Tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa

Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Tonga, ngày 21/9, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới.

Đây là cột mốc có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự kiên định và triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại rộng mở, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Dấu mốc của đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa

Vương quốc Tonga (chữ “Tonga” theo tiếng địa phương nghĩa là “phương nam”) là một quốc đảo Thái Bình Dương, có vị trí địa lý cách bờ Tây Australia hơn 5.200km. Vương quốc Tonga bao gồm 169 đảo nhỏ, với tổng diện tích 748km2, có dân số trên 106.000 người (năm 2022). Tonga theo chế độ quân chủ lập hiến. Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tonga, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với tổng cộng 193 quốc gia trên thế giới.

Chiều 20/9/2023, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với đại dịch. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trước đó, tháng 2 năm nay, Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Trinidad và Tobago - một quốc đảo có tiềm lực kinh tế mạnh với GDP đứng thứ ba ở khu vực Caribbean. Như vậy cho tới nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức 193 quốc gia trên thế giới (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc), Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng.

Không thể phủ nhận, đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa đã góp phần quan trọng tạo môi trường hòa bình, ổn định, điều kiện thuận lợi và tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ những thành tựu ấy, Việt Nam nhất quán, kiên định thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa xuất phát trước hết vì lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với xu thế thời đại là hòa bình, độc lập, phát triển và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận Chung Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các đối tác đều thể hiện coi trọng vị thế, vai trò và tiếng nói tích cực của Việt Nam

Đó là nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khi chia sẻ với báo chí về kết quả chuyến thăm chính thức Brazil và chuyến công tác dự Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 78 kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Phiên thảo luận chung cấp cao của ĐHĐ LHQ khóa 78 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ đã thành công tốt đẹp, đạt ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ với 113 giờ hoạt động liên tục, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Với Hoa Kỳ, đây là chuyến công tác đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt của ta sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, góp phần triển khai các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thủ tướng đã có hàng chục cuộc gặp và tham dự sự kiện tại San Francisco, Washington DC và New York, với sự hiện diện của các quan chức cao cấp của chính quyền, Quốc hội liên bang, các tiểu bang, giới doanh nghiệp, trí thức, các bạn bè lâu năm và cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Các đối tác Hoa Kỳ đều khẳng định coi trọng Việt Nam và phát triển quan hệ hai nước có được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, thống nhất cao về việc cần khẩn trương triển khai thực hiện khuôn khổ quan hệ mới để sớm đạt kết quả cụ thể, đặc biệt là trên các lĩnh vực trọng tâm như: Kinh tế-thương mại-đầu tư, KHCN, đổi mới sáng tạo, GD-ĐT, khắc phục hậu quả chiến tranh, y tế-môi trường, giao lưu nhân dân...

Lễ ký kết Thông cáo chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Tonga giữa hai Đại sứ, Trưởng Phái đoàn hai nước tại Liên hợp quốc.

Tham dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 ĐHĐ LHQ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ và phát biểu tại các hội nghị thượng đỉnh, hội nghị cấp cao của LHQ về các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như biến đổi khí hậu, ứng phó đại dịch… Dịp này Thủ tướng Chính phủ có gần 20 cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và chính trị gia Hoa Kỳ như: Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch ĐHĐ LHQ, Chủ tịch Cuba, Thủ tướng Thái Lan, Tổng thống Romania, Tổng thống Slovenia, Tổng thống Phần Lan…

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tại các cuộc gặp, các đối tác đều thể hiện coi trọng vị thế, vai trò và tiếng nói tích cực của Việt Nam, thống nhất tăng cường trao đổi đoàn, hợp tác chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, lao động, du lịch, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân cũng như ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Lãnh đạo nhiều nước ủng hộ tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bulgaria Rosen Zhelyazkov. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cũng trong dịp này, Thủ tướng cũng đã có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Brazil đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao nước ta trọng thị, chu đáo, thân tình. Chuyến thăm đạt kết quả thực chất, toàn diện trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nghị viện, giao lưu nhân dân và nhiều lĩnh vực hợp tác chính trị ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, GD-ĐT, KHCN, giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch, thể thao... và cùng đó mở ra cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số.

Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung, văn kiện quan trọng thể hiện tầm vóc của quan hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời định hướng cho hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả, hướng tới khuôn khổ quan hệ mới, phù hợp trong thời gian tới. Brazil đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, cũng như triển vọng hợp tác không chỉ song phương mà còn ở phạm vi khu vực và quốc tế giữa Việt Nam với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), hợp tác Nam - Nam, phối hợp trong khuôn khổ FEALAC, WTO, ASEAN...

Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: BTC

Cũng trong tháng 9 này, còn nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng khác như việc từ ngày 21-26/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam lên đường thăm chính thức Bangladesh và Bulgaria theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Bangladesh Shirin Chaudhury và Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyazkov; Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-25/9 theo lời mời của Nhà nước Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023)… Những hoạt động ngoại giao trên đã làm cho bạn bè quốc tế thấy về một Việt Nam hòa bình, hợp tác và hội nhập, tham gia tích cực hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn vào các tiến trình quốc tế.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiep-tuc-khang-dinh-duong-loi-doi-ngoai-doc-lap-tu-chu-da-phuong-hoa-da-dang-hoa-post266471.html