Vai trò quan trọng của báo chí trong giám sát, phản biện chính sách

Nhiều chuyên gia cho rằng báo chí, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách có những hành động thiết thực, cộng đồng trách nhiệm, phối hợp với nhau ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn.

Diễn đàn “Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” do Báo Kinh tế Đô thị tổ chức chào mừng 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Diễn đàn “Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” do Báo Kinh tế Đô thị tổ chức chào mừng 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, giám sát và phản biện chính sách. Tại diễn đàn “Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” diễn ra vào cuối tháng 5/2024, các chuyên gia đề cập đến mối quan hệ biện chứng giữa báo chí – doanh nghiệp – nhà hoạch định chính sách.

BÁO CHÍ RỘNG ĐƯỜNG, CHÍNH SÁCH THUẬN LỢI

TS. Nguyễn Đức Kiên (nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) cho biết hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách, ông đã chứng kiến nhiều câu chuyện thực tế cho thấy báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách. Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ. Ngược lại, khi báo chí đã lên tiếng phản đối, chính sách có thể “chết yểu” ngay từ khi còn trong trứng.

Còn theo TS. Trần Văn (Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội), cho rằng báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và người làm chính sách có mối quan hệ mật thiết với nhau, tham gia tích cực vào việc xây dựng chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.

Tuy mỗi lĩnh vực, tổ chức hay con người làm việc ở những môi trường khác nhau nhưng lại liên quan đến nhau, bổ trợ cho nhau để hướng tới cùng một mục đích là phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

“Báo chí là kênh thông tin chính thống đáng tin cậy, luôn định hướng đúng và có ích cho doanh nghiệp, đưa những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới từng doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ có được những kết quả sản xuất kinh doanh tích cực có sự góp phần từ những thông tin hữu ích, mang tính dự báo có độ chính xác cao đó.

Nhiều doanh nghiệp thông qua kênh báo chí để thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng…

Quan hệ báo chí – doanh nghiệp – người làm chính sách có thể được coi là những bộ phận cấu thành không thể tách rời của xã hội, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin, số hóa hoạt động truyền thông.

Trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước không thể thiếu được mối quan hệ biện chứng giữa báo chí – doanh nghiệp – người làm chính sách hay thực thi chính sách”, TS. Trần Văn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cũng nhìn nhận, đối với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí luôn đồng hành để có chung tiếng nói, là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp.

Báo chí vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối; vừa có những phản biện xã hội mang tính kịp thời, trao đổi theo hướng hai chiều để Nhà nước kịp thời nắm bắt những vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc, từ đó có những sự điều chỉnh phù hợp với thực tế.

“Khi xã hội đòi hỏi sự công bằng hơn, tiến bộ hơn, phù hợp với quá trình hội nhập và thông lệ quốc tế, thì hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước cần phải được thay đổi, hoàn chỉnh tốt hơn. Để làm được điều này rất cần vai trò của báo chí truyền tải tiếng nói của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đến với Nhà nước”, ông Nguyễn Thế Điệp nói thêm.

XÂY DỰNG CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP, CỞI MỞ

Trong nền kinh tế thị trường, báo chí là công cụ tiềm năng trong việc xây dựng hình ảnh tích cực của doanh nghiệp trong cộng đồng, cũng như xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với thị trường, khách hàng.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, chia sẻ: nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng sức mạnh báo chí trong tổng thể chiến lược truyền thông thương hiệu dài hạn của mình.

“Báo chí không chỉ cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong một số trường hợp, báo chí còn giúp doanh nghiệp nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, định hướng cho xã hội và doanh nghiệp vì một cộng đồng tốt hơn, phát triển hơn.

Báo chí, truyền thông với sức mạnh của mình, ở ý nghĩa đó còn mang cả trọng trách góp phần xây dựng một thương hiệu xã hội”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Theo TS. Trần Văn, cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn được gần gũi với báo chí, cung cấp thông tin nhiều hơn cho báo chí để báo chí có thể truyền tải những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị về chính sách pháp luật tới các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ nhiều và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Báo chí cũng cần giúp doanh nghiệp cập nhật chi tiết, đầy đủ hơn những chính sách pháp luật mới để thực hiện.

“Tại trung tâm báo chí, hành lang nghị trường, chỗ nào bạn cũng có thể thấy được đại biểu Quốc hội đang trao đổi, chia sẻ thông tin hay trả lời phỏng vấn của báo chí trong bầu không khí thật sự dân chủ.

Tôi luôn cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần cởi mở hơn với báo chí, coi báo chí là một kênh thông tin hữu ích hai chiều để vừa tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là trong phân tích đánh giá tác động của dự án luật, vừa là kênh truyền tải đến doanh nghiệp những cơ chế, chính sách, pháp luật mới ban hành”, TS. Trần Văn nhấn mạnh...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vai-tro-quan-trong-cua-bao-chi-trong-giam-sat-phan-bien-chinh-sach.htm