TS. Nguyễn Tùng Lâm: 'Phát hiện bạo lực học đường mà bỏ mặc bạn là vô cảm'

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, khi phát hiện hành vi bạo lực mà bỏ mặc bạn, không can ngăn hay báo cáo với thầy cô, nhà trường… là vô cảm, thiếu thiện chí ngăn chặn bạo lực học đường.

Liên tiếp những vụ việc ứng xử thiếu chuẩn mực trong môi trường giáo dục thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chệch hướng trong văn hóa học đường. Trả lời PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam về chủ đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam đã nêu các giải pháp ngăn chặn hiệu quả vấn nạn bạo lực học đường mà ngành giáo dục cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Xây dựng môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh

PV: Thời gian qua mặc dù đã có rất nhiều giải pháp đưa ra nhưng số lượng các vụ bạo lực học đường vẫn ngày càng gia tăng, xảy ra cả trong và ngoài trường học. Theo chuyên gia nguyên do tại sao bạo lực học đường lại ngày càng diễn biến phức tạp?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng bạo lực học đường vẫn chưa được giải quyết triệt để vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, độ tuổi vị thành niên là giai đoạn các em có nhiều biến động về tâm sinh lý. Trẻ sẽ phát triển phức tạp hơn các giai đoạn trước và thay đổi rõ rệt về tâm sinh lý. Tuổi vị thành niên có tính tự trọng cao và nhạy cảm với những gì xúc phạm đến khuynh hướng tự lập của mình và chúng thường phản ứng lại mạnh mẽ.

Khi nhận thức chưa được hình thành một cách hoàn chỉnh cộng với công tác giáo dục của chúng ta chỉ mới làm đồng loạt, chưa tính tới cụ thể từng cá nhân mỗi học sinh nên việc rèn luyện đạo đức cho các em chưa đạt hiệu quả cao, dẫn đến việc các em phạm sai lầm này tới sai lầm khác là điều dễ hiểu.

Điều chúng ta cần làm là tạo môi trường học tập tốt nhất cho các em, các nội dung về sức khỏe tinh thần, bạo lực học đường nên được lồng ghép vào những hoạt động ngoại khóa hay những tiết học đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường để các em có nhận thức đúng đắn và thấy được những giá trị yêu thương, tôn trọng, khoan dung.

Đặc biệt, học sinh phải được dạy những kỹ năng sống như kỹ năng giải quyết vấn đề trong tình huống cụ thể, như vậy, tình trạng bạo lực học đường mới giảm đi được. Nhà trường cũng có thể mời các chuyên gia tâm lý đến trường chia sẻ cho học sinh cách xử lý trong một số trường hợp bạo lực, bắt nạt cụ thể.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: Khi phát hiện hành vi bạo lực mà bỏ mặc bạn, không can ngăn hay báo cáo với thầy cô, nhà trường… là vô cảm, thiếu thiện chí ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh: Báo Tiền Phong

PV: Có ý kiến cho rằng, nhiều vụ bạo lực học đường do chính học sinh quay clip và phát tán trên các trang mạng xã hội, vô tình tạo ra môi trường độc hại cho trẻ nhỏ. Chuyên gia có nhận định như thế nào?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Tôi cho rằng, những em học sinh quay clip này dù không giống như các em gây bạo lực nhưng việc chỉ đứng quay clip khi phát hiện hành vi bạo lực, bỏ mặc bạn, không can ngăn hay báo cáo lại nhà trường, thầy cô hay cơ quan chức năng... là vô cảm, thiếu ý thức xây dựng, thiếu thiện chí trong việc giúp đỡ các bạn chống bạo lực học đường.

Nếu quay clip chỉ là để đưa lên mạng xã hội nhằm tăng lượt tương tác, gây chú ý với tài khoản mạng xã hội thì không nên, vì các em không nhận thức được hành vi của mình sẽ ảnh hưởng tới nạn nhân, nhà trường và xã hội. Việc quay lại clip bạo lực học đường sẽ rất tốt khi nó là bằng chứng đưa lên trường để xử phạt những bạn xảy ra mâu thuẫn chứ không phải phát tán lên mạng nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân.

Bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

PV: Phải chăng giáo viên, hiệu trưởng khi phát hiện vụ việc còn lúng túng khi xử lý? Làm thế nào để đội ngũ này nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi công tác giáo dục đối diện nhiều khó khăn hơn, thưa ông?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Muốn thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục hiện nay, Nhà nước phải tập trung vào nhà trường và nhà giáo. Bởi, nhà trường và nhà giáo là lực lượng trực tiếp làm nên chất lượng giáo dục. Nhà giáo nói chung, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải trở thành những nhà tâm lý, nhà giáo dục thực hành. Giáo viên phải có năng lực quan sát, vận dụng khoa học tâm lý để chia sẻ, lắng nghe, chinh phục học trò, từ đó giúp học sinh nhận ra khuyết điểm để sửa chữa.

Để giải quyết kịp thời những xung đột trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng. Giáo viên nói chung phải hiểu về khoa học tâm lý giáo dục nhưng giáo viên chủ nhiệm phải học sâu hơn, thực hành nhiều hơn và có năng lực sư phạm tốt. Chỉ những người đủ uy tín, năng lực và phẩm chất mới được giao làm chủ nhiệm, chứ không phải xem ai rảnh rỗi, ít giờ dạy thì giao nhiệm vụ.

Vì thế, đội ngũ này cần có một chức danh trong nhà trường, được hưởng mức lương chuyên trách chứ không phải “trừ giờ” như hiện nay.

Thầy, cô giáo luôn chủ động, sáng tạo vận dụng vào bài giảng, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng học sinh. Ảnh: Báo Thanh Niên

PV: Cụ thể, để giải quyết tận gốc vấn đề này, các trường nên chủ động triển khai các phương pháp ngăn chặn bạo lực học đường và tăng cường chăm sóc, giáo dục học sinh thế nào? Cần hoàn thiện hành lang pháp lý như thế nào để học sinh có môi trường học tập, vui chơi lành mạnh?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Theo tôi, để ngăn chặn vấn đề bạo lực học đường cần sự tham gia của nhiều yếu tố:

Thứ nhất là vấn đề tâm lý. Chúng ta cần đưa ra những hướng giải quyết phù hợp với tâm sinh lý của học sinh. Nhà trường nên đưa ra những quy định xử lý kỷ luật tích cực, lựa chọn hình thức giáo dục, xử phạt học sinh phù hợp, để học sinh nhận ra, ứng xử đúng đắn khi gặp tình huống tương tự. Đồng thời cần tập trung khắc phục các vấn đề tồn đọng trong trường, thay vì đặt nặng về các vấn đề xử phạt, hình phạt với học sinh.

Thứ hai là vấn đề quản lý. Các cơ sở giáo dục cần có những công tác quản lý, tuyên truyền, xây dựng trường học an toàn, trường học thân thiện trong đội ngũ nhà giáo, các em học sinh; đồng thời chú trọng giáo dục đạo đức của các em trong nhà trường, kiểm điểm khi phát hiện hành vi sai trái.

Giáo viên chủ nhiệm cần phải nắm bắt rõ tình hình học sinh của mình. Đồng thời giáo viên chủ nhiệm cũng cần là một người tin cậy để các em học sinh tin tưởng tâm sự để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp xảy ra nếu như có mâu thuẫn giữa các em học sinh.

Thứ ba là vấn đề pháp lý. Bạo lực học đường không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức mà nó còn là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa được chặt chẽ, do đó cần ban hành và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng tính chế tài cho các hành vi bạo lực học đường. Những em học sinh gây ra bạo lực học đường phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Cơ quan thực thi pháp luật này cần áp dụng hình phạt xử lý để các em rút ra cho bản thân những bài học sâu sắc.

Trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Tùng Lâm về cuộc trò chuyện này!

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/ts-nguyen-tung-lam-phat-hien-bao-luc-hoc-duong-ma-bo-mac-ban-la-vo-cam-d4477.html