Chuyện tình đẹp như cổ tích giúp đôi vợ chồng vượt qua 'bóng đêm số phận'

Nhiều năm qua, chuyện tình của ông Bùi Doãn Thụ (73 tuổi) và bà Trịnh Thị Mai (71 tuổi), được người dân nơi đây ví von là cổ tích giữa đời thường.

Hai vợ chồng ông Thụ gia công chổi, để mang ra chợ bán.

Hai vợ chồng ông Thụ gia công chổi, để mang ra chợ bán.

Người dân ở phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội ví chuyện tình của ông Bùi Doãn Thụ (73 tuổi) và bà Trịnh Thị Mai (71 tuổi) như cổ tích giữa đời thường. Họ cảm phục, xúc động trước tình yêu thương mà cả cặp vợ chồng này trao cho nhau.

“Anh phải cưới em đấy nhé!”

Năm 3 tuổi, ông Thụ mắc bệnh sởi bị chuyển biến nặng khiến đôi mắt mờ dần. Dù gia đình dốc sức chạy chữa nhưng tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm. Qua từng năm, đôi mắt ông không còn nhìn thấy gì nữa. Năm lên 18 tuổi, ông được gia đình đăng ký sinh hoạt tại câu lạc bộ người khiếm thị.

Còn bà Mai, năm 22 tuổi, sau một trận ốm hai mắt bà cũng không nhìn thấy gì. Đến bệnh viện, bà được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7, hỏng võng mạc tận bên trong đáy mắt. Sau này, dù đã trải qua 3 - 4 lần phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Trung ương nhưng thị lực của bà vẫn không thể cứu vãn được. Qua lời giới thiệu của người quen, bà Mai đến sinh hoạt tại câu lạc bộ khiếm thị.

Cũng tại đây, ông Thụ chủ động kết bạn với bà Mai rồi tìm hiểu, hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình nhau. “Anh/em ở đâu?” là câu hỏi mộc mạc đầu tiên hai ông bà nói với nhau, mở ra một câu chuyện tình đẹp và đáng ngưỡng mộ.

Không hẹn hò lãng mạn, không hoa, không quà, ông Thụ cứ dắt tay bà Mai, chống thêm cái gậy đi cùng nhau khắp phố phường Hà Nội...

Hơn 1 năm quen nhau, lúc này bà Mai đã có tình cảm với ông Thụ, nhưng mãi không thấy ông Thụ ngỏ ý về chuyện ràng buộc tình cảm, bà Mai mới nói: “Nếu anh xác định hôn nhân, thì về nói chuyện với bố mẹ em. Còn không, chúng ta vẫn là bạn, em còn tính đi hướng khác”.

Thụ vốn ít nói, lại không giỏi thể hiện tình cảm, càng không biết cách “tán gái”, khi nghe bà Mai nói vậy, ông lúng túng một hồi lâu rồi quay sang ôm chặt lấy bà Mai. Lúc sau bà Mai đẩy ông Thụ ra rồi nói “anh phải cưới em đấy nhé”. Dù không có một lời tỏ tình chính thức nào, nhưng bà Mai thấu hiểu được sự chân thành của người đàn ông này.

Ông Thụ, bà Mai được tổ chức đám cưới tập thể cùng các cặp đôi khiếm thị khác, do một tổ chức từ thiện tài trợ.

Ông Thụ, bà Mai được tổ chức đám cưới tập thể cùng các cặp đôi khiếm thị khác, do một tổ chức từ thiện tài trợ.

Hôm sau, ông Thụ xuống nhà bà Mai thưa chuyện, nhưng hai bên gia đình không muốn tác hợp cho họ, chuyện tình rơi vào những rào cản khó khăn.

Mẹ bà Mai xót phận con gái vốn đã mù, giờ mà lại lấy người mù nữa thì cuộc sống sau này sẽ vất vả gấp bội lần. Biết được bố mẹ bà Mai không thích mình, nên ngày nào ông Thụ cũng đến để bày tỏ sự chân thành. Nước chảy đá mềm, sau rồi bố mẹ bà Mai cũng đồng ý.

“Có lần tôi xuống nhà bà Mai thì gặp một thanh niên khác (cũng bị mù) được gia đình đưa đến để giới thiệu cho bà Mai, nhưng khi gia đình kia thấy tôi với bà Mai gần gũi và nói chuyện thân thiết quá nên họ đã tự rút lui. Nếu hồi đó tôi không kiên trì thì có lẽ giờ bà Mai đã là vợ người ta rồi”, vừa nói ông Thụ vừa quay sang cầm tay vợ rồi nở nụ cười tươi rói.

