Bài 2: Sáng tạo trên nền di sản

Không chỉ có bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình và hữu nghị, Hà Nội còn là địa phương giàu có nhất cả nước về di sản văn hóa. Đây chính là nền tảng sáng tạo, đưa di sản trở thành nguồn lực góp phần định hình bản sắc văn hóa đặc trưng Thăng Long - Hà Nội, không ngừng hội nhập với thế giới. Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chương trình 06-CT/TU của Thành ủy về 'Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025' (Chương trình 06) đã để lại những dấu ấn đậm nét, đặc biệt là trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, qua đó khơi nguồn cho các không gian sáng tạo, góp phần khẳng định vai trò thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Đoàn rước trong Lễ hội kỷ niệm 595 năm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ảnh: Quang Thái

“Trữ lượng” di sản dồi dào

Chương trình 06 của Thành ủy đã qua 2 năm thực hiện (từ tháng 3-2021 đến nay) và để lại nhiều dấu ấn, dù phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức mà đại dịch Covid-19 là trở ngại lớn nhất. Hà Nội đã triển khai kế hoạch tu bổ, tôn tạo 579 di tích trong giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo với nguồn kinh phí 14.029 tỷ đồng. Nhiều di tích được xếp hạng hoặc nâng cấp di tích quốc gia đặc biệt như cụm di tích Thăng Long Tứ trấn, chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai); 55 di tích được nâng cấp xếp hạng di tích cấp quốc gia và thành phố, đạt 50% chỉ tiêu Chương trình. Các di tích đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nhiều đổi mới trong hoạt động, xây dựng sản phẩm đa dạng, thu hút hơn 1,8 triệu lượt khách tham quan, đạt doanh thu 49.515 tỷ đồng. Hệ thống bảo tàng công lập cũng tăng cường đổi mới hoạt động trưng bày, hướng tới giới trẻ theo hướng hiện đại.

Đặc biệt, Thành đoàn Hà Nội cũng chung tay giữ gìn di sản bằng việc triển khai đề án Mã hóa dữ liệu Địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại các “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử; ra quân đội hình tuyên truyền hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho đoàn viên, thanh, thiếu nhi Thủ đô.

Với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, bên cạnh việc ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, thành phố đã có thêm 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số lên 27 di sản. Những năm gần đây, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn Hà Nội có nhiều chuyển biến rõ rệt. Những lễ hội từng là điểm “nóng” nay được tổ chức khoa học, bài bản hơn. Đặc biệt, nhiều lễ hội truyền thống đã bị mai một suốt 70 - 80 năm như Lễ hội chùa Láng (quận Đống Đa), Lễ hội đền Núi Sưa, Lễ hội kỷ niệm ngày hóa đức Thánh tại đền Quán Thánh, hay Lễ hội kỷ niệm 980 năm Thập Tam trại (quận Ba Đình) được khôi phục đã giúp cộng đồng nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ “tài sản” của mình.

Khách tham quan một triển lãm ảnh tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Ảnh: Mai Anh

Hà Nội còn là địa phương có nhiều nghệ nhân giỏi. Tính chung cả 3 đợt phong tặng danh hiệu vào các năm 2015, 2019, 2022, Hà Nội có 131 nghệ nhân được phong danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú (riêng đợt phong danh hiệu năm 2022 có 66 người được phong tặng, truy tặng). Đáng nói là HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội để hỗ trợ các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ và truyền dạy di sản của cha ông cho thế trẻ.

Sáng tạo để bảo tồn

Hệ thống di sản dồi dào nói trên là nguồn lực để Hà Nội khai thác giá trị phục vụ phát triển, trong đó có việc xây dựng sản phẩm du lịch, tổ chức hoạt động văn hóa sáng tạo để qua đó khẳng định vị trí thành viên trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Chẳng hạn, hoạt động hiệu quả của Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trong nhiều năm qua đã “gợi ý” cho việc hình thành các không gian tương tự như Không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận (quận Hai Bà Trưng); Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã và Khu phố kinh doanh - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình), dự kiến quý IV-2023 khai trương; quận Tây Hồ có Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Không gian văn hóa sáng tạo trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt tại Phủ Tây Hồ, Không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái xưa gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài; thị xã Sơn Tây có Không gian văn hóa đi bộ Thành cổ Sơn Tây... Không chỉ mang lại những lợi ích về tinh thần, vật chất cho cộng đồng, những không gian này còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, đặc biệt là lớp trẻ.

Sau khi chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (tháng 10-2019), nhiều sự kiện, hoạt động, liên hoan nghệ thuật liên tục được tổ chức với mong muốn thúc đẩy sáng tạo, xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố sáng tạo phát triển bền vững và là một trong những trung tâm sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á. Với định hướng này, giới trẻ được coi là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự sáng tạo. Nhiều sự kiện được tổ chức hướng tới giới trẻ đã gây tiếng vang như Liên hoan Truyền thông và Thiết kế Việt Nam thường niên; Dự án nghệ thuật “Từ truyền thống tới truyền thống”; cuộc thi “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022”...

Người dân và du khách vui chơi tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ảnh: Mai Anh

Năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp phát động cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” nhằm tìm kiếm các ý tưởng mới trong thiết kế sản phẩm sáng tạo, cải tạo các không gian tại Hà Nội; tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 với nhiều dự án kết nối cộng đồng người yêu di sản, sinh viên, các họa sĩ, nghệ sĩ sáng tạo cùng tham gia. Nhiều sự kiện được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm) đã góp phần đánh thức những di sản văn hóa phi vật thể bị lãng quên như nghề thủ công truyền thống, tranh dân gian Hàng Trống, nghệ thuật hát ca trù, chầu văn, xẩm... và thôi thúc giới trẻ tìm về với di sản của cha ông.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Chương trình 06 trong thời gian qua, Phó Bí thư Thảnh ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận định: Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức song toàn thành phố với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo, giải quyết tốt các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong quá trình thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, đã tạo tác động tích cực đến đời sống nhân dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, khẳng định ý nghĩa nhân văn, sâu sắc của Chương trình... Thành ủy Hà Nội với tầm nhìn rộng mở và quyết tâm chính trị cao đã quyết định ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng với việc định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới cho thành phố khi Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực “thiết kế sáng tạo” với nền tảng là văn hóa và sáng tạo, một xu thế tất yếu của thời đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý là một số dự án được triển khai chậm so với kế hoạch đề ra, như trưng bày, phục dựng không gian điện Kính Thiên; bảo tồn, phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại khu di tích Cổ Loa; công tác giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh đền Bà Kiệu...

Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình 06, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu ban hành Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0; kế hoạch nâng cao công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025...

(Còn nữa)

Bảo Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1066544/bai-2-sang-tao-tren-nen-di-san