Bảo tàng Đồng Nai - nơi tôn vinh những kỷ vật vô giá về Bác Hồ

Kể sao hết những tình cảm của Bác Hồ gửi gắm lúc sinh thời đối với đồng bào miền Nam: 'Miền Nam luôn trong trái tim tôi', 'Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà, miền Nam mong Bác nỗi mong cha'.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đến thăm Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: NGUYỄN VĂN THÀNH

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đến thăm Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: NGUYỄN VĂN THÀNH

Những kỷ vật của Bác Hồ trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được lưu giữ ở Bảo tàng Đồng Nai là những hiện vật vô giá.

Những câu chuyện kể đầy xúc động

Năm 1990, Bảo tàng Đồng Nai được ông Lê Ngọc Bạch (Chín Hồng), nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Đồng Nai, trao lại kỷ vật Đồng hồ đeo tay mà Bác Hồ đã tặng ông năm 1959.

Năm 1954, ông Chín Hồng tập kết ra miền Bắc để học tập. Tháng 1-1959, ông cùng với 21 người được tập hợp về Sư đoàn nhận nhiệm vụ mở đường Trường Sơn chi viện cho cách mạng miền Nam. Tháng 3-1959, đoàn nhận được chỉ thị: “Đúng 3h chiều nay đoàn sang Hà Nội, Bác Hồ sẽ đến thăm”. Tất cả đều vui mừng, tập hợp đến địa điểm vườn hoa Ba Đình… Bác nói chuyện về tình hình miền Nam, Bác dặn dò và mong muốn đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Bác đứng dậy “chúc các cháu khỏe và thành công”. Tất cả đều đứng dậy, Bác nhìn một lượt và hỏi ông Chín Hồng: “Cháu không có đồng hồ à?”, ông Chín Hồng đáp: “Dạ, cháu không có, cháu về điểm trễ, đi tập kết luôn, nhưng đơn vị cháu, anh em có nhiều Bác ạ”. Bác cười và ra về.

Đến chiều, đoàn vào hội trường sân bay Gia Lâm dự tiệc. Sau khi tan tiệc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng 2 bác sĩ đến chỗ ông Chín Hồng, 1 bác sĩ đã trao chiếc đồng hồ và nói là Bác Hồ tặng. Ông Chín Hồng hết sức xúc động và hôm sau lên đường vào Nam nhận nhiệm vụ.

Năm 1991, Bảo tàng Đồng Nai lại vinh dự đón nhận kỷ vật cuốn sách Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại do ông Nguyễn Ngọc Thảo (Ba Thảo), nguyên Quyền Bí thư Đảng ủy phụ trách chung 3 xã Đại Phước, Phước Khánh và Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch, giai đoạn 1969 - 1972), trao tặng.

Theo lời kể của ông Ba Thảo, cuối năm 1969, Huyện ủy Long Thành - Nhơn Trạch đã gửi cuốn sách Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xuất bản đến các xã, trong đó có xã Đại Phước để phổ biến những lời dặn của Người tới đảng viên, cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Cuốn sách khổ 9cmx13cm, in ronéo trên giấy poluya, bìa cứng màu nâu đỏ. Cuốn sách đã trở thành một trong những nguồn động lực thúc đẩy nhân dân xã Đại Phước cùng chung sức với nhân dân cả nước “biến đau thương thành hành động”, kiên quyết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước.

Huy Hiệu Bác Hồ với mặt trước đúc nổi hình Bác Hồ và dưới là hình bông sen cách điệu, mặt sau có khuy cài là vật được ông Lưu Hữu Nghĩa (cư ngụ ở xã Phước Thái, huyện Long Thành) trao tặng lại cho Bảo tàng Đồng Nai lưu giữ năm 1984.

Theo lời nhân chứng kể lại, đầu năm 1965, ông Lưu Hữu Nghĩa chuyển trại tù Côn Đảo sang khám Chí Hòa. Ông Trần Văn Ba - Bí thư chi bộ Đảng trong trại giam Côn Đảo - đã trao tặng ông Nghĩa huy hiệu Bác Hồ với lời dặn dò “sống chết mãi một lòng theo Đảng tới hơi thở cuối cùng, dẫu có chết quyết không dời, để lộ ảnh Bác cho địch biết”. Ngoài ra, huy hiệu Bác Hồ lúc đó còn là vật chứng làm tin cho các cán bộ ở khám Chí Hòa nhận diện, tạo cơ sở cho ông Nghĩa tiếp tục sinh hoạt tại Chi bộ khám Chí Hòa.

Năm 1977, Bảo tàng Đồng Nai tiếp nhận Ba bức hoành phi từ đình Phú Mỹ, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, gắn liền với nghĩa cử thiêng liêng của Nhân dân Đồng Nai khi nghe tin Bác mất. Ba bức hoành phi bằng gỗ, nền sơn màu đỏ, viết chữ Hán màu vàng. Đằng sau những bức hoành phi ấy là câu chuyện kể rất cảm động.

