Từ vụ mất phanh khi đổ đèo ở Tam Đảo: Xử lý ra sao và nên chọn xe tay ga nào để đi đường đèo?

Những người có kinh nghiệm chia sẻ: 'Khi bị mất phanh, người lái xe cần lên ga nhẹ, lá côn bám vào thì xe sẽ được động cơ hãm lại'.

Chiều 29-5 trên đèo Tam Đảo, video về một gia đình đang sử dụng chiếc Honda SH nhưng bị mất phanh khi đổ đèo đã khiến nhiều người hoang mang. Rất may, chiếc xe đã được sử hỗ trợ của một người đàn ông đi trên đường giữ lại đúng nhịp và an toàn.

Xử lý khi xe mất phanh

Trước tình huống đó, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, khi bị mất phanh phải xử lý thế nào và tại sao xe tay ga không quá cũ mà lại xảy ra tình trạng đó.

Trường hợp mất phanh đã khiến cho nhiều người một phen hoảng hồn. (Ảnh cắt từ clip trên MXH)

Chia sẻ trên diễn đàn ô tô, xe máy, chị Phạm Thi Anh Vân đặt câu hỏi: “Trường hợp mà mất phanh như thế thì nên làm gì cho an toàn vậy mọi người?”.

Anh Bùi Văn Cường chia sẻ: “Khi bị mất phanh, người lái xe cần lên ga nhẹ, lá côn bám vào thì xe sẽ được động cơ hãm lại”.

Cùng quan điểm, anh Vũ Tiến Vinh cho biết: “Xe ga không nên đổ dốc vì không có số để hãm xe lại. Nếu chỉ dùng phanh và phanh liên tục thì phanh sẽ cháy và trơ, mất tác dụng. Đi xe tay ga đổ đèo mà không có kỹ năng là nguy hiểm lắm”.

Anh Nguyễn Thắng cũng cho biết: “Đổ đèo xe tay ga tuyệt đối phải giữ ga nhỏ, không được nhả hết thì sẽ ghì xe lại bằng động cơ như xe số. Lỡ không may mất phanh như trường hợp trên, người lái xe nên ga lên 1 chút là bám côn, xe giảm tốc bằng động cơ. Xe sẽ không trôi quá nhanh để có thể xử lí được”.

Một ý kiến khác cho rằng: Chỉ cần tắt chế độ Idling Stop đi là được. Nếu không tắt thì khi đổ đèo xe tự động tắt máy khi không ga, do đó xe thả trôi do không có lực hãm của động cơ. Đặc biệt, lái xe lưu ý, khi đổ đèo mà sử dụng nhiều phanh có thể gây cháy phanh.

Nên chọn xe tay ga nào để đi đường đèo?

Hiện nay, nhiều bạn trẻ có lựa chọn hình thức phượt xe máy đi du lịch hơn việc chen chúc tại các bến xe, ga tàu hay sân bay. Với khoảng cách từ 200-400 km, người lái xe có thể đi một mình hoặc cùng bạn đồng hành trên các cung đường. Tuy nhiên, để an toàn trên mỗi cung đường mình đi, các lái xe cần tích lũy kinh nghiệm chạy đường dài, đặc biết với xe tay ga và lựa chọn chiếc xe phù hợp.

Mỗi loại xe di chuyển đường dài đều có những ưu nhược điểm của nó, vì vậy chọn xe tay ga để phù hợp khi đi phượt cũng cần biết một số đặc điểm. Cụ thể, xe tay ga thường có ưu điểm với cốp xe rộng hơn, để được nhiều đồ đạc hơn. Khu vực phía trước của xe ga cũng rộng rãi hơn giúp bạn mang thêm được hành lý.

Khi sử dụng xe tay ga để phượt đường dài, lái xe cần tích lũy kinh nghiệm đổ đèo. Ảnh: ST

Bên cạnh đó, việc điều khiển xe cũng thuận tiện hơn vì người lái không cần phải lo tới lên số, về số, chỉ việc vặn ga và chạy. Nó càng phù hợp với những cung đường đèo, nhưng không có dốc. Ngoài ra, các mẫu xe tay ga với phanh kết hợp CBS, hoặc cao cấp hơn là chống bó cứng phanh ABS, sẽ giúp bạn an toàn hơn trong các tình huống phanh gấp.

Dù vậy, xe tay ga cũng có những nhược điểm khi xe leo đèo hoặc đổ đèo. Xe tay ga không có cấp số nên bạn sẽ cần dùng phanh nhiều hơn khi đổ đèo, dễ dẫn đến mất phanh nếu bạn quá lạm dụng. Động cơ của xe tay ga cũng nhanh nóng hơn nếu phải vận hành khắc nghiệt như leo đèo.

Nhưng người lái xe có thể lưu ý để khắc phục điều này, chủ xe nên để xe nghỉ ngơi nhiều hơn để động cơ được làm nguội khi leo đèo, đồng thời chạy với tốc độ hợp lý, tránh sử dụng phanh liên tục khi đổ đèo.

Một số mẫu xe tay ga thịnh hành hiện nay có thể phượt đường dài tốt như Honda Air Blade, Yamaha Freego đều có ABS cho bánh trước. Hoặc xe nhập khẩu như Honda Vario cũng phù hợp để di chuyển đường dài.

Ngoài việc lựa chọn xe, người đi phượt cũng cần chuẩn bị các dụng cụ kèm theo như mũ bảo hiểm kín đầu, găng tay, áo mưa, bình nước giữ nhiệt, các dụng cụ cá nhân khác. Đặc biệt, người điều khiển xe tuyệt đối tuân thủ luật giao thông và giữ khoảng cách xe đi trước.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-vu-mat-phanh-khi-do-deo-o-tam-dao-xu-ly-ra-sao-va-nen-chon-xe-tay-ga-nao-de-di-duong-deo-post682521.html