Tích cực huy động các nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách

Ngày 31/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo 'Giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật'.

Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị có liên quan.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho biết, qua 1 năm triển khai Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (Đề án 407) cho thấy nhiều bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, chủ động phối hợp cơ quan thông tin, báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động truyền thông dự thảo chính sách với hình thức khá đa dạng cũng như huy động nguồn lực tham gia, bước đầu đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện có thực tế là hầu hết các cơ quan chủ trì soạn thảo không có đủ nguồn lực về con người, kinh phí để có thể triển khai hiệu quả nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách.

Các ý kiến tại hội thảo đã tập trung đưa ra giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách.

Các ý kiến tại hội thảo đã tập trung đưa ra giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách.

Để tăng cường huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách, báo cáo nêu rõ, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách, tập trung vào sự cần thiết, những tác động, ảnh hưởng của công tác này đến đời sống xã hội, mỗi cá nhân, nhất là đối tượng thụ hưởng trực tiếp. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong hướng dẫn, chỉ đạo các giải pháp cụ thể để nâng cao vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia thực hiện truyền thông dự thảo chính sách.

Nghiên cứu hoàn thiện chính sách, thể chế để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách nói chung, việc huy động nguồn lực nói riêng cần được thực hiện theo hướng gắn trách nhiệm với quyền lợi khi tham gia, hỗ trợ kinh phí và có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Mặt khác, cần xác định những kênh huy động nguồn lực xã hội chính, đồng thời xác định cơ quan, tổ chức mà cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần chú trọng phối hợp trong quá trình truyền thông dự thảo chính sách. Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL, các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định pháp luật…

TS. Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL, cần chú ý tới 5 điểm bao gồm: Xác định nhiệm vụ, định rõ nội dung, khoanh vùng đối tượng, tiếp cận thích ứng và phối hợp nhịp nhàng.

Luật sư Nguyễn Duy Lãm, nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, nguồn lực xã hội hiện nay gồm có nguồn lực về con người, nguồn lực về tài chính, nguồn lực từ cá nhân, tổ chức quốc tế và trong nước. Để huy động hiệu quả các nguồn lực này, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về truyền thông chính sách, phát huy vai trò Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; lựa chọn nguồn huy động phù hợp với mỗi chính sách; nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành; xác định và đề cao vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo….

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tich-cuc-huy-dong-cac-nguon-luc-xa-hoi-tham-gia-truyen-thong-chinh-sach-i695337/