'Bé gái' Trung Quốc và kỷ niệm đẹp không bao giờ quên với Bác Hồ

Trong cuộc trò chuyện, ánh mắt của 'bé gái' Vương Tiểu Hồng (nay đã đổi tên thành Vương Phong) luôn ánh lên niềm vui và tình cảm mỗi khi nhắc đến Bác Hồ và đất nước Việt Nam.

Vương Phong trong lần được gặp Bác Hồ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Vương Phong trong lần được gặp Bác Hồ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

“Anh hùng dân tộc, vĩ đại, cao quý, giản dị, dâu tóc bạc phơ, ánh mắt hiền từ” là những từ đã in sâu trong tâm trí một "bé gái" mà năm nay đã ngoài 70 tuổi.

Mỗi lần nhắc đến Bác Hồ, là hình ảnh lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất được gặp Bác Hồ khi Bác còn sống cách đây gần 70 năm lại hiện ra trước mắt. Một kỷ niệm đẹp không bao giờ quên.

"Bé gái" đó chính là Vương Tiểu Hồng (nay đã đổi tên thành Vương Phong) - con gái của cố nhà báo Vương Duy Chân, nguyên Trưởng Phân xã Tân Hoa xã (Trung Quốc) tại Hà Nội từ năm 1955-1960.

Kỷ niệm đẹp không bao giờ quên

Mặc dù tuổi đã cao, việc đi lại tại một thành phố rộng lớn, đông đúc như Bắc Kinh cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng khi nhóm phóng viên thường trú TTXVN tại Bắc Kinh liên hệ, muốn được nghe chia sẻ về những kỷ niệm về Bác Hồ nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác, bà Vương Phong đã ngay lập tức nhận lời.

Ngay từ khi đón bà từ ga tàu điện ngầm về Văn phòng của cơ quan thường trú khoảng 2km và trong suốt khoảng thời gian hơn 3 giờ đồng hồ trao đổi, bà Vương Phong đã xúc động chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ khi được Bác Hồ ân cần hỏi thăm và chụp ảnh cùng, cũng như những tình cảm đặc biệt vô bờ bến của bà đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nói riêng và với đất nước, nhân dân Việt Nam nói chung.

Bà Vương cho biết bà theo cha mẹ đến Hà Nội từ năm 5 tuổi. Hằng ngày, bà được nghe rất nhiều thông tin liên quan đến Việt Nam từ cha và các đồng nghiệp của ông.

Đặc biệt, bà được cha kể cho nghe nhiều câu chuyện về Việt Nam, trong đó luôn luôn nhắc đến một vị lãnh tụ, một vị anh hùng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh thắng quân xâm lược, mở ra thời kỳ độc lập và giải phóng dân tộc, đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh – người mà nhân dân Việt Nam luôn gọi với cái tên thân mật là Bác Hồ. Chính vì thế mà bà luôn có mong ước là được gặp Bác Hồ.

“Tôi đã nhiều lần nói với cha rằng tôi muốn được gặp Bác Hồ - một vị anh hùng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam và để bày tỏ tình cảm tôn kính đối với Người.”

Và rồi nguyện vọng của bà cuối cùng cũng đã được thực hiện. Bà vẫn nhớ như in những diễn biến trong buổi gặp gỡ mong ước.

Bà kể lại: “Khi bố tôi nói với tôi rằng Nguyên soái Liên Xô Kliment Yefremovich Voroshilov đến thăm Việt Nam, có thể Bác Hồ sẽ ra sân bay đón, nếu tôi muốn đi gặp Bác Hồ, họ sẽ cho tôi đi cùng. Cảm giác của tôi lúc đó vui mừng không tả xiết, tôi vội vàng đi thay bộ váy mà tôi yêu thích nhất và hái luôn một bông hoa hồng nhỏ tại phân xã, trên đường đi tâm trạng tôi vui mừng, hồi hộp, lâng lâng khó tả."

"Tôi và cha mẹ đến sân bay sớm, khi đó đứng xung quanh tôi là rất nhiều quân nhân và các nhà ngoại giao của nhiều nước. Tôi cầm bông hoa hồng và đứng ở vị trí trên cùng trong hàng ngũ chào mừng. Tôi nhìn quanh và tự hỏi không biết Bác Hồ sẽ xuất hiện ở đâu. Đúng lúc này, tôi nghe thấy tiếng ai đó reo mừng ‘Bác Hồ đến rồi!’ ‘Hồ Chủ tịch đến rồi!’

"Tôi nhìn theo ánh mắt của người lớn thì chỉ thấy từ xa một ông già râu tóc bạc phơ, mặc một bộ quần áo rất là giản dị, đi đôi giày bộ đội giải phóng bước tới, vừa đi vừa vẫy tay chào đám đông đang chào đón."

"A, đúng là Bác Hồ đến thật rồi. Tôi vẫy cành hoa hồng trên tay, vừa gọi vừa nhảy. Rất nhanh ngay sau đó, Bác Hồ đã đến gặp chúng tôi và trò chuyện thân mật với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam La Quý Ba."

