Tin Thị trường: Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ có thể khiến giá xăng quay đầu tăng

Sản lượng dầu của Trung Quốc có thể giảm dần trong những năm tới; Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ có thể khiến giá xăng quay đầu tăng...

Sản lượng dầu của Trung Quốc có thể giảm dần trong những năm tới

Giới phân tích và tổ chức dự báo cho rằng, tăng trưởng sản lượng dầu của Trung Quốc có thể giảm dần trong những năm tới do những phát hiện mới đây có thể là thách thức cho việc khai thác trong khi sản lượng tại các mỏ lâu năm sụt giảm.

Kể từ năm 2019, Trung Quốc đã thúc đẩy sản lượng dầu thô hàng năm, khoảng 2% mỗi năm, do các tập đoàn dầu mỏ quốc doanh đã tán thành chính sách chính thức của chính phủ nhằm tăng cường thăm dò và khai thác nhằm giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng dầu thô của Trung Quốc đã tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc đang chi số tiền kỷ lục để thúc đẩy thăm dò và khai thác, và hầu hết những nỗ lực này đã được đền đáp trong những năm gần đây khi sản lượng tăng lên.

Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc, thường được gọi là Sinopec, tháng trước đã công bố khai thác được dầu và khí đốt đầu tiên từ giếng sâu nhất trên đất liền ở châu Á, mới được hoàn thành gần đây.

Tuy nhiên, sau vài năm tăng trưởng, mức tăng sản lượng dầu của Trung Quốc sẽ chậm lại hoặc không thay đổi trong năm tới, theo các nhà phân tích và OPEC.

Angus Rodgers, người đứng đầu bộ phận phân tích thượng nguồn Châu Á Thái Bình Dương tại Wood Mackenzie, nói với Reuters rằng các công ty nhà nước khổng lồ của Trung Quốc hiện phải theo đuổi mục tiêu khó hoàn thành vì hầu hết các mỏ mới đều cực kỳ sâu và đầy thách thức cho việc khai thác.

OPEC đã xếp Trung Quốc vào số những động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC trong năm nay sau Mỹ, Brazil, Kazakhstan, Na Uy, Guyana và Mexico, trong Báo cáo thị trường dầu hàng tháng cho tháng 12. Nhưng tổ chức này không kỳ vọng Trung Quốc sẽ đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC vào năm 2024.

OPEC dự đoán sản lượng dầu của Trung Quốc trong năm tới về cơ bản sẽ giống như năm 2023 – khoảng 4,56 triệu thùng/ngày.

Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ có thể khiến giá xăng quay đầu tăng

Giá dầu lấy lại đà tăng và có thể tiếp tục tăng cao khi các công ty cố gắng tìm các tuyến đường vận chuyển hàng hóa thay thế sau các vụ tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ.

Các cuộc tấn công liên tiếp xảy ra, được cho là do phiến quân Houthi ở Yemen thực hiện.

Các hãng tàu lớn như Maersk và Evergreen và gã khổng lồ khí đốt Equinor của Na Uy đã thực hiện kế hoạch thay đổi hành trình, trong khi ông lớn dầu khí BP trở thành công ty đầu tiên trong số các công ty cùng ngành tạm dừng tất cả các chuyến hàng qua Biển Đỏ, với lý do tình hình an ninh ngày càng xấu đi.

Toby Vallance, thành viên ban điều hành của Diễn đàn Luật sư Bảo hiểm London cho biết: "Đối với những tàu vẫn đi qua Biển Đỏ, phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh được cho là đã tăng từ 0,07% giá trị của một con tàu vào đầu tháng 12 lên 0,5% đến 0,7% trong tuần này".

Trong khi đó, quyết định của BP được đưa ra vào thời điểm quan trọng đối với nhu cầu xăng dầu khi những người lái xe ở Anh chuẩn bị cho các chuyến đi trong dịp Giáng sinh.

Tuy nhiên, giá dầu cao hơn có thể dẫn đến giá xăng tăng trở lại trong tuần tới do sự gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Một hoạt động an ninh chính thức có tên Người bảo vệ thịnh vượng do Mỹ dẫn đâùcũng đã được phát động bởi liên minh gồm các quốc gia như Anh, Canada, Pháp, Bahrain, Na Uy và Tây Ban Nha.

Để tránh trở thành mục tiêu tấn công, các công ty có thể phải đối mặt với chuyến hành trình dài hơn tới hai tuần đối với các chuyến hàng vận chuyển sản phẩm dầu mỏ từ Trung Đông và Ấn Độ đến châu Âu, hay từ Nga đến Trung Quốc và Ấn Độ.

5 triệu thùng dầu của Nga bị mắc kẹt trên đường tới Ấn Độ

Bloomberg News mới đây đưa tin, gần 5 triệu thùng dầu thô loại Sokol của Nga đang trên đường đến các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, đã bị mắc kẹt theo lệnh trừng phạt trong một tháng.

Theo đó, tàu chở dầu NS Century vẫn bị mắc kẹt gần Sri Lanka do lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ đối với tàu này. Giờ đây, hai tàu chở dầu khác, đều thuộc sở hữu của Sovocomflot, đang mắc kẹt tại cùng địa điểm này. Cả ba tàu đều chở loại dầu thô Sokol của Nga.

Bloomberg cho rằng các tàu chở dầu đang bị mắc kẹt do giới hạn giá G7 áp đặt đối với dầu thô của Nga, mặc dù điều này chưa được xác nhận độc lập.

Hồi tháng 11 vừa qua, hãng Reuters đưa tin rằng nhà máy lọc dầu hàng đầu của Ấn Độ, Indian Oil Corp., đã mua một lô dầu Sokol để giao vào tháng 11. Vào thời điểm đó, Reuters cho biết công ty phát tín hiệu rằng sản lượng từ dự án Sakhalin-1 của Nga có khả năng phục hồi sau sự rút lui của Exxon Mobil.

Đối với việc giới hạn giá do G7 và EU đặt ra, các chuyến hàng dầu thô của Nga sang các nước thứ ba có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng của phương Tây nếu hàng hóa được bán ở dưới mức trần 60 USD/thùng. Biện pháp này có hiệu lực vào cuối năm 2022 khi EU áp đặt lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu thô của Nga.

Vào giữa tháng 11, Liên minh châu Âu cho biết đang xem xét siết chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga do thực tế là hầu như không có loại dầu thô nào bị cấm vận được giao dịch dưới mức giá trần.

Trong suốt năm 2023, Nga đã tăng đáng kể xuất khẩu dầu thô sang cả Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo công ty độc quyền về đường ống dẫn dầu Transneft của Nga, khối lượng dầu thô của nước này sang Trung Quốc đạt 2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Nga cho biết đã xuất khẩu 100 triệu tấn dầu thô sang Trung Quốc trong năm nay và 70 triệu tấn sang Ấn Độ.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-cac-cuoc-tan-cong-o-bien-do-co-the-khien-gia-xang-quay-dau-tang-702300.html