Năm 1969, khi hay tin Bác Hồ mất, ông Chín Phường và ông Tám Liệp ở ấp Phú Mỹ đêm nào cũng lặng lẽ thắp hương hướng ra phía Bắc cầu khấn… Một ý nghĩ chợt lóe lên: đình làng đang có nhiều bức hoành phi lâu ngày bị mối mọt, nay đặt chuyện làm mới lại chắc ai cũng chịu. Sau nhiều đêm miệt mài tìm trong Kinh thi, các bô lão cũng chọn ra được ba câu: Hồ nhiên nhi thiên, Chí vọng thâm ân, Minh hoài hậu đức để làm hoành phi. Khi ghép ba chữ đầu của ba bức hoành phi lại thành tên của Người - Hồ Chí Minh. Như thế, thờ 3 bức hoành phi chính là thờ Bác Hồ kính yêu, còn màu nền đỏ chữ vàng là màu cờ Tổ quốc. Để che mắt bọn lính bảo an đóng đồn cách đó 200m, các bô lão đã khéo léo dàn dựng lấy ngày lễ Kỳ yên 16-11-1970 làm ngày lễ cầu siêu rước linh Bác vào thờ trong đình Phú Mỹ.

Năm 1977, ông Nguyễn Văn Ưu ở xã Phước An, huyện Long Thành đã đem những tờ giấy bạc in hình cụ Hồ tặng cho Bảo tàng Đồng Nai lưu giữ. Mặc dù chưa bao giờ gặp Bác Hồ một lần, nhưng để biểu lộ tình cảm trân trọng của mình đối với Bác Hồ kính yêu, ông Nguyễn Văn Ưu đã dũng cảm giữ gìn những tờ giấy bạc Việt Nam loại 1đồng, 5 đồng, 50 đồng và 100 đồng có in hình Bác Hồ do Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ ấn hành như một báu vật thiêng liêng của đời mình.

Kỷ vật Đĩa Gốm của ông Vi Quốc Khánh được Bác Hồ tặng năm 1947 khi học tập tại Trường đào tạo thiếu sinh quân (tỉnh Thái Nguyên) cũng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai. Theo lời kể của ông Vi Quốc Khánh, Bác Hồ đến thăm lớp thiếu sinh quân khi cả lớp đang trong giờ học. Bác ân cần đến hỏi thăm các học sinh, trong đó có học sinh Vi Quốc Khánh, người có hình dáng nhỏ nhất lớp và là người dân tộc Tày. Sau đó, Bác cùng thầy giáo đến cửa hàng mua một số vật dụng tặng cho các học sinh, Bác tặng cho Vi Quốc Khánh chiếc đĩa gốm có in dòng chữ “Tích cực cầm cự - chuyển bị tổng phản công - Bắc Việt” và căn dặn: “Cháu cố gắng học, sau khi trưởng thành là một chiến sĩ, cùng đất nước Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp”. Sau khi Bác rời khỏi lớp học, ông mới biết được qua thầy giáo đó là Bác Hồ. Ông nghẹn ngào, xúc động và luyến tiếc, vì không biết Bác trước đó. Kỷ vật ấy, ông giữ mãi đến cuối cuộc đời mình.

Đổi mới cách thức trưng bày để tôn vinh giá trị hiện vật

Kỷ vật về Bác Hồ kính yêu được sưu tầm và trưng bày là những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn vô cùng to lớn đối với Nhân dân Đồng Nai. Nhưng làm như thế nào để giới thiệu, tuyên truyền đến công chúng hiểu rõ được các giá trị ấy? Vấn đề đó thuộc về trách nhiệm của những người làm công tác bảo tồn bảo tàng hôm nay.

Thạc sĩ Nguyễn Việt Sơn, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, cho biết: “3 bức hoành phi được trưng bày ở Bảo tàng Đồng Nai thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc của nhân dân Đồng Nai với Bác Hồ. Năm 2024, Bảo tàng đang thực hiện kế hoạch bảo quản 3 hiện vật trên nhằm tăng tuổi thọ, tôn vinh giá trị hiện vật và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan của công chúng”.

Ý tưởng xây dựng một không gian trưng bày trải nghiệm riêng mang chủ đề “Đồng Nai với Bác Hồ”, dù nhỏ nhưng sẽ là điểm tôn vinh những giá trị vĩ đại của Người và trở thành điểm nhấn đối với công chúng là rất cần thiết.

Trưng bày hiện vật phải có câu chuyện kể hấp dẫn đi kèm, ứng dụng công nghệ số trong trưng bày kèm theo hiện vật phụ trợ để tôn vinh giá trị hiện vật gốc và tạo ra không gian khám phá trực tiếp. Cùng với đó, lồng ghép trong trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để công chúng có sự cảm nhận, thấu hiểu trọn vẹn về Bác Hồ. Thủ pháp trưng bày cần có điểm nhấn, đi sâu vào những hiện vật giàu cảm xúc, có hiệu ứng ánh sáng nghệ thuật.

Ngoài ra, bảo tàng nên xúc tiến thường xuyên liên kết với các trường học trên địa bàn tỉnh, tổ chức các buổi học tập, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bảo tàng cho học sinh, sinh viên tham gia; phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa thiết thực nhân kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Bác Hồ để công chúng tham gia.

Đặc biệt, nếu xây dựng kết nối được tuyến tham quan, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở di tích Văn miếu Trấn Biên với trải nghiệm phòng trưng bày chủ đề “Đồng Nai với Bác Hồ” ở Bảo tàng Đồng Nai sẽ hết sức ý nghĩa.

Xuân Nam

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/bao-tang-dong-nai-noi-ton-vinh-nhung-ky-vat-vo-gia-ve-bac-ho-93c4ef7/