"Sau đó, Bác Hồ nhìn thấy tôi và kéo tôi ra khỏi hàng người chào đón. Bác hiền từ, nhẹ nhàng và nói chuyện với tôi một cách thân mật như người ông nói chuyện với cháu. Sau đó, Bác hỏi tôi “Cháu có thích Việt Nam không?” tôi trả lời “Cháu rất thích ạ!” “Cháu có biết nói tiếng Việt không?” tôi lại trả lời: “Cháu có ạ!” Thế là tôi liền nói luôn mấy câu mà tôi biết: “Bạn ăn cơm chưa? Tôi ăn cơm rồi. Chào đồng chí!’ Bác đã cười lớn. Một vị anh hùng vĩ đại, một vĩ nhân như vậy, lại rất bình dị như vậy. Khi đó tôi có cảm giác rất là hạnh phúc.”

“Cuối cùng thì tôi cũng được gặp vị anh hùng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam bằng xương bằng thịt. Cảm giác đó cho đến tận bây giờ đối với tôi vẫn không bao giờ có thể quên được,” bà Vương với hai hàng nước mắt lăn trên má xúc động kể.

Một đất nước Việt Nam tươi đẹp và phát triển mạnh mẽ

Trong cuộc trò chuyện, ánh mắt của bà Vương Phong luôn ánh lên niềm vui và tình cảm mỗi khi nhắc đến Bác Hồ và đất nước Việt Nam.

Theo lời kể của bà Vương, khi bà đến tuổi đi học, bà được đưa trở về Bắc Kinh. Sau đó bà nhập ngũ, trong thời gian trong quân ngũ, một hôm bà nghe được tin Bác Hồ mất, bà không dám tin vào tai mình đó là sự thật.

Kể đến đây, hai hàng nước mắt bà không kìm được cứ thế tuôn rơi. Bà nói: "Cha tôi luôn động viên tôi phải chịu khó học, sau này sẽ lại được gặp Bác Hồ, do đó tôi luôn chăm chỉ học tập để có cơ hội được gặp lại Người. Tuy nhiên, tôi đã không còn có cơ hội đó nữa rồi."

Dừng lại một lúc, lấy khăn lau hai hàng nước mắt, bà Vương kể tiếp sau khi Bác Hồ qua đời, bà đã đến Việt Nam 4 lần.

Lần nào đến Việt Nam, bà cũng muốn đến thăm Lăng Bác, để được tận mắt nhìn thấy Bác, nhưng đều chưa thực hiện được.

Đến lần thứ tư khi bà đến Việt Nam (năm 2017), bà đã được đến thăm Lăng Bác và Nhà sàn Bác Hồ.

“Tại đây, trong lòng tôi tràn ngập cảm xúc khi nhìn thấy cảnh đời thường giản dị của Bác. Cuối cùng thì tôi cũng thực hiện được nguyện vọng được gặp Bác Hồ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đang nằm lặng lẽ dưới ánh đèn, thật yên bình và như vẫn đang còn sống. Tôi lau đi những giọt nước mắt đang trào ra và cúi đầu lạy Người ở 3 góc khác nhau, mỗi lần 3 cái,” bà Vương kể.

Khi được hỏi bà đánh giá như thế nào về đất nước và con người Việt Nam, bà Vương Phong cho biết bà coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Mỗi lần đến thăm Việt Nam, bà đã đi thăm nhiều địa phương và thấy rằng người dân Việt Nam rất hiền hòa và mến khách. Việt Nam có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới.

Bà Vương Phong chia sẻ: “Mỗi lần tôi đến Việt Nam, tôi rất đi xe xíchlô và thưởng thức ẩm thực Việt Nam.”

Bà Vương Phong cũng bày tỏ hy vọng, đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục lớn mạnh và phát triển phồn vinh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bà khẳng định: "Di sản và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là kim chỉ nam để thúc đẩy đất nước Việt Nam không ngừng phát triển."

Về những dự định trong tương lai, bà Vương Phong cho biết trong thời gian tới, bà sẽ sang thăm Việt Nam, để vào Lăng thăm viếng Bác Hồ một lần nữa, đồng thời cũng để thực hiện một số dự án hợp tác mà bà và các đồng nghiệp ấp từ lâu nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà chưa triển khai được.

Ngoài ra, là một người làm báo, bà sẽ dùng đôi mắt của mình để quan sát, dùng đôi tai để lắng nghe và đi khắp đất nước Việt Nam cảm nhận về đất nước con người Việt Nam. Sau đó dùng ngòi bút của mình để viết và quảng bá Việt Nam ra khắp thế giới.

“Tôi sẽ luôn nhớ Bác Hồ, kính yêu Người và nỗ lực hết mình vì tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, cũng như quan hệ hợp tác và sự phát triển của hai nước,” bà Vương Phong chia sẻ thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/be-gai-trung-quoc-va-ky-niem-dep-khong-bao-gio-quen-voi-bac-ho-post950965.vnp