Yên Bái: Chú trọng phòng ngừa, chủ động ứng phó tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tình hình thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét xảy ra với tần suất và cường độ lớn đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản.

Mưa lũ tại huyện Mù Cang Chải năm 2023 gây thiệt hại lớn về người và của.

Mưa lũ tại huyện Mù Cang Chải năm 2023 gây thiệt hại lớn về người và của.

Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, trong năm 2023, trên địa bàn xảy ra 16 đợt thiên tai làm 8 người chết, 01 người bị thương, gây hư hỏng 1.612 căn nhà, thiệt hại 2.301 ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, trên 4.641 con gia súc, gia cầm bị chết.

Thiên tai cũng làm hư hỏng 7 điểm trường, 10 công trình văn hóa, y tế, 169 công trình thủy lợi, 5 công trình nước sạch nông thôn; 60.000 m3 tại 225 vị trí sạt lở taluy dương, 475m tại 22 vị trí sạt lở taluy âm nền mặt đường, 3.500m hộ lan và công trình thoát nước tại quốc lộ 32.

Trên 95.000 m3 đất đá bị sạt lở tại tuyến đường dẫn đến trung tâm các xã; 4 cầu bị cuốn trôi, hư hỏng... Các nhà máy thủy điện: Hồ Bốn, Mường Kim, Ma Lừ Thàng bị sạt, bồi lấp bùn đất, ngừng vận hành. 132 cột điện bị gãy, đổ và có nguy cơ sạt lở, 12.500m dây điện bị đứt; 51 trạm di động BTS bị mất liên lạc và thiệt hại tài sản khác...

Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023 khoảng 420 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình có người chết, sập nhà do lũ quét ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn sau trận lũ quét xảy ra vào tháng 8/2023 tại 3 xã Hồ Bốn, Lao Chải, Khao Mang, huyện Mù Cang Chải

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình có người chết, sập nhà do lũ quét ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn sau trận lũ quét xảy ra vào tháng 8/2023 tại 3 xã Hồ Bốn, Lao Chải, Khao Mang, huyện Mù Cang Chải

Trước đó, năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 đợt thiên tai do mưa vừa, mưa to, dông kèm lốc, sét, rét đậm, rét hại và ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, 3… đã làm chết 03 người, 01 người mất tích; hư hỏng 618 căn nhà.

Thiệt hại về nông nghiệp 848,48 ha; thiệt hại 174.800 cây giống do sạt taluy, 19,9 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; trên 700 con gia súc, gia cầm bị chết.

04 điểm trường bị thiệt hại; 14 công trình thủy lợi và 01 phai tạm thủy lợi bị hư hỏng, cuốn trôi; 03 công trình công cộng bị hư hỏng; sạt lở 320m bờ kè; sạt lở 2.035m bờ sông, suối... Ước tính thiệt hại chung cả năm khoảng 161,4 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong 2 năm 2017-2018, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Văn Yên và Thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái đã làm chết, mất tích 59 người, gần 6.000 ngôi nhà bị hư hỏng và nhiều công trình hạ tầng bị ảnh hưởng…

Chú trọng phòng ngừa, chủ động ứng phó

Trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái đã kịp thời ban hành công điện, văn bản chỉ đạo để có các giải pháp phù hợp.

Trong đó, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể thường xuyên quan tâm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện trên mỗi địa bàn, mỗi lĩnh vực trong phòng ngừa, phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tuyên truyền về các loại hình thiên tai, các biện pháp phòng tránh, kỹ năng, kinh nghiệm phòng, chống. Quan tâm kiện toàn, củng cố bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp để đảm bảo năng lực chỉ huy, điều hành khi xảy ra thiên tai.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Yên Bái đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản

Để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Yên Bái đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản

Hàng năm xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai các cấp. Mua sắm trang thiết bị, vật tư, phương tiện chuyên dùng… Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền công tác phòng chống thiên tai thích ứng trong tình hình mới.

Thực hiện việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, trạm theo dõi mưa, mực nước, hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất. Cùng với đó, tập trung thực hiện khẩn trương, quyết liệt các biện pháp khắc phục; nhanh chóng thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm.

Bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực chịu ảnh hưởng; tập trung khôi phục sản xuất, hỗ trợ tái định cư, từng bước ổn định đời sống nhân dân…

Đến nay, 173 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng và cập nhật kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai hàng năm; chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.

Thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình dự án, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, dự án thủy điện nhỏ…

Đặc biệt, đầu tháng 5/2024, tỉnh đã ban hành kế hoạch số 112/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai. Mục đích nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, sẵn sàng các phương án ứng phó.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng; tạo sự đồng thuận, ý thức chủ động của nhân dân. Cổ vũ tinh thần nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong công tác phòng, chống thiên tai.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái kiểm tra các điểm sạt lở tại Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái kiểm tra các điểm sạt lở tại Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 112/KH-UBND, Sở TN&MT cũng có văn bản số 1199/STNMT-TNN, KTTV&BĐKH yêu cầu các phòng, đơn vị thuộc Sở, Phòng TN&MT các huyện, thị xã, thành phối tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2024.

Theo đó, các đơn vị cần tích cực tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống thiên tai, kiểm tra xử lý vi phạm; hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng. Chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm tại cơ quan, cộng đồng.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai sắp xếp, ổn định dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và nâng cao đời sống, hỗ trợ sản xuất cho người dân ở khu vực miền núi, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giảm thiểu những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát các quỹ đất để bố trí, sắp xếp lại dân cư, đồng thời tiếp tục bố trí các nguồn vốn xây dựng các khu tái định cư cho người dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/yen-bai-chu-trong-phong-ngua-chu-dong-ung-pho-tac-dong-cua-thien-tai-thoi-tiet-cuc-doan-431769.html