Vẽ tranh cổ động tại chiến trường Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác tuyên truyền, động viên, cổ vũ bộ đội chiến đấu được đặc biệt chú trọng. Ngoài những số báo Quân đội nhân dân được in trực tiếp tại chiến trường đưa tin chiến thắng, hậu phương thực hiện cải cách ruộng đất, người cày có ruộng… thì tranh cổ động là một thứ 'vũ khí' tinh thần, là một phương tiện hữu hiệu để truyền tải thông điệp.

Những họa sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã thống nhất chọn hình ảnh lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay, các chiến sĩ xông lên tiêu diệt quân địch làm biểu tượng. Các khẩu hiệu hành động được trích từ thư, nhật lệnh, lệnh động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng -Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ: “Quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ” được chọn là chủ đề chủ đạo. Với đường nét chắc khỏe, màu sắc tươi sáng, những dòng chữ trên tranh cô đọng dễ hiểu, thông tin tập trung, gây ấn tượng mạnh tác động đến suy nghĩ, tình cảm, tinh thần của bộ đội đang ngày đêm chiến đấu.

Các bức tranh cổ động được đưa đến tận tay bộ đội, dán ở vách chiến hào, hầm chiến đấu đã mang đến không khí vô cùng sôi động, khích lệ tinh thần, động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn gian khổ, quán triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Những bức tranh cổ động của họa sĩ Nguyễn Bích được sáng tác, in và phát hành ngay trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Trong số các họa sĩ tham gia chiến dịch, có một họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động là Nguyễn Bích. Ông sinh ngày 26 tháng 3 năm 1925, tại Thanh Hóa. Chưa một ngày được đào tạo qua trường mỹ thuật, Nguyễn Bích tự học vẽ và trưởng thành từ thực tiễn cuộc sống cùng với bộ đội qua các trận chiến đấu một mất một còn, giành giật từng mét chiến hào với kẻ địch ngoài mặt trận. Nguồn cảm hứng vô tận của Nguyễn Bích chính là hình ảnh các chiến sĩ trong chiến đấu, khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh quên mình vì nền độc lập và tự do của Tổ quốc.

Trên chiến trường Điện Biên Phủ, họa sĩ Nguyễn Bích đã để lại dấu ấn không thể nào quên. Những bức tranh cổ động của ông luôn kịp thời và sắc bén, vừa động viên tinh thần bộ đội vừa cụ thể hóa những diễn biến của chiến cuộc.

Trên 33 số báo Quân đội được ra đời ngay tại chiến trường Điện Biên Phủ, có những số báo đã in tranh của họa sĩ Nguyễn Bích như một bức phụ bản màu, kín hết cả một trang báo. Đó là số báo ra ngày 5/3/1954 với hình ảnh hai chiến sĩ phất cao lá cờ quyết chiến quyết thắng có lồng hình Hồ Chủ tịch, phía sau là đoàn quân trùng điệp kéo pháo, ôm súng giương lê lao vào đồn địch… Trong một không gian hẹp, bức tranh với nhiều chi tiết, nhiều nhân vật, có tới cả mấy chục người và xe cộ, súng pháo, máy bay, xe tăng… nhưng tranh của Nguyễn Bích không hề bị rối mà vô cùng sống động, phản ánh đúng hiện thực đang diễn ra.

Và không chỉ một loại hình tranh cổ động, tranh thời sự châm biếm của họa sĩ Nguyễn Bích cũng sắc bén và luôn cụ thể hóa những diễn biến, những nước cờ của cuộc chiến. Số báo Quân đội ra ngày 3-3- 1954 có bức biếm họa về tình trạng quân địch ở Điện Biên. Tranh vẽ tướng Navarre bị ta bóp cổ đằng đầu, đằng chân sa lầy dính chông … Dưới bức tranh, còn có cả 6 câu thơ châm biếm: “Dơ dáng thay phận Na va/Nghề rằng bị động vẫn là nghề chung/ Lực lượng phân tán lung tung/ Bắc, Nam sơ hở, Lào, Trung ốm đòn/ Thì con còn khóc chi con/ Tài ba thao lược về vườn mất thôi”.

Đặc biệt, trên số báo cuối cùng ngày 16/5/1954 trên chiến trường Điện Biên Phủ đã in một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Bích mang tính biểu tượng rất cao. Tranh vẽ chiến sĩ Điện Biên nét mặt rạng ngời, một tay phất cao lá cờ quyết chiến quyết thắng, một tay ôm súng, phía sau là đồng bào, nhân dân đang hoan nghênh các chiến sĩ anh dũng cùng những lá cờ tung bay. Có một chi tiết đầy ý nghĩa là con chim bồ câu trắng, biểu tượng của hòa bình đậu trên vai người lính. Đó là khát vọng cháy bỏng của người lính cầm súng và cũng là mục đích chính nghĩa của cuộc chiến…

Vậy là trong suốt những tháng ngày “ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, sống và chiến đấu cùng bộ đội, họa sĩ Nguyễn Bích đã thực hiện chỉ đạo của cấp trên, hoàn thành xuất sắc vai trò cổ động chiến trường, dùng tranh xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội.

Tranh của ông đã vượt lên mô tip cổ động chính trị thuần túy, có phong cách nghệ thuật rất cao, ngay giới hội họa phương Tây cũng phải ngưỡng mộ.

Những ngày tháng tại mặt trận, để kịp có những bức tranh in và phát hành theo các số báo, Nguyễn Bích miệt mài vẽ phác họa. Phác họa xong ông cắt gỗ rừng, chạm khắc từng nét làm bản khắc. Ngày không xong thì ông làm đêm. Đèn thắp sáng là đèn tự tạo làm bằng hộp sắt, ống bơ được cắt, gò che chắn một cách khéo léo để chỉ đủ ánh sáng làm việc, không để lọt ra ngoài. Hoàn tất bản khắc, ông bắt đầu chọn chất liệu in. Giấy in chủ yếu là giấy giang, giấy dó. Mực màu dùng để in chỉ có phẩm đỏ, xanh, vàng và mực đen. Ông quét mực lên bản khắc gỗ rồi đặt lên giấy in. Số bản phát hành tới tận tay bộ đội đang ngày đêm chiến đấu trên chiến trường không biết bao nhiêu mà kể. Có nhiều khi thiếu giấy, để kịp thời đưa tranh đến tay bộ đội thật nhanh, ông đã in tranh của mình lên những mảnh dù chiến lợi phẩm. Những cánh dù trắng, dù xanh của kẻ địch dùng để thả hàng cứu trợ nay được in tranh lên lại càng có sức mạnh động viên bộ đội tại mặt trận Điện Biên Phủ, ở những thời khắc gay go và quyết liệt nhất.

Trong số hàng ngàn, hàng vạn bản tranh cổ động được phát hành trên chiến trường Điện Biên Phủ, một số bức in trên các chất liệu giấy giang, giấy dó và dù hiện được đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Những bức tranh này đã trở thành những hiện vật vô giá không chỉ mang giá trị về mặt lịch sử mà còn là các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, là sản phẩm của văn hóa tinh thần được sáng tạo trong chiến đấu.

*Theo “Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên” - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Minh Khôi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/ve-tranh-co-dong-tai-chien-truong-dien-bien-phu-i729687/