“Lúc nhỏ tôi mặc cảm, tự ti mất hết niềm tin vào cuộc sống, sống khép kín, thu mình trong vỏ bọc. Đến khi trưởng thành, bản thân tôi chưa bao giờ dám nghĩ sẽ yêu ai và có một ai đó chấp nhận lấy một người mù như tôi”, ông Thụ khẽ khàng tâm sự.

Cam kết tự làm chủ cuộc đời mình

Trong thâm tâm, bà Mai hình dung người yêu mình khỏe mạnh, hiền lành và chịu khó, lại xuất thân từ gia đình nề nếp, nên sẵn lòng “trao thân gửi phận”. Dù có nhiều người thầm thích, nhưng bà Mai vẫn chọn ông Thụ là bến đỗ cuối cùng để gắn bó.

Tình yêu 4 - 5 năm bền bỉ cuối cùng đã đơm hoa kết trái bằng một đám cưới giản đơn vào năm 1983. Vài người đại diện hai gia đình, đón đưa dâu bằng xe buýt. Không hoa, không ảnh cưới, chỉ có mỗi bánh pháo để lúc cô dâu về nhà chồng đốt cho tưng bừng. Cả hai cùng mặc sơ mi trắng, nắm tay nhau bước vào lễ đường. Bà Mai nghẹn ngào hứa với mẹ “Từ nay sướng khổ, con sẽ tự chịu”.

Về chung nhà, hai vợ chồng chịu khó làm ăn, mưu sinh bằng nhiều nghề như làm tăm, làm nhựa, bán chổi theo chương trình của Hội người mù. Mỗi tháng, hai ông bà kiếm lãi được mấy chục nghìn, đưa cho mẹ chồng đong gạo. Bên nhau gần 40 năm, cặp vợ chồng vẫn xưng “anh – em” ngọt ngào.

Tuy vậy cuộc sống của vợ chồng cũng có lúc “cái bát va nhau”. Những lúc ấy, bà Mai thường là người nhún nhường, mềm mỏng xuống nước trước. Bà hiểu, vợ chồng nào cũng có lúc cơm không lành, canh không ngọt, điều quan trọng là phải biết cách cư xử sao cho cuộc sống nhẹ nhàng, để tiếp tục thắp ngọn lửa hạnh phúc sau mỗi lần hờn dỗi.

Năm 1986, bà Mai sinh con gái và đặt tên là Bùi Thị Thu Thủy. Do không có điều kiện kinh tế và khả năng chăm sóc trẻ thơ bị hạn chế, hai ông bà quyết định không sinh thêm. Sau sinh, bà về nhà mẹ đẻ ở 1 - 2 tháng để chăm con cứng cáp hơn. Cứ cách 1 - 2 tuần, ông Thụ lại bắt xe buýt từ An Dương xuống Hà Đông thăm vợ con cho vơi bớt nỗi nhớ nhung.

“Ngày đó tôi vẫn bế ẵm và cho con ăn uống được. Làm dâu mấy chục năm nay nhưng tôi vẫn cơm nước, đi chợ lo nấu ăn cho gia đình nhà chồng đủ đầy. Mọi vật dụng trong nhà được tôi cất gọn gàng, thuộc lòng vị trí nên rất dễ lấy sử dụng”, bà Mai kể.

Khi Thủy lớn lên, bà Mai là người đi họp phụ huynh, nghe cô giáo khen con gái thông minh, học giỏi, bà hạnh phúc vô cùng, đi khoe khắp xóm. Chị Thủy sau này học trung cấp, rồi tốt nghiệp cao đẳng kế toán, hiện có công việc ổn định tại một nhà sách. Chị kết hôn và có hai con (1 trai, 1 gái) dọn về sống cùng bố mẹ tại phố An Dương.

“Cuộc sống của tôi từ bé rất thiệt thòi, không được bố mẹ chở đi chơi, ngày lễ cũng không có quà. Nhưng chính những điều thiệt thòi đó giúp tôi trưởng thành hơn, có ý thức và trách nhiệm với bố mẹ”, chị Thủy nói và cho biết, rất ngưỡng mộ và nể phục tình yêu lẫn tinh thần vượt khó của bố mẹ.

Dù cuộc sống vất vả, hai ông bà vẫn luôn vì con vì cháu, giữ gìn sức khỏe và tự kiếm tiền, hạn chế phiền hà, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống các con.

Với người bình thường thì việc nội trợ, chăm con đã khó và vất rồi nhưng với một người khiếm thị như bà Mai thì công việc trên càng khó gấp bội lần nhưng bà vẫn vui vẻ vượt qua.

Dù chưa từng nhìn thấy nhau, nhưng ông Thụ, bà Mai vẫn gắn bó sắt son, hạnh phúc suốt mấy chục năm qua.

Dù chưa từng nhìn thấy nhau, nhưng ông Thụ, bà Mai vẫn gắn bó sắt son, hạnh phúc suốt mấy chục năm qua.

Không phụ thuộc vào con cái

Chị Thủy nhớ lại hồi Tết Nguyên đán, bố mẹ đều mắc Covid-19, riêng mẹ chị bị nặng, phải đưa đi bệnh viện điều trị. Bất chấp nguy cơ lây nhiễm, chị xin vào bệnh viện chăm mẹ. Suốt nửa tháng, chị như người “điều dưỡng”, tận tụy nâng giấc chăm sóc mẹ.

Tuy vất vả, nhưng chị Thủy nói “việc tôi làm chưa thấm gì so với nỗi nhọc nhằn của bố mẹ. Cả cuộc đời bố mẹ đã dành những thứ tốt đẹp nhất cho tôi. Bây giờ, là lúc mẹ cần mình, tôi chấp nhận đánh đổi tất cả”.

Ông Thụ làm và bán chổi đót được 30 năm. Ngày trước, ông đẩy xe nhỏ đi bán, mò mẫm đến tận chợ Đồng Xuân, Hồ Gươm rồi dạo quanh 36 phố phường. Nhiều năm qua, do tuổi cao, ông chuyển về bán tại ngã ba chợ Yên Phụ gần nhà, khách hàng chủ yếu là người dân trong xóm.

Trước đây, bà Mai cũng theo chồng đi bán, người dân Yên Phụ đã quen với hình ảnh hai vợ chồng mù cầm tay nhau, chống gậy đi bán chổi. 3 năm qua, bà bị đau nhức khớp gối, đành chỉ ở nhà làm chổi và lo cơm nước cho gia đình.

“Chúng tôi chỉ muốn bán hàng, không nhằm mục đích kêu gọi ủng hộ từ thiện. Trên thực tế, có nhiều người khổ hơn chúng tôi nhiều. Vợ chồng tuy tàn tật nhưng vẫn còn sức lao động, làm ra những sản phẩm chất lượng, không ỷ lại”, bà Mai khẳng định.

Chị Bùi Thị Thu Thủy nhận về một số ý kiến chỉ trích “để bố mẹ già lang thang kiếm sống” sau khi chia sẻ câu chuyện gia đình mình. Chị kể, dù nhiều lần mong muốn bố mẹ ở nhà, duy trì lượng khách ổn định mua hàng online, nhưng ông bà không đồng ý.

Hàng ngày bà Mai ở nhà chuẩn bị cơm nước cho gia đình.

Hàng ngày bà Mai ở nhà chuẩn bị cơm nước cho gia đình.

Hàng ngày ông Thụ đi bán chổi ở khu vực chợ Yên Phụ.

Hàng ngày ông Thụ đi bán chổi ở khu vực chợ Yên Phụ.

“Bố mẹ tôi rất tự chủ, không muốn phụ thuộc vào con cái. Ông bà bị khiếm thị nên khát khao được ra ngoài giao lưu và tiếp xúc với mọi người. Đặc biệt, khi kiếm ra tiền, dù chỉ lãi 10.000 đồng, bố mẹ cũng rất vui vẻ và suy nghĩ tích cực”, chị Thủy nói.

Một số người khác ngỏ ý gửi tiền ủng hộ gia đình nhưng chị Thủy đều cảm ơn và từ chối, chỉ mong muốn giúp bố mẹ tiêu thụ sản phẩm tâm huyết.

“Chúng tôi không nhận tiền từ thiện, chỉ bán hàng thôi. Tôi mong sản phẩm của bố mẹ chất lượng, thành một nhãn hàng được nhiều người biết đến”, chị Thủy phân trần.

“Chúng tôi là những người khuyết tật trong xã hội, không đóng góp cho cộng đồng, nhưng may mắn được quan tâm và nhận trợ cấp. Chúng tôi luôn biết ơn và không đòi hỏi gì, bởi biết rằng có nhiều người còn khó khăn hơn, vì thế mình càng phải không ngừng cố gắng”, bà Mai bộc bạch.

Chia tay đôi vợ chồng đặc biệt này, chúng tôi thầm khâm phục nghị lực phi thường của họ. Vượt lên định mệnh khắc nghiệt, họ đến với bên nhau bằng tình yêu thương chân thành, vững vàng vượt qua chông gai, gian truân để sưởi ấm đời nhau bằng niềm tin và hạnh phúc.

Bảo Hân - Long Nghĩa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-tinh-dep-nhu-co-tich-giup-doi-vo-chong-vuot-qua-bong-dem-so-phan-post683366.html