WB cảnh báo 'vết sẹo vĩnh viễn' do Covid-19
Biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao đã quét qua nhiều quốc gia, buộc các chính phủ phải áp dụng các biện pháp mới và triển khai các mũi tiêm nhắc lại.
Hơn một nửa số dân ở châu Âu dự kiến sẽ mắc Omicron tính đến tháng 3, WHO cho biết hôm 11/1, trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới cảnh báo biến thể dễ lây lan này có thể cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Hàng triệu người ở Trung Quốc đã quay lại tình hình phong tỏa, đúng hai năm sau khi Bắc Kinh báo cáo ca tử vong đầu tiên do Covid-19.
Biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao đã quét qua các quốc gia, buộc các chính phủ phải áp dụng các biện pháp mới và triển khai tiêm nhắc lại.
50 trong tổng số 53 quốc gia khu vực châu Âu của WHO đã ghi nhận biến thể Omicron xuất hiện.
Châu Âu đang là tâm điểm của những đợt bùng phát mới đáng báo động, theo đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 12/1 cho biết, Omicron có thể lây lan tới một nửa dân số khu vực với tốc độ hiện tại. Châu Âu hiện đang có số ca tử vong lớn nhất trên toàn thế giới, theo thống kê của AFP, với gần 8 triệu ca được ghi nhận trong bảy ngày qua.
Giám đốc khu vực Châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết: “Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) dự báo rằng hơn 50% dân số trong khu vực sẽ bị nhiễm Omicron trong vòng sáu đến tám tuần tới".
Khu vực châu Âu của WHO bao gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số quốc gia ở Trung Á, và Kluge cho biết 50 trong số này ghi nhận sự xuất hiện của Omicron.
Giám đốc Kluge xác nhận, Omicron dễ lây lan hơn các biến thể trước đó, nhưng nhấn mạnh "các vaccine đã được phê duyệt tiếp tục có tác dụng ngăn bệnh chuyển biến nặng và khả năng tử vong - kể cả đối với Omicron".
“Vết sẹo vĩnh viễn khi phát triển”
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc vào năm 2022 do Omicron có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động và những rắc rối trong chuỗi cung ứng.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất, tổ chức cho vay phát triển có trụ sở tại Washington đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay xuống 4,1% sau khi phục hồi 5,5% vào năm ngoái.
Chủ tịch WB David Malpass cho biết đại dịch có thể để lại "vết sẹo vĩnh viễn cho sự phát triển" khi các chỉ số nghèo đói, dinh dưỡng và y tế chệch hướng.
Cảnh báo được đưa ra đúng hai năm sau khi có ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 trên thế giới - một người đàn ông 61 tuổi ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi bệnh được phát hiện lần đầu tiên. Kể từ ngày 11/1 năm 2020, số người chết được biết đến trong đại dịch đã tăng lên gần 5,5 triệu người.
Dự báo mới nhất của WB cho thấy tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại 4,1% trong năm nay từ 5,5% vào năm 2021.
Viễn cảnh này là do các mối đe dọa từ dịch bệnh, viện trợ của chính phủ không được sử dụng và sự phục hồi ban đầu trên toàn cầu chững lại. Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
“Lực cản lớn là sự bất bình đẳng được tạo ra trong toàn hệ thống”, Chủ tịch WB David Malpass nhận định, đồng thời lưu ý rằng các nước nghèo đặc biệt dễ bị thiệt hại kinh tế do nỗ lực chống lạm phát.
"Triển vọng của các nước yếu hơn vẫn đang ngày càng tụt lại phía sau. Điều đó gây ra sự bất an."
WB cho biết vào năm 2023, hoạt động kinh tế ở tất cả các nền kinh tế tiên tiến, chẳng hạn như Mỹ, khu vực đồng Euro và Nhật Bản, có thể sẽ phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, sản lượng ở các nước đang phát triển và mới nổi dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 4% so với thời điểm tiền Covid-19.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Pháp. Ảnh: AP
Ông Malpass cũng cho rằng, các chương trình kích thích ở các quốc gia giàu nhất đã thúc đẩy lạm phát toàn cầu. Trong khi giới chức nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, hiện được cho là sẽ tăng lãi suất để kiềm chế đà tăng giá, Malpass cảnh báo chi phí đi vay tăng cao có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - đặc biệt là ở các nền kinh tế yếu hơn.
“Vấn đề của việc tăng lãi suất là làm tổn thương những người cần tiền lãi suất thả nổi ... và đó thường là các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp ở các nước đang phát triển,” ông Malpass nói.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, sự phục hồi của kinh tế thế giới sẽ bị cản trở trong năm nay, do các biến thể của virus SARS-CoV2 và giá các mặt hàng như thực phẩm và năng lượng tăng nhanh chóng đè nặng lên các hộ gia đình. Lạm phát đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008.
Sự chững lại của đà phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2021 đã lớn hơn mức dự báo của WB trong dự báo tháng 6/2021 do sự lan rộng của các biến thể Omicron và Delta. Báo cáo dự đoán "sự chững lại rõ rệt" trong năm nay và dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2023, xuống còn 3,2%.
Chiến lược tiêm tăng cường có bền vững?
Các chuyên gia y tế cho rằng vaccine là một trong những công cụ mạnh nhất hiện có để chống lại đại dịch. Song WHO hôm 11/1 cũng cảnh báo rằng việc lặp lại các liều tăng cường của vaccine Covid ban đầu không phải chiến lược khả thi để chống lại các biến thể mới xuất hiện, đồng thời kêu gọi các loại vaccine mới với tác dụng chuyên biệt.
"Chiến lược tiêm chủng dựa trên các liều nhắc lại của chế phẩm vaccine ban đầu khó có thể phù hợp hoặc bền vững", một nhóm cố vấn vaccine của WHO cho biết.
Vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine một lần nữa được cảnh báo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm 11/1, khoảng cách ngày càng gia tăng đang đe dọa sự hợp tác cần thiết để giải quyết những thách thức chung như biến đổi khí hậu.
WEF cho biết: “Tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở các nước tiêm chủng thấp hơn so với các nước tiêm chủng cao sẽ ảnh hưởng đến sự sẵn có và năng suất của người lao động, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm suy yếu tiêu dùng”.
Sự hoài nghi sâu sắc và sự phản đối vaccine tại nhiều quốc gia đã trở thành tâm điểm chú ý vào tuần trước khi Australia hủy bỏ thị thực của tay vợt hàng đầu thế giới liên quan tới các yêu cầu về tiêm chủng phòng Covid-19.
Cụ thể, ngôi sao quần vợt Novak Djokovic với tư tưởng hoài nghi về vaccine đã chiến thắng trong vụ kiện chống lại chính phủ hôm 10/1, tuy nhiên bộ trưởng nhập cư Australia có quyền hủy bỏ thị thực của ngôi sao này một lần nữa.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/wb-canh-bao-vet-seo-vinh-vien-do-covid-19.html