Trích 1 phần tiền xử phạt vi phạm giao thông cho CSGT 'dễ gây điều tiếng'

Theo ĐBQH, quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông cho lực lượng CSGT dễ gây điều tiếng không hay.

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.

Chiều 22/5, thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho rằng, cần cân nhắc đối với quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dự thảo quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Qua đó, phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng CSGT.

Song, theo đại biểu Yến Nhi, quy định này chưa thật sự hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre).

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre).

Xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tất cả phải tuân thủ theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Đại biểu đặt câu hỏi vì sao lĩnh vực này lại quy định riêng?

Đại biểu đề nghị không quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước trong dự thảo Luật, mà vấn đề này thực hiện theo Luật Ngân sách.

"Mặt khác, quy định như vậy cũng vô tình làm cho lực lượng CSGT bị những điều tiếng không hay", bà Nhi nêu quan điểm.

Dự thảo cũng quy định về điểm của giấy phép lái xe. Đây là quy định mới nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe.

Việc trừ điểm giấy phép lái xe, tiến tới hạn chế áp dụng biện pháp xử phạt hành chính bổ sung là tước giấy phép lái xe như hiện nay mang tính nhân văn. Đại biểu thống nhất với quy định này vì tính nhân văn, đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, đại biểu không đồng tình với quy định trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Theo đại biểu, việc này nên giao cho Bộ GTVT vì theo khoản 8 điều 60, khoản 7 điều 61 của dự thảo Luật thì Bộ GTVT quy định hình thức, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo lái xe và sát hạch để cấp Giấy phép lái xe.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cũng đề nghị rà soát lại hiệu lực thi hành của Luật.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trich-1-phan-tien-xu-phat-vi-pham-giao-thong-cho-csgt-de-gay-dieu-tieng-post684354.html