Tìm giải pháp 'hạ nhiệt' đăng kiểm
Riêng tại TP HCM, nhu cầu đăng kiểm trong các tháng 3, 4 và 5 tăng mạnh. Trong đó, tháng 5, lượng xe đến hạn đăng kiểm khoảng 72.000 chiếc, tháng 6 khoảng 69.000 chiếc
Ngày 3-5, dù vẫn trong kỳ nghỉ lễ nhưng để đáp ứng nhu cầu, nhiều trung tâm đăng kiểm tại TP HCM hoạt động trở lại. Tình trạng xe xếp hàng dài chờ đến lượt kiểm định tái diễn.
Nóng bức, mệt mỏi
Ghi nhận tại Trung tâm Đăng kiểm 50-14V (huyện Hóc Môn, TP HCM) vào trưa cùng ngày, lượng phương tiện xếp thành 3 hàng dài. Theo các tài xế, họ phải đăng ký trước, có thể qua hình thức online hoặc đến trực tiếp lấy giấy đăng ký rồi chờ ngày hẹn. Do chờ đợi lâu, nhiều tài xế phải đặt cơm từ xa hoặc mua từ xe bán thức ăn lưu động. Dưới thời tiết oi bức, ai cũng mệt mỏi.
Tại Trung tâm Đăng kiểm 50-07V (quận Bình Tân, TP HCM), tình trạng chờ đợi tương tự nhưng trật tự hơn. Theo nhân viên trung tâm, ở đây chia làm 4 khung giờ đăng kiểm nên giúp hạn chế xe dồn về quá đông cùng một thời điểm. Còn chi nhánh Trung tâm Đăng kiểm 50-05V (quận Tân Bình, TP HCM), từ sáng sớm hàng xe đã nối dài dù nhân viên tại đây cho hay so về số lượng thì vẫn ít hơn trước kỳ nghỉ lễ.
Trong khi đó, các trung tâm đăng kiểm như 50-03S, 50-03V và chi nhánh (TP Thủ Đức, TP HCM) tình hình cải thiện hơn so với trước. Hơn 10 giờ cùng ngày, trước Trung tâm Đăng kiểm 50-03S không còn tình trạng xe xếp hàng dài hàng kilômét trên Quốc lộ 13. Ở cổng vào, đơn vị này treo thông báo "Kể từ ngày 17-4-2023, trung tâm chỉ nhận kiểm định theo lịch hẹn". Theo lãnh đạo trung tâm, thông báo này xuất phát từ tình trạng nhiều chủ phương tiện không đăng ký được lịch kiểm định xe nhưng vì đến hạn nên đánh liều mang xe tới xếp hàng, gây cảnh ùn tắc.
Theo Sở GTVT TP HCM, có đến 40% xe vào các trung tâm đăng kiểm nhưng chưa đạt đăng kiểm lần đầu, đa phần là xe chưa được bảo dưỡng, bảo trì định kỳ. Để tránh mất thời gian phải quay trở lại kiểm định do “bị đánh rớt”, người dân cần đưa xe đi bảo trì, bảo dưỡng trước khi đi đăng kiểm.
Tại Bình Dương, trong ngày 3-5 có 4 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới mở cửa hoạt động trở lại sau lễ. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương cho biết 4 trung tâm còn lại trong tỉnh sẽ hoạt động từ hôm nay (4-5).
Còn ở TP Hà Nội, ngày 3-5, 18 trung tâm hoạt động trở lại. Ghi nhận cho thấy tại một số điểm, lượng xe cơ giới đến kiểm định nhiều nhưng chưa xảy ra tình trạng dồn ứ như trước lễ.
Cấp bách
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, ngày 3-5 có 31 trung tâm đăng kiểm hoạt động trở lại. Cũng theo cục này, trước kỳ nghỉ lễ, tình trạng ùn tắc đăng kiểm tiếp tục gia tăng tại 177/215 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động của 40/63 tỉnh, thành phố (chiếm 63%).
Nói về giải pháp, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA), cho biết mới đây đã cùng ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Hai hiệp hội kiến nghị Thủ tướng cho phép ôtô dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải thuộc diện giãn chu kỳ đăng kiểm không phải đưa xe đến trung tâm kiểm định. Nếu được đồng ý, sẽ có 3,1 triệu xe thuộc diện được giãn chu kỳ kiểm định. Tuy nhiên, việc giãn chỉ được thực hiện từ chu kỳ tiếp theo nên hiện nay nhu cầu kiểm định vẫn rất lớn, tình trạng ùn tắc ở các trạm đăng kiểm ngày càng trầm trọng.
