Tin Thị trường: EU có thể cấm nhập khẩu khí đốt của Nga qua đường ống

EU có thể cấm nhập khẩu khí đốt của Nga qua đường ống; Siêu bão Biparjoy ở Ấn Độ gây gián đoạn xuất khẩu nhiên liệu...

EU có thể cấm nhập khẩu khí đốt của Nga qua đường ống

Cố vấn năng lượng của chính phủ Áo, Walter Boltz, đã nói với tổ chức Independent Commodity Intelligence Services (ICIS) rằng, Liên minh Châu Âu (EU) có thể chuyển sang cấm nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga vào cuối năm nay nếu họ áp dụng các biện pháp sơ bộ.

Theo vị cố vấn này, EU ngày càng nhận thấy rằng họ có thể thích ứng mà không cần đến lượng khí đốt còn lại từ đường ống của Nga. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn nhận khí đốt tự nhiên qua đường ống, đặc biệt là Hungary, có thể tìm kiếm sự miễn trừ hoặc không đồng ý với lệnh cấm của EU.

Gazprom đã ngừng công bố số liệu về việc cung cấp khí đốt cho châu Âu. Gã khổng lồ năng lượng nước Nga đã chứng kiến xuất khẩu sang châu Âu giảm mạnh kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine vào năm ngoái.

Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan vào tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, cắt giảm việc vận chuyển khí đốt qua Nord Stream tới Đức vào tháng 6, sau đó cắt nguồn cung thông qua Nord Stream vào đầu tháng 9, vài tuần trước khi xảy ra các vụ nổ tại các đường ống của Nord Stream ở biển Baltic vào cuối tháng 9.

Trên thực tế, Nga vẫn đưa một lượng khí đốt tới châu Âu thông qua tuyến đường ống TurkStream quá cảnh qua Ukraine.

Thật khó để Shell nói không với dầu khí

Một trong những công ty dầu khí lớn nhất thế giới, đồng thời là mục tiêu yêu thích của các nhà hoạt động khí hậu, Shell, đang thực hiện một bước ngoặt đối với các kế hoạch của mình cho tương lai.

Theo trang Oilprice, Shell được cho là đang rầm rộ quay trở lại với dầu khí và nói chuyện cởi mở về sự thay đổi cốt lõi của mình.

Vài ngày trước, Reuters đã báo cáo rằng Shell sẽ hủy bỏ kế hoạch giảm sản lượng dầu của mình. Báo cáo cho biết ông lớn năng lượng này không chỉ đạt được các mục tiêu cắt giảm thông qua việc bán tài sản mà còn được hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh dầu mỏ.

Trích dẫn các nguồn giấu tên thân cận với công ty, Reuters đưa tin rằng giám đốc điều hành mới của công ty, Wael Sawan, trong tuần này sẽ tuyên bố hủy bỏ mục tiêu giảm sản lượng dầu hàng năm từ 1 đến 2%. Một số người kỳ vọng ông cũng sẽ công bố kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho dầu mỏ và khí đốt, theo báo cáo của Thời báo phố Wall.

Sawan, người nhậm chức vào đầu năm nay, từng nói rằng quá trình chuyển đổi không nên tiến hành mà làm tổn hại đến lợi nhuận từ dầu mỏ và khí đốt. Trên thực tế, rõ ràng là quá trình chuyển đổi hoàn toàn không thể tiến triển nếu không có dầu và khí đốt được sử dụng để cung cấp năng lượng cho thiết bị được sử dụng để khai thác các khoáng chất và kim loại quan trọng.

Siêu bão Biparjoy ở Ấn Độ gây gián đoạn xuất khẩu nhiên liệu

Cơn bão lớn Biparjoy ở ngoài khơi bờ biển phía tây Ấn Độ đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu sản phẩm dầu từ một số cảng và tạm dừng hoạt động tại các giàn khoan dầu ngoài khơi Gujarat.

Bão Biparjoy dự kiến sẽ đổ bộ trong ngày hôm nay (15/6) giữa Mandvi ở bang Gujarat phía tây Ấn Độ và Karachi ở Pakistan.

Nhiều giàn khoan dầu khí ngoài khơi đang nằm ngoài khơi Gujarat, cũng là nơi có nhiều cảng lớn. Hầu hết trong số đó đã phải tạm dừng hoạt động trước cơn bão.

Nhà máy lọc dầu tư nhân lớn của Ấn Độ - Reliance Industries - điều hành trung tâm lọc dầu lớn nhất thế giới, Jamnagar, đã buộc phải ngừng xuất khẩu dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác từ cảng Sikka do bão, các thương nhân nói với Reuters.

Reliance Industries đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với việc xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ từ cảng Sikka, hãng này viết trong một lá thư gửi cho các thương nhân được Reuters trích dẫn.

Nhà máy lọc dầu tại Jamnagar, có khả năng xử lý 704.000 thùng dầu thô mỗi ngày, là nhà xuất khẩu dầu diesel chính của Ấn Độ. Trong những tháng gần đây, châu Âu đã tăng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ được tinh chế từ châu Á sau khi EU cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga kể từ ngày 5/2.

Hồi đầu tuần này, Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã sơ tán 11 nhân viên từ giàn khoan tự nâng Key Singapore đang hoạt động ngoài khơi Dwarka đến Okha ở ngoài khơi Gujarat. Đến sáng 13/6, tất cả 50 nhân viên đã được sơ tán khỏi giàn khoan.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tin-thi-truong-eu-co-the-cam-nhap-khau-khi-dot-cua-nga-qua-duong-ong-687279.html