Ai nói phụ huynh 'truyền thống' gặp trẻ Montessori sẽ 'phát điên'?

Montessori dạy trẻ theo phương pháp khác biệt, nhưng không vì thế mà tạo ra những đứa trẻ 'dị biệt' nên không có chuyện các em khiến phụ huynh khác 'phát điên'.

 Montessori là phương pháp dạy trẻ được du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm nay. Ảnh: Adobestock.

Montessori là phương pháp dạy trẻ được du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm nay. Ảnh: Adobestock.

“Montessori nào dạy con không quan tâm đến xung quanh thế?”

“Dạy con không quan tâm đến xung quanh thì con chỉ có lì lợm, khó bảo, thiếu tôn trọng người khác. Phụ huynh đang thần thánh hóa phương pháp Montessori quá rồi".

“Phương pháp hiện đại mà dạy con thành đứa trẻ có đầu óc không bình thường”.

“Nhìn hình chắc phương pháp này chỉ dành cho những trẻ tăng động giảm chú ý".

Đó là những bàn luận của phụ huynh trước một video chia sẻ về phương pháp dạy con của một phụ huynh trên TikTok. Theo người mẹ, con trai chị được giáo dục theo Montessori - phương pháp giáo dục được phát triển bởi tiến sĩ Y khoa, nhà giáo dục người Italy Maria Montessori.

Hàng loạt hiểu lầm về phương pháp Montessori

Cô Lê Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Mầm non Ngôi Sao (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), giáo viên Montessori Quốc tế dành cho trẻ 2,5-6 tuổi, 6-12 tuổi, được chứng nhận bởi tổ chức MACTE, nhận định những chia sẻ của phụ huynh trong video đăng tải trên TikTok đang khiến cộng đồng hiểu nhầm về phương pháp giáo dục Montessori.

Theo cô Hải, phụ huynh này mô tả trẻ "không quan tâm lắm đến xung quanh" có thể chỉ là cách diễn đạt cá nhân của người mẹ về sự tự lập và khả năng tập trung cao của con, chứ không phản ánh đúng tinh thần của phương pháp này.

Thực tế, phương pháp giáo dục Montessori không dạy trẻ bỏ qua hay không quan tâm đến môi trường xung quanh, mà khuyến khích trẻ quan sát và tương tác với môi trường để khám phá, tìm tòi, học hỏi. Trẻ được học cách tôn trọng người khác và môi trường, cũng như cách thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm.

 Cô Lê Thanh Hải cho biết Montessori khuyến khích trẻ quan sát và tương tác với môi trường để khám phá, tìm tòi, học hỏi. Ảnh: NVCC.

Cô Lê Thanh Hải cho biết Montessori khuyến khích trẻ quan sát và tương tác với môi trường để khám phá, tìm tòi, học hỏi. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, cô Hải cũng nhận định sự "phát điên của phụ huynh nuôi con theo cách truyền thống khi gặp trẻ nuôi theo phương pháp giáo dục Montessori" mà nữ phụ huynh đề cập có thể xuất phát từ sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa hai phương pháp giáo dục.

Trong khi giáo dục truyền thống có thể tập trung nhiều hơn vào sự tuân thủ và kỷ luật, giáo dục theo Montessori khuyến khích sự tự do và tự lập trong một thỏa thuận nhất định. Điều này không có nghĩa là phương pháp Montessori không có khuôn khổ, mà là khuôn khổ đó được xây dựng, thiết lập để trẻ tự khám phá và học hỏi theo cách của riêng trẻ.

“Việc đưa hình ảnh, video của trẻ lên trang mạng xã hội mà chưa đầy đủ nội dung đã khiến người xem chưa thực sự hiểu, gây nên sự hiểu lầm, tranh cãi, thậm chí những bình luận gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống tinh thần của trẻ cũng như gây hoang mang cho những phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ về phương pháp giáo dục Montessori”, cô Hải nói.

