Về một bài thơ của Hoàng Đăng Khoa - Rong rêu phong kín phận người

Bài thơ 'Rong rêu' được Hoàng Đăng Khoa viết năm 2007, in trong tập thơ 'Khát vọng mùa'. Đây không phải là bài thơ của Khoa mà tôi thích nhất, đặc biệt là khi tôi đọc được những bài thơ lẻ gần đây của anh, nhưng không hiểu sao tôi cứ muốn viết gì đó về nó.

Rong rêu

Hoàng Đăng Khoa

Gõ bàn phím màn hình hiển thị mỗi chữ buồn
Tuổi như những sân ga hoang hoải phía sau lưng
Tàu đời vé khứ hồi ai bán

Cuộc sống mỗi người không sách nào dạy nổi
Đôi khi lạc loài giữa ấm áp người thân
Khát khô hồn khát gì không biết nữa
Ta trừu tượng hơn mọi thứ trên đời

Có gì ngẫu nhiên hơn sự ra đời của mỗi con người
Mọi cuộc người giống nhau chữ khổ
Đời may ra ý nghĩa
Mỗi khi quên đời mơ em

Năm mới thoáng chốc thành năm cũ
Niềm mơ này rồi cũng rong rêu…

Nhà thơ Hoàng Đăng Khoa.

Lời bình:

Bài thơ "Rong rêu" được Hoàng Đăng Khoa viết năm 2007, in trong tập thơ "Khát vọng mùa". Đây không phải là bài thơ của Khoa mà tôi thích nhất, đặc biệt là khi tôi đọc được những bài thơ lẻ gần đây của anh, nhưng không hiểu sao tôi cứ muốn viết gì đó về nó.

Gõ bàn phím màn hình hiển thị mỗi chữ buồn/ Tuổi như những sân ga hoang hoải phía sau lưng/ Tàu đời vé khứ hồi ai bán”. Khi những ký tự bắt đầu, là lúc bàn phím chụp ảnh tâm hồn thi sĩ, vỏn vẹn một chữ “buồn”. Cũng có khi, buồn vón cục làm tắc mạch chữ, hoặc chữ bất lực trong việc làm rã đông cái buồn nguyên khối kia. Buồn là luôn luôn, còn câu chữ chảy tuôn chỉ là thi thoảng, đó là cơ chế sáng tạo của người nghệ sĩ.

Trong nhiều tiểu luận của mình, Khoa gọi chữ là thứ "lộc giời" nhiều khi nằm ngoài cưỡng cầu của người viết. Câu chữ tạm thời "đi vắng", khi gốc cây đời người, thời gian cứ vun đầy lên tuổi. Thời gian một đi không trở lại, mặc kệ người buồn hay vui, câu chữ thông mạch hay tắc mạch. Thế giới là những file buồn chất ngất của những phím lệnh, icon lập trình sẵn. Màn hình vô hồn. Đâu là đích thực những tiếng hồn truyền phát và những tiếng hồn vọng đáp?

"Cuộc sống mỗi người không sách nào dạy nổi". Sách giúp ta trườn ra khỏi bóng tối dã thú, dẫu có đọc thiên kinh vạn quyển cũng chẳng thể sáng người hơn những trải nghiệm tự thân. Có cuốn sách nào dạy ta trọn vẹn đủ đầy về cuộc sống? Sống mới khó làm sao! Mỗi người một số phận. Không có cuốn sách "dạy sống" nào có thể áp dụng chung cho hai người… Có ai đến tận cùng cõi người mà tự tại nhận mình đã tới chân trời?

Đi để đến, tìm mà được hiểu. Chân trời tít tắp mù xa. Đôi khi ta sống giữa gia đình mà "không gia đình", trở nên “lạc loài giữa ấm áp người thân”, bởi không nhận được sự thông hiểu. Người thơ thì mong manh dễ vỡ, yếu đuối đến tham lam. Trong khi thế giới là tập hợp của những mảnh vỡ, giữa chúng khó có sự gắn kết, lắng nghe, thấu hiểu. Làm sao đòi hỏi người khác hiểu ta, trong khi chính ta cũng bất lực trong việc tự giải mật mình: "Khát khô hồn khát gì không biết nữa/ Ta trừu tượng hơn mọi thứ trên đời”.

Mỗi cá thể có mặt nơi cuộc thế đều là một mảnh ghép, chứa một phần lịch sử, dù bình thường hay vĩ đại đều vừa vặn với số mệnh của mình. Hạnh phúc giống nhau nhưng bất hạnh lại mang khuôn mặt khác. Đi qua trùng trùng ngẫu nhiên mới hữu duyên đặt chân tới cõi người, nhưng bàn chân lại ướm khít với nỗi khổ. Nhưng ai có đủ dũng cảm để chối từ sinh mệnh? “Có gì ngẫu nhiên hơn sự ra đời của mỗi con người/ Mọi cuộc người giống nhau chữ khổ/ Đời may ra ý nghĩa/ Mỗi khi quên đời mơ em". Sinh ra là ngẫu nhiên, phải đi hết kiếp nạn là tất yếu. Đời cơ bản là vô nghĩa. Thứ có nghĩa nhất may ra là tình yêu. Tình yêu hóa giải bi kịch, kích hoạt nhân tính, hòa giải nhân tình.

Chúng ta thường chúc nhau an lành. Tuy nhiên, bất ổn bất an lại là bản chất cố hữu của tình thế làm người. Tình yêu đầy rẫy thử thách, giông bão, thậm chí là cái chết. Nhưng, sự bí ẩn và bất ngờ của tình yêu luôn là thứ hấp dẫn, để thức tỉnh khao khát dấn thân, từ bỏ lựa chọn một cuộc đời nhợt nhạt, bằng phẳng.

Hoàng Đăng Khoa viết "Rong rêu" khi vừa chạm ngõ tam thập, vừa mới vào đời, nhưng hai câu cuối bài thơ đã như là một sự trót đời: “Năm mới thoáng chốc thành năm cũ/ Niềm mơ này rồi cũng rong rêu”. Tình yêu không nằm ngoài quy luật vô thường, dẫu lâu bền hay thoáng chốc, vẫn là thứ kỳ diệu nhất "trời bù" cho con người. "Chẳng có gì ngẫu nhiên hơn sự ra đời của mỗi con người", vậy mà giữa muôn triệu con người hờ hững giữa cõi nhân gian hỗn độn này, có những cặp người cùng tần sóng, chạm giao nhau, phát sáng nhau, chẳng phải là kỳ duyên hay sao? Dẫu duyên tụ rồi tan, nhưng "rong rêu" không triệt tiêu mà là niêm phong cất giữ nó. Tình yêu là vật chứng trước thời gian. Mà, niềm-mơ-em trong ngữ cảnh bài thơ này còn được hiểu là khát vọng nghệ thuật.

Một nhà thơ đã viết: "Gắng ngồi viết cạn bài thơ/ bài thơ rồi cũng hư vô như mình". Rồi mọi thứ, thời gian sẽ “rong rêu”. Rong rêu không chỉ vùi lấp mà còn niêm cất những gì được chắt rỉ ra từ cõi nhân sinh hoang lạnh mà ấm áp.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ve-mot-bai-tho-cua-hoang-dang-khoa-rong-reu-phong-kin-phan-nguoi-i665972/