Vụ 100 tấn thực phẩm chức năng giả: Cục Quản lý Dược nói gì?

Liên quan vụ phát hiện 100 tấn thực phẩm chức năng giả, theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, các sản phẩm này chưa có quy định chặt chẽ như thuốc...

Thực phẩm chức năng dễ bị làm giả hơn thuốc

Công an TP. Hà Nội vừa triệt phá một ổ nhóm sản xuất thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả, thu giữ hơn 100 tấn hàng hóa giả với khoảng hơn 100 mã sản phẩm khác nhau. Thông tin về các sản phẩm trong đường dây này được bán cả ở các hiệu thuốc, bệnh viện trên toàn quốc khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương ngày 18/5, ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Ngay khi nhận được thông tin báo chí phản ánh, Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn hỏa tốc, yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh và báo cáo về vụ việc liên quan đến thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

TS.Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế

TS.Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế

Theo ông Hùng, qua đánh giá sơ bộ các hình ảnh được đăng tải về các mặt hàng của các đối tượng bị công an thu giữ, khả năng trong các sản phẩm này không có sản phẩm thuốc mà là thực phẩm chức năng.

Về lo ngại các sản phẩm vi phạm trên len lỏi vào các bệnh viện, ông Tạ Mạnh Hùng cho rằng, việc kiểm duyệt với thuốc rất khắt khe, chặt chẽ nên khó vào được nhà thuốc bệnh viện, đặc biệt là hệ thống bệnh viện công.

"Nếu là thuốc thì rất khó để lọt vào bệnh viện do quy trình đấu thầu rất chặt chẽ", lãnh đạo Cục Quản lý Dược nhấn mạnh.

Về công tác đấu thầu thuốc, ông Hùng cho biết, đang được quy định tại Thông tư 07/2024. Cụ thể, các đơn vị dự thầu phải có đầy đủ giấy tờ pháp lý, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và tên phải có trên hệ thống đấu thầu quốc gia.

Thuốc dự thầu bắt buộc phải có giấy đăng ký lưu hành, thông tin về số đăng ký, nhãn mác, hướng dẫn sử dụng và nhà sản xuất phải đồng nhất với hồ sơ đã được phê duyệt. Ngoài ra, cơ sở sản xuất cũng phải đạt chuẩn GMP - Thực hành sản xuất tốt.

Riêng với thực phẩm chức năng, ông Hùng cho biết, các sản phẩm này chưa có quy định chặt chẽ như thuốc. Bộ Y tế cũng đang cho tiến hành kiểm tra, rà soát thực tế.

Đối với thiết bị y tế, Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an kinh tế, để giám sát chặt chẽ việc lưu hành, phân phối và sử dụng trong bệnh viện.

"Việc sản xuất và buôn bán thiết bị y tế giả không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe người bệnh", ông Hùng nhấn mạnh.

"Lỗ hổng" cần bịt gấp

Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, như đường dây sản xuất hơn 100 loại thực phẩm chức năng giả hay các sản phẩm sữa, thuốc kém chất lượng.

Trước tình trạng gia tăng các vụ buôn lậu, làm giả thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, ông Tạ Mạnh Hùng cho biết, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý kéo dài một tháng, từ 15/5 đến 15/6.

Theo đó, yêu cầu "kiểm tra, xử lý nghiêm" các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, đặc biệt trong các ngành nghề có điều kiện.

Nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng giả vừa bị Công an TP. Hà Nội triệt phá, thu giữ. Ảnh: Công an TP. Hà Nội

Nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng giả vừa bị Công an TP. Hà Nội triệt phá, thu giữ. Ảnh: Công an TP. Hà Nội

Các chuyên gia, cán bộ trong ngành y tế cũng được yêu cầu cam kết không quảng bá sản phẩm khi chưa xác minh đầy đủ tính pháp lý, tránh phóng đại công dụng, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Mọi hành vi quảng cáo sai lệch sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Lãnh đạo Cục Quản lý Dược thông tin thêm, Bộ Y tế đang trong quá trình rà soát, đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 15/2018, nhằm siết chặt hơn quy trình quản lý, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Trọng tâm là nâng cao các điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, tăng cường hậu kiểm và quy trách nhiệm rõ ràng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trong cuộc trao đổi gần đây với Báo Công Thương, bà Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng đã chỉ rõ nguyên nhân, thách thức trong công tác quản lý thực phẩm chức năng và đưa ra loạt giải pháp trọng tâm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Theo bà Nga, nguyên nhân chính đến từ việc các doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, khiến nhiều sản phẩm ra thị trường mà không trải qua bất kỳ kiểm duyệt nào từ cơ quan chức năng. Thủ tục đơn giản, không mất phí càng khiến lượng sản phẩm công bố tăng đột biến, gây khó khăn lớn trong công tác quản lý.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng thừa nhận rằng, lực lượng hậu kiểm hiện nay còn mỏng, trong khi số lượng sản phẩm được công bố mỗi năm lên tới hàng chục nghìn, dẫn đến nhiều sản phẩm chất lượng kém, thậm chí giả mạo, lọt lưới kiểm soát.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ quy định siết chặt quản lý đối với việc đăng ký và tự công bố sản phẩm, cơ chế thu hồi giấy phép, tạm dừng tiếp nhận thủ tục hành chính khi doanh nghiệp chưa khắc phục sai phạm. Sau khi kiểm tra, đánh giá lại thì đăng ký lại cho doanh nghiệp đó. Đặc biệt, sẽ tăng cường hậu kiểm đột xuất để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

Trước đó, ngày 16/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Công an TP. Hà Nội cho biết, đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả quy mô lớn, thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-100-tan-thuc-pham-chuc-nang-gia-cuc-quan-ly-duoc-noi-gi-388158.html