnh viện dã chiến

Kể về khoảnh khắc muốn bỏ cuộc nhất, chị Phượng cho biết, có nhiều lúc chị cảm thấy bản thân lo không nổi, chỉ muốn "nghỉ cho khỏe người”. Thế nhưng, động lực lớn nhất để chị tiếp tục cuộc hành trình là khi nhìn thấy sự khó khăn của những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các tình nguyện viện ngày đêm cố gắng đồng hành cùng chị.

“Nhìn thấy sự cố gắng của các thành viên, mình không thể dừng lại được. Có hai cô chú kia đã lớn tuổi rồi, nhưng đã theo bếp từ ngày đầu tiên thành lập cho đến tận bây giờ. Họ cần mình, nên mình phải kiên trì hơn nữa”, chị Phượng chia sẻ.

Biết đến những phần ăn chất lượng của bếp, ngày càng nhiều người gửi lương thực đến hỗ trợ, giúp cho khó khăn lúc đầu dần được giải quyết. Thời điểm đầu, một ngày bếp chỉ cung cấp 200-250 phần ăn, dần về sau khi lương thực hỗ trợ dồi giàu hơn nhóm đã tăng lên 400 phần ăn mỗi ngày.

Đối với hộ dân khó khăn, sinh viên kẹt lại TP. HCM sẽ được nhận gạo, lương thực để tự chế biến

“Tuần đầu khi mới lập bếp, có đêm thiếu lương thực mà ngày mai nhóm phải chuẩn bị cả trăm phần ăn. Ở bếp không còn bất cứ lương thực dự trữ nào. Lúc đó gần cuối ngày, rất may có một mạnh thường quân gọi điện, ủng hộ 60kg cá cho nhóm, thật sự lúc đó tôi rất mừng. Nếu đêm đó không có nguyên liệu, tôi cũng không ngần ngại móc tiền túi để mua”, chị Phượng kể.

Những phần cơm miễn phí được trao tặng người dân nghèo

Được biết, nhóm sẽ tiếp tục dự án nấu các phần ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch cho đến khi dịch bệnh được đẩy lùi. Bên cạnh đó, chị Phượng sẽ chế biến thêm thức ăn đóng hộp, có thể để lâu ngày ăn dần cho các hộ dân khó khăn.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe, nhóm luôn chủ động trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chắn giọt bắn, nước rửa tay và tuân thủ biện pháp 5K. Chị Phượng còn giới hạn số lượng thành viên tham gia chỉ từ 5-6 người/ngày.

Bài, ảnh: Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bep-an-0-dong-thay-doi-thuc-don-moi-ngay-giup-tuyen-dau-do-nho-com-nha-post150020.html