Trước những hiểu lầm về phương pháp Montessori, hiệu trưởng trường Mầm non Ngôi Sao khẳng định Montessori không phải là cho phép trẻ làm "bất cứ điều gì trẻ muốn", mà là cho phép trẻ tự do làm việc, lựa chọn hoạt động phù hợp với trẻ trong một môi trường chuẩn bị sẵn có và được giáo viên quan sát, ghi chép, theo dõi cẩn thận.

Các hoạt động và tài liệu hướng dẫn được thiết kế để phát triển kỹ năng nhất định và được trình bày theo cách thức kích thích sự tự giác và ham học hỏi tự nhiên ở trẻ.

Phương pháp giáo dục Montessori cũng không dẫn đến trẻ phát triển không bình thường như nhiều người bình luận bởi phương pháp này nhấn mạnh vào việc phát triển toàn diện, bao gồm cả phát triển quan hệ tình cảm xã hội, cảm xúc, thể chất và trí tuệ.

Trẻ được khuyến khích phát triển theo nhịp điệu riêng của mình, điều này tạo điều kiện cho sự phát triển bình thường và lành mạnh. Trẻ có sự phát triển toàn diện trong các lĩnh vực như tự lập, sáng tạo, tư duy, cách giải quyết vấn đề và kỹ năng xã hội.

Cô Hải cũng khẳng định phương pháp giáo dục Montessori hữu ích cho mọi trẻ em, ưu tiên tập trung vào khả năng riêng của từng cá nhân và cũng được thiết kế để phục vụ và thúc đẩy sự phát triển của tất cả trẻ em ở bất cứ quốc gia nào, chứ không dành riêng cho trẻ tăng động, giảm chú ý.

Tuy nhiên, cô Hải cho biết phương pháp này có thể hỗ trợ tốt cho trẻ em có những khó khăn về sự chú ý hoặc hành vi, vì môi trường học tập tự do và tôn trọng quyền lựa chọn của trẻ thường giúp trẻ em học cách quản lý sự chú ý và tự điều chỉnh hành vi của mình.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Văn Hoan, giáo viên Montessori ở TP.HCM, cũng cho biết phương pháp Montessori đã được chứng minh là hiệu quả với những học sinh đặc biệt và những em có vấn đề về nhận thức, nhưng với điều kiện là người áp dụng phải thực sự hiểu được nhu cầu và vấn đề mà trẻ đang gặp phải.

Khi thực sự hiểu về đứa trẻ, người áp dụng sẽ đưa ra các cách hỗ trợ phù hợp, trong đó có việc sử dụng các giáo cụ của các nhà giáo dục như Maria Montessori, Friedrich Froebel…

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Montessori chỉ dành cho trẻ đặc biệt mà có thể áp dụng cho nhiều trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Thầy Hoan nhấn mạnh rằng điều giúp phương pháp Montessori trở nên phổ biến như hiện nay chính là phương pháp này giúp nhiều đứa trẻ bình thường đạt được những điều phi thường.

“Bà Montessori vẫn gọi những điều ‘phi thường’ mà trẻ đạt được là điều ‘bình thường’ vì mọi đứa trẻ đều có cơ hội làm được, miễn là chúng ta cung cấp môi trường phù hợp cho các em”, thầy giáo trẻ nói.

Thầy Hoan cũng nói rằng không riêng ở Việt Nam mà ở các quốc gia, vùng văn hóa khác, sẽ có những người có cái nhìn chưa đúng về phương pháp Montessori hoặc những đứa trẻ được dạy theo phương pháp này.

“Ở mỗi giai đoạn, người lớn và trẻ sẽ có những nhầm lẫn khác nhau, chúng ta dù sớm hay muộn sẽ dần dần nhận ra và giải quyết chúng. Những hiểu lầm trên rồi sẽ dần được gỡ bỏ thôi. Dù lớn hay nhỏ, tôi tin là những hiểu nhầm đó sẽ được hóa giải”, anh Hoan chia sẻ.

 Phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về Montessori trước khi chọn trường cho con. Ảnh: Adobestock.

Phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về Montessori trước khi chọn trường cho con. Ảnh: Adobestock.

Không có phương pháp hoàn hảo tuyệt đối trong giáo dục

Theo cô giáo Lê Thanh Hải, không phương pháp giáo dục nào là hoàn hảo hay phù hợp với mọi người. Mỗi trẻ em là duy nhất, và một số trẻ có thể phát triển tốt hơn trong một môi trường giáo dục đặc biệt.

Do đó, việc lựa chọn phương pháp giáo dục phải dựa trên nhu cầu và tính cách cụ thể của từng trẻ, cũng như sự phù hợp với gia đình và nguồn lực có sẵn.

Cô Hải khuyến nghị trong giai đoạn tìm phương pháp giáo dục con, phụ huynh cần hiểu rõ về các phương pháp giáo dục, từ truyền thống đến hiện đại. Việc hiểu rõ về từng phương pháp sẽ giúp cha mẹ đánh giá được phương pháp nào phản ánh đúng giá trị và mục tiêu giáo dục của gia đình mình.

Cô Hải cũng nhấn mạnh việc phụ huynh cần dành thời gian để quan sát trẻ trong các hoạt động khác nhau để hiểu nhu cầu, sở thích và phong cách học tập của trẻ. Từ đó, phụ huynh có thể đánh giá, lựa chọn sự phù hợp của con với các phương pháp giáo dục.

“Một số trẻ có thể phát triển tốt trong một môi trường cấu trúc hơn, trong khi những trẻ khác có thể phát triển mạnh trong một môi trường tự do và tự giác hơn”, cô Hải lưu ý.

Ngoài ra, cô Hải cũng khuyên phụ huynh nên dành thời gian thăm các trường học hoặc cơ sở giáo dục để quan sát môi trường học tập và phong cách giảng dạy; tìm kiếm cộng đồng để học hỏi kinh nghiệm; không ngần ngại thay đổi phương pháp nếu nó không đáp ứng đúng nhu cầu…

“Phụ huynh cần lưu ý không có một lựa chọn đúng hay sai tuyệt đối trong giáo dục. Quan trọng nhất là tìm ra môi trường học tập phù hợp nhất với con mình, nơi trẻ có thể phát triển một cách toàn diện và hạnh phúc”, cô Lê Thanh Hải chia sẻ.

Nói riêng về việc lựa chọn phương pháp giáo dục Montessori, thầy Nguyễn Văn Hoan đề xuất nếu phụ huynh chưa thể đưa ra quyết định, cách tốt nhất là phụ huynh nên tìm hiểu thêm về phương pháp Montessori thông qua những tác phẩm của bà, ví dụ như cuốn Trẻ thơ trong gia đình và Bí ẩn tuổi thơ.

“Bà Maria Montessori có rất nhiều sách, tài liệu và các bài giảng, tùy vào khả năng của mỗi người mà phụ huynh có thể đọc thêm. Nếu năng suất, phụ huynh chỉ mất vài năm là có thể hiểu hết công trình giáo dục mà bà Maria dành cả đời để xây dựng”, thầy giáo nói.

Ngoài ra, khi xác định cho con học trường Montessori, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về nơi sắp cho con học thông qua việc trò chuyện với giáo viên ở trường đó - người sẽ trực tiếp chăm sóc con. Phụ huynh hãy hỏi giáo viên cảm nhận về môi trường làm việc và những lý tưởng họ có về một môi trường học tập tốt cho trẻ.

Nếu có cơ hội, phụ huynh cũng nên trò chuyện với chủ trường để thảo luận về các nội dung tương tự. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên bày tỏ mong muốn và lo lắng của bản thân khi cho con học trường này để nhà trường đưa ra giải đáp cụ thể và chính xác.

Thái An - Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ai-noi-phu-huynh-truyen-thong-gap-tre-montessori-se-phat-dien-post1475891.html