Thuận Châu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, huyện Thuận Châu đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Vòng xòe đoàn kết của nhân dân xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tại di tích khảo cổ Mái đá bản Mòn.

Huyện Thuận Châu có 29 xã, thị trấn, với 391 thôn, bản, tiểu khu, trên 39.500 hộ dân; đông đồng bào dân tộc thiểu số, gồm các dân tộc Thái, Mông, La Ha, Khơ Mú, Kháng, có đời sống văn hóa, tinh thần đa dạng, phong phú. UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trên địa bàn huyện.

Thuận Châu hiện có 3 lễ hội truyền thống là Xên bản, Xên lẩu nó, Cầu mùa. UBND huyện đã thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Tại các hoạt động, phần lễ tổ chức trang trọng, thành kính; phần hội được mở rộng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian phong phú; công tác an ninh trật tự được đảm bảo; các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi thiếu văn hóa dần được xóa bỏ. Hình thành hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, thu hút nhân dân tham gia. Gắn kết các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh, con người và vùng đất Thuận Châu.

Phục dựng lễ hội Pang A của đồng bào dân tộc La Ha, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu.

Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Việc tổ chức sinh hoạt lễ hội truyền thống đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, làm nên vẻ đẹp của hoạt động lễ hội. Nhiều lễ hội đã khắc phục được các hạn chế, như mê tín dị đoan, cờ bạc, lưu hành ấn phẩm trái quy định. Phát huy vai trò chủ thể của người dân, hoạt động lễ hội đã được xã hội hóa rộng rãi, huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Trong 5 năm, trên địa bàn huyện không xảy ra hành vi vi phạm liên quan đến việc tổ chức lễ hội.

Thời gian gần đây, Thuận Châu đã tổ chức Ngày hội Chè và nông sản tiêu biểu gắn với công bố nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu” và nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu”. Đồng thời, ban hành các kế hoạch tổ chức một số hoạt động lớn theo hình thức lễ hội lịch sử cách mạng và lễ hội văn hóa, thể thao. Tổ chức các hoạt động biểu dương lớn như đại hội thể dục thể thao, lễ công nhận, lễ kỷ niệm, các sự kiện lớn có tính chất nghi lễ, như: Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và Đoàn công tác Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc tại Thuận Châu (7/5/1959 - 7/5/2019); Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Thuận Châu (1/12/1949 - 1/12/2019)... Các sự kiện trên được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, tạo không khí thi đua sôi nổi.

Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo, hướng dẫn các thôn, bản, tiểu khu tổ chức các hoạt động lễ hội đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, đúng quy chế, đúng quy ước, hương ước thôn, bản, tiểu khu, đảm bảo quy định của Nhà nước và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, cơ sở. Trong 5 năm, các xã, thị trấn đã tổ chức 2 lễ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 lễ hội Xên lẩu nó, 8 lễ Xên bản và trên 1.800 lễ hội đại đoàn kết toàn dân. Định kỳ hằng năm, vào dịp Quốc khánh tại trung tâm cụm xã Co Mạ còn tổ chức “Phiên chợ vùng cao” với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng.

Tiết mục văn nghệ của đồng bào La Ha, huyện Thuận Châu.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chấp hành nghiêm Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; quán triệt người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội do đơn vị tổ chức lễ hội mời hoặc được giao thực thi nhiệm vụ)... Không tổ chức tiệc liên hoan đông người khi được thăng chức, lên quân hàm, mừng sinh nhật, mừng nhà mới.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, huyện Thuận Châu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-TTg; quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục; phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Huyền Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/thuan-chau-giu-gin-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-UYuyvIvIg.html