Bác sĩ nói những việc cần làm để phòng đột quỵ khi trời mưa lạnh

Theo bác sĩ, thời tiết chuyển lạnh gây ảnh hưởng đến một số yếu tố của cơ thể, làm gia tăng ca bệnh đột quỵ. Để phòng ngừa, người dân cần thường xuyên tập thể dục, ăn uống điều độ, kiêng các thức ăn nhiều chất béo, đồ ngọt, rượu bia, thuốc lá...

Thời tiết chuyển lạnh gây ảnh hưởng đến một số yếu tố của cơ thể, làm gia tăng ca bệnh đột quỵ. Có nhiều yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì, rượu bia, thuốc lá, bệnh lý tim mạch và đặc biệt là tăng huyết áp.

Video: Bác sĩ khuyến cáo quan trọng phòng ngừa bệnh đột quỵ

Bệnh nhân N.T.S. (SN 1968) được người nhà đưa vào Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế trong trạng thái lơ mơ, liệt nửa người bên trái. Theo chia sẻ, bệnh nhân S. có tiền sử cao huyết áp và thường sử dụng rượu bia. Sau khi được các bác sĩ can thiệp, tích cực điều trị, đến nay, bệnh nhân đã có thể vận động nhẹ, ngồi dậy và cử động chân tay.

Trong khi đó, bệnh nhân T.T.T. (SN 1981) được đưa vào Trung tâm Đột quỵ trong tình trạng hôn mê, liệt tứ chi. Bệnh nhân T. được xác định bị đột quỵ thể xuất huyết nặng do trước đó thường xuyên bị tăng huyết áp nhưng không được kiểm soát tốt. Sau hơn một tháng được các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân có thể nhận thức, tứ chi đã hoạt động nhưng còn khá yếu.

Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, Ths.BS Lê Vũ Huỳnh, Phó trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 7-10 bệnh nhân. Những hôm trời mưa lạnh, số lượng bệnh nhân tăng nhiều hơn, hầu như kín giường. Từ tháng 9 đến nay có khoảng 500 ca bệnh nhập viện điều trị.

Bệnh nhân đột quỵ dần hồi phục sức khỏe.

Bệnh nhân đột quỵ dần hồi phục sức khỏe.

"Mùa mưa lạnh, bệnh nhân đột quỵ tăng khoảng 20-30% so với các mùa khác trong năm. Đối tượng chủ yếu mắc đột quỵ là người ngoài 60 tuổi có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, có không ít người trẻ dưới 50 tuổi mắc đột quỵ. Trong đó, có khoảng 15-25% trường hợp đột quỵ ở tình trạng nặng, nguy kịch", Th.BS Lê Vũ Huỳnh nói.

Theo Phó trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế, đối với các trường hợp đột quỵ thể tắc mạch, đặc biệt tắc các mạch máu não lớn, tình trạng bệnh nhân thường nặng và nguy kịch.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân nhập viện sớm, được áp dụng các liệu pháp tái thông một cách kịp thời, bệnh nhân có thể hồi phục và vượt qua cơn nguy kịch. Trong khi đó, tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây nên đột quỵ thể xuất huyết, những trường hợp nặng thường dẫn đến tử vong hoặc tàn tật cao dù được điều trị tối ưu.

ThS.BS Lê Vũ Huỳnh cho hay, đơn vị thường xuyên tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân đột quỵ thể tắc mạch nặng, nguy kịch. Bằng liệu pháp tái thông một cách kịp thời, hầu hết những trường hợp nhập viện sớm đều được cấp cứu hiệu quả, vượt qua cơn nguy kịch và có thể hồi phục.

Để phòng đột quỵ mọi người cần thường xuyên tập thể dục, ăn uống điều độ, kiêng các thức ăn nhiều chất béo, đồ ngọt, kiêng rượu, bia và không hút thuốc lá. Những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch cần theo dõi, điều trị để kiểm soát tốt.

Y, bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ.

Y, bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ.

"Khi thời tiết thay đổi thất thường tạo ra các môi trường gây khó chịu cho con người, nó sẽ làm gia tăng nguy cơ bệnh tật trong đó có đột quỵ. Do yếu tố huyết áp dễ biến động nhất, nên những người cao huyết áp cần theo dõi thường xuyên các chỉ số, nếu có biến động so với bình thường cần phải đi thăm khám để được chỉ dẫn, đây là điều rất quan trọng", Ths.BS Lê Vũ Huỳnh nói.

Ngoài ra, khi phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ hoặc bị đột quỵ, cần đưa bệnh nhân đến ngay đến cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh viện có khả năng điều trị và cấp cứu đột quỵ.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/video-bac-si-noi-nhung-viec-can-lam-de-phong-dot-quy-khi-troi-mua-lanh-169231101142446351.htm