Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm việc tại tỉnh Gia Lai

Chiều 27/11, Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về công tác theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Trọng Triển)

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Trọng Triển)

Làm việc với Đoàn kiểm tra có bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cùng đại diện các Lãnh đạo Sở, ban, ngành tỉnh Gia Lai.

Tại buổi kiểm tra, bà Lê Thị Ngọc Lam - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai đã có báo cáo về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Cụ thể, trong thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tăng cường thực hiện, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và sự hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của Bộ Tư pháp. Qua đó đáp ứng yêu cầu xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi hiệu lực, hiệu quả pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Trọng Triển)

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Trọng Triển)

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra, rà soát, xử lý VBQPPL trong nhiều lĩnh vực; thông qua các chương trình, kế hoạch công tác. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, tồn tại, hạn chế. Sở Tư pháp cũng xây dựng các văn bản để triển khai, hướng dẫn trong công tác triển khai, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đưa ra các quyết định phù hợp với thực tiễn của địa phương. UBND cấp huyện, UBND cấp xã bố trí cán bộ thực hiện công tác sát sao.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, rà soát các VBQPPL ở tỉnh Gia Lai còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, hầu hết công chức thực hiện việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các VBQPPL đa số là cán bộ kiêm nhiệm để thực hiện nhiệm vụ; người làm công tác này thường xuyên luân chuyển. Trên địa bàn tỉnh không có đội ngũ có trình độ pháp luật thực sự nắm bắt, am hiểu quy định pháp luật về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các VBQPPL. Chính vì vậy đã gây ra nhiều khó khăn trong việc xây dựng các nguồn lực, đội ngũ CTV thực hiện những công việc trên.

Trước những khó khăn đó, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến việc triển khai thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL nói chung; kịp thời có văn bản hướng dẫn địa phương xử lý những khó khăn vướng mắc theo kiến nghị của địa phương. Đồng thời xây dựng chương trình hướng dẫn nghiệp vụ, hội nghị tập huấn để địa phương kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trọng Triển)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trọng Triển)

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhận định: Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên, ở vị trí trung tâm của khu vực, là cửa ngõ đi ra biển của phần lớn các tỉnh trong khu vực, nên đây là điều kiện để cùng các tỉnh lân cận đẩy mạnh hợp tác phát triển và phát huy các lợi thế vốn có của mình nhằm tăng năng lực sản xuất và hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với tầm quan trọng về vị trí địa lý cũng như đặc thù trong quản lý xã hội, dân cư, việc ban hành các chính sách, văn bản pháp luật để vừa phù hợp với văn bản cấp trên (Luật, Nghị định, Thông tư) vừa phải phù hợp với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương được coi là một công việc vô cùng khó khăn.

Thấu hiểu những thuận lợi, khó khăn nêu trên, Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác ban hành văn bản của tỉnh. Lãnh đạo UBND đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Về cơ bản, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Qua nội dung trao đổi tại buổi làm việc có thể thấy công tác chỉ đạo, điều hành và các điều kiện bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã được quan tâm thực hiện. Qua đó, chất lượng xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản QPPL của tỉnh Gia Lai đã có những điểm tích cực, đạt nhiều điểm đáng ghi nhận. Về cơ bản, công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền đã được tỉnh Gia Lai thực hiện tốt, bài bản đúng quy định.

Ngoài công tác tự kiểm tra, Tỉnh còn tổ chức các đoàn kiểm tra theo địa bàn đối với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh qua đó kịp thời chỉ rõ và hướng dẫn tư pháp địa phương kịp thời khắc phục, chỉnh lý theo đúng quy định pháp luật, qua đó, góp phần đảm bảo trật tự an ninh luôn ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bà Lê Thị Ngọc Lam - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai báo cáo kết quả công tác thi hành pháp luật và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Bà Lê Thị Ngọc Lam - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai báo cáo kết quả công tác thi hành pháp luật và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng đề nghị HĐND, UBND tỉnh cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả và đóng góp của công tác pháp chế trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, đề nghị UBND có giải pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL và tiếp tục quan tâm, bố trí biên chế, kinh phí hợp lý cho công tác này; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các Sở, ngành trong công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị đề cao tính chủ động, tính chịu trách nhiệm của các Sở, ngành chuyên môn hơn trong công tác xây dựng, tham mưu ban hành văn bản của các cơ quan chủ trì soạn thảo; trách nhiệm của các cơ quan trong việc tự rà soát văn bản QPPL do