Từ vụ Quang Linh, Hằng Du Mục…, nhức nhối quảng cáo sai sự thật

Các ĐBQH cho rằng những vụ việc như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và gần đây là 'lòng xe điếu' cho thấy mức độ lan rộng và phức tạp của vấn đề quảng cáo không đúng sự thật.

Sáng 10.5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nêu rõ, thực tế thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp người dẫn chương trình, biên tập viên nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng, trong đó có cả vụ việc sữa giả khiến dư luận bức xúc.

Nữ đại biểu cũng dẫn chứng những vụ việc cụ thể như quảng cáo kẹo rau củ của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, và gần đây là vụ việc về lòng xe điếu, cho thấy mức độ lan rộng và phức tạp của vấn đề quảng cáo không đúng sự thật.

Từ những trường hợp trên, đại biểu Hằng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo nhằm ngăn chặn hiệu quả hành vi lợi dụng sự nổi tiếng để quảng bá sai lệch.

Bà Hằng đề nghị phải rà soát, đánh giá lại toàn diện những bất cập hiện hành, bịt các lỗ hổng pháp lý đang tồn tại và đưa ra các chế tài mạnh mẽ hơn trong cả xử phạt hành chính và quy định hình sự.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông)

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông)

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Quốc phòng, an ninh và đối ngoại cho biết nhóm đối tượng gây nhiều vướng mắc hiện nay trong lĩnh vực quảng cáo là những “người có ảnh hưởng” (influencers). Ngoài nhóm có chuyên môn, năng lực rõ ràng, ông An nhấn mạnh còn tồn tại một bộ phận chủ yếu gây chú ý bằng hình thức như thi hoa hậu, làm người mẫu, ca sĩ, diễn viên hoặc tạo scandal trên mạng xã hội.

Theo ông An, nhiều người nổi tiếng hiện nay tham gia quảng cáo sản phẩm mà hoàn toàn không có hiểu biết chuyên môn, chỉ dựa vào danh tiếng để tạo lòng tin với công chúng. Thực trạng này tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng, nhất là khi sản phẩm quảng cáo ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Theo đó, ông An kiến nghị chỉ những người có chuyên môn và hiểu biết thực sự về sản phẩm mới nên được phép thực hiện vai trò người chuyển tải quảng cáo.

Dự thảo luật hiện hành đã đưa vào khái niệm “người chuyển tải quảng cáo”, bao gồm cả “người có ảnh hưởng”. Tuy nhiên, ông An cho rằng phần định nghĩa này vẫn còn mơ hồ, cần được làm rõ để dễ dàng áp dụng và giám sát trong thực tiễn.

Ngoài ra, ông An cũng lưu ý rằng trong dự thảo luật, số lượng quyền của người chuyển tải quảng cáo được đề cập rất ít, chỉ gồm hai quyền cơ bản, trong khi nghĩa vụ lại quá nhiều và một số vẫn còn chung chung chẳng hạn như “nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Điều này vừa gây khó khăn trong thực thi, vừa khiến người có ảnh hưởng chịu rủi ro pháp lý lớn hơn khi tham gia quảng cáo.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Quốc phòng, an ninh và đối ngoại

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Quốc phòng, an ninh và đối ngoại

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị có chế tài xử lý nghiêm đối với các trang tin điện tử đăng tải quảng cáo sai sự thật, không đúng theo công dụng, nội dung của sản phẩm, những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng.

Đại biểu Thu dẫn chứng các vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả bị phát hiện vừa qua cho thấy các công ty này đều có các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm. Thực tế các sản phẩm ấy qua điều tra, kiểm định của cơ quan công an lại được xác định là hàng giả.

Đại biểu Thu đặt vấn đề việc yêu cầu người quảng cáo, nhất là các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên có trách nhiệm kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa có thực sự khả thi?

Bà Thu cũng nêu rõ việc yêu cầu người quảng cáo thông báo trước về hoạt động quảng cáo cần được quy định rõ ràng, ví dụ như công khai trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, hoặc YouTube.

Về cơ chế bồi thường quảng cáo sai của người chuyển tải quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng, đại biểu Thu cho rằng cần quy định rõ hơn, có thể bổ sung thêm nghĩa vụ, phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.

Bà Thu dẫn ví dụ, tại Mỹ, Ủy ban Thương mại liên bang yêu cầu người nổi tiếng phải tiết lộ rõ ràng mối quan hệ tài chính với thương hiệu khi quảng cáo sản phẩm. Quảng cáo phải trung thực, không gây hiểu lầm về hiệu quả hoặc tính năng của sản phẩm.

Hàn Quốc cấm quảng cáo trá hình trên mạng xã hội, nếu vi phạm có thể bị phạt tối đa 2% doanh thu quảng cáo hoặc tối đa 500 triệu won (gần 9 tỉ đồng). Năm 2022, nước này bổ sung quy định cấm nghệ sĩ làm gương mặt đại diện cho các hãng rượu để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

Theo quy định ở nhiều nước, nếu người nổi tiếng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thẩm định hợp lý, dựa trên giấy tờ, hồ sơ pháp lý do doanh nghiệp cung cấp... thì họ không bị xem là cố tình quảng cáo gian dối, mà chủ doanh nghiệp/sản xuất sẽ chịu trách nhiệm chính.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tu-vu-quang-linh-hang-du-muc-nhuc-nhoi-quang-cao-sai-su-that-232437.html