Tri ân đồng đội

Trở về từ cuộc chiến, người cựu chiến binh - thương binh ấy lại tiếp tục chiến đấu và chiến thắng trên mặt trận mới - vượt khó làm giàu, xây dựng gia đình hạnh phúc và tri ân đồng đội.

Cứ vào dịp kỷ niệm Chiến thắng 30/4, ông Nguyễn Văn Chì (SN 1944)- thương binh hạng 1/4 lại tổ chức bữa cơm gia đình tại ngôi nhà ở phố Tân An, thị trấn Tân An (Yên Dũng) với sự có mặt đông đủ của 6 người con (trai, gái, dâu, rể) và 6 cháu nội ngoại. Bữa cơm không đơn thuần chỉ là gặp gỡ nhân dịp nghỉ lễ mà còn là để nhắc nhở cháu con luôn ghi nhớ lịch sử, nhớ về những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước.

Ông Chì (thứ hai từ trái sang) cùng thân nhân liệt sĩ đi tìm mộ đồng đội tại chiến trường huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai (năm 2014). Ảnh nhân vật cung cấp.

Cả thời thanh xuân hơn 20 năm (từ 1963 đến 1983), ông Chì chiến đấu ở các chiến trường: Tây Nguyên, Thượng Lào, Đông Nam Bộ, tham gia giải phóng miền Nam và sang nước bạn Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế (từ năm 1979 đến năm 1983). Ngày trở về, trên cơ thể người lính ấy chằng chịt vết thương. Ông từng bị thương gãy một tay, bàn tay còn lại co quắp; 1/3 chân phải bị cụt, gương mặt đen sạm vì những vết sẹo.

Phải mất 3 năm liền nằm viện mới đỡ phần nào. Tiếp tục điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), đến năm 1990 ông về nhà. Ba đứa con nem nép mỗi đứa một góc, sợ không dám đến gần vì thấy bố có gương mặt khác lạ, tay chống nạng và mang một chân giả. Mặc dù là thương binh hạng nặng nhất (giảm hơn 81% khả năng lao động) nhưng ông lại lạc quan: “Nghĩ đến bao đồng đội đã hy sinh thì tôi còn lại chút sức khỏe như thế này cũng là quá may mắn và hạnh phúc rồi”.

Ông kể: "Khi tôi về nhà, kinh tế thời điểm đó khó khăn lắm, vợ tôi - cô giáo cấp 2 Nguyễn Thị Hiền phải xin nghỉ hưu sớm, một mặt có thời gian chăm sóc tôi, một mặt làm kinh tế gia đình. Được Nhà nước cấp cho hơn 200m2 đất, một phần vợ chồng tôi dựng nhà, phần lớn còn lại để chăn nuôi, làm vườn. Chúng tôi còn xin mấy sào ruộng cấy lúa, trồng thêm hoa màu".

Sau này, khi khu phố Tân An trở nên sầm uất hơn, ông bà mở cửa hàng buôn bán tại nhà. Chịu khó lao động lại biết tính toán, tích cóp nên kinh tế ngày càng khá lên. Ông bà nuôi dưỡng ba người con ăn học đàng hoàng, hiện có công việc ổn định. Ông tâm sự: “77 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, tôi luôn tâm niệm hãy giữ gìn phẩm chất người lính, bảo vệ và phát huy truyền thống, sống sao cho đúng là người công dân gương mẫu, người lính Cụ Hồ. Trước hết phải chấp hành tốt mọi quy định của địa phương. Sau là nuôi dạy con cái trưởng thành, có ích cho xã hội và tri ân đồng đội”.

Khi được hỏi về cảm xúc của ông sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, ông bảo: "Chúng tôi nhớ đến đồng đội, nhớ những người đã hy sinh và nhớ quê hương. Vì vậy sau giải phóng miền Nam, tôi và rất nhiều đồng đội chỉ mong sớm được trở về quê hương sống cùng vợ con, họ hàng". Và ông đã trở về quê hương Long Trì (Tân An)- nơi Bác Hồ từng đến thăm với hành trang là chiếc ba lô, bộ khung xe đạp cùng với con búp bê làm quà tặng cho con gái.

Vợ chồng ông Chì - bà Hiền. Ảnh: Thu Phong

Ông kể: "Tháng 7/1975, trên chuyến xe buýt từ ga Hàng Cỏ (Hà Nội) đến bến Nứa (dưới chân cầu Long Biên) để về tỉnh Hà Bắc (cũ), tôi mặc đồ bộ đội, khư khư ôm chặt chiếc balo trước ngực. Anh phụ xe nhắc nhở mấy lần yêu cầu tôi cất vào khu vực để đồ của ô tô, tôi khẩn khoản: “Ba lô của tôi không có tiền bạc gì đâu, chỉ có hơn trăm lá thư của đồng đội nhờ tôi mang về cho gia đình họ, gửi thư xong có đồng chí đã hy sinh rồi. Vì thế, mất gì thì mất chứ tôi không thể để mất hay thất lạc chiếc ba lô này được, mong nhà xe thông cảm”. Sau này, mặc dù chân bị cụt, tay bị khoèo… nhưng ông vẫn dành thời gian đạp xe cả trăm cây số mang những lá thư đến tận gia đình những người đồng đội, không thiếu một lá.

Với quân hàm Trung tá (Trợ lý tác chiến Bộ Tư lệnh 479), ông Chì được hưởng lương và các chế độ của Nhà nước nên có điều kiện chia sẻ, tri ân đồng đội. Ông tích cực làm chứng cho nhiều đồng đội không may bị mất giấy tờ để đề nghị Nhà nước cho hưởng chế độ. Khoảng chục năm về trước, khi sức khỏe còn bảo đảm đi được đường xa, ông vẫn cùng những gia đình liệt sĩ đi tìm đồng đội ở chiến trường Tây Nguyên.

“Tự tay tôi chôn cất nhiều đồng đội nhưng bây giờ trở lại, nơi đó đất rừng đã được san gạt nên mất đi những vị trí đánh dấu của mình. Nhiều nơi nay đã thành nông trường trồng cà phê, cao su… nên kết quả tìm mộ cũng còn khiêm tốn. Nhiều người hy sinh vẫn còn trẻ lắm, vợ con chưa có, thương xót vô cùng. Chưa tìm được phần mộ của những người đồng đội hy sinh - đó là day dứt trong tôi bây giờ”- ông ngậm ngùi.

Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/quoc-phong/357246/tri-an-dong-doi.html