Hai hiệp hội đánh giá dù Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có giải pháp cho phép chủ phương tiện đăng ký lịch đăng kiểm online nhưng chỉ giảm số lượng xe đến xếp hàng còn việc thực hiện kiểm định vẫn phải chờ đợi, thậm chí hàng tháng mới đến lượt. Tình hình trên rất nghiêm trọng và cấp bách. Các doanh nghiệp vận tải và logistics bị ngưng trệ sản xuất, ngoài việc gây lãng phí và thiệt hại rất lớn còn có nguy cơ cao bị phạt do không thực hiện kịp các hợp đồng ký kết với đối tác.
"Ở phạm vi nền kinh tế, nếu tình trạng trên không được giải quyết sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hiệu quả và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam" - văn bản kiến nghị nêu rõ.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các trung tâm đăng kiểm động viên cán bộ, đăng kiểm viên làm thêm giờ, giải quyết nhu cầu hiện nay, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ GTVT nghiên cứu sửa đổi các quy định về phí kiểm định xe cơ giới. Nghiên cứu cho phép các trung tâm đăng kiểm làm thêm giờ được phụ thu phí làm ngoài giờ để có chi phí giải quyết chế độ cho nhân viên cũng là một nội dung trong kiến nghị.
Những giải pháp "hạ nhiệt"
Nói về tình hình kiểm định phương tiện hiện nay, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết hiện thành phố có 15/19 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 31/53 chuyền. Do thiếu nhân lực, công suất kiểm định tối đa chỉ đạt 1.860 xe/ngày.
Số liệu thống kê cho thấy nhu cầu đăng kiểm trong tháng 3, 4 và 5-2023 tăng mạnh, riêng tháng 4 là 88.000 xe (chưa tính xe từ các tỉnh, thành đổ về và xe dồn lại từ nhiều tháng trước). Dự báo trong tháng 5, lượng xe đến hạn đăng kiểm khoảng 72.000 chiếc, tháng 6 khoảng 69.000 chiếc.
Đại diện Sở GTVT TP HCM nhận định việc giãn thời gian đăng kiểm chỉ tác động đến một số xe và sau 6 tháng nữa mới phát huy tác dụng. Việc khôi phục đăng kiểm rất khó nếu quy định liên quan đến tuyển, đào tạo đăng kiểm viên không thay đổi.
Việc quá tải trong đăng kiểm, theo ông An, đã nảy sinh tình trạng một người đăng ký lấy số thứ tự ở nhiều trạm rồi bán suất đăng kiểm cho người khác. Điều này gián tiếp gây ra sự tập trung đông đúc, chen lấn ở một số trung tâm đăng kiểm gần đây. Do đó, Sở GTVT sẽ đề xuất Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất chỉ nhận xe đăng ký qua app, dùng thuật toán loại bỏ trường hợp đăng ký nhiều slot để bán.
Ông Bùi Hòa An cho biết Sở GTVT đã có văn bản kiến nghị UBND TP HCM, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhiều giải pháp. Cụ thể như đề xuất UBND TP HCM kiến nghị Bộ GTVT xem xét cho phép tự động giãn chu kỳ đăng kiểm đối với các phương tiện không kinh doanh; kiến nghị Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trong đó, về tiêu chuẩn đăng kiểm viên và thời gian đào tạo cần xem xét chia ra nhiều bậc, đa dạng phù hợp với các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành, có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ôtô... Ví dụ đăng kiểm viên bậc 1 được kiểm định các ôtô con; đăng kiểm viên bậc 2 được kiểm định ôtô tải, ôtô đầu kéo, sơ-mi rơ-moóc; đăng kiểm viên bậc 3 được kiểm định các ôtô chuyên dùng, xe hoán cải…
Song song đó, kiến nghị Bộ GTVT cho phép các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng chính hãng 3S, 4S tham gia vào hoạt động kiểm định xe cơ giới để chủ phương tiện có nhiều lựa chọn hơn khi đưa phương tiện đi đăng kiểm, qua đó ban hành hành lang pháp lý chặt chẽ để nâng cao chất lượng cho các đơn vị này.
Ngoài ra, kiến nghị Bộ GTVT cho phép các trung tâm đăng kiểm được kết hợp kinh doanh các dịch vụ cung cấp phụ tùng thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng tại chỗ nhằm cải thiện mức thu nhập cho đơn vị, tạo động lực cho lực lượng đăng kiểm viên và nhân viên kiểm định tích cực trong công tác kiểm định phương tiện và hạn chế tình trạng vòi vĩnh với khách hàng, chủ xe…
Đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng mới đây đã ký công văn gửi Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đề nghị tiếp tục cho phép bố trí thêm lực lượng đăng kiểm viên quân đội tham gia hỗ trợ công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. Từ đó, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm thực hiện tốt các phương án phân luồng phương tiện đăng kiểm, đề nghị các trung tâm đăng kiểm xung quanh Hà Nội, TP HCM tăng cường hỗ trợ tối đa cho người dân. Cùng với đó, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng kiểm, nhất là việc triển khai đăng ký đặt lịch hẹn qua app.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tim-giai-phap-ha-nhiet-dang-kiem-20230503222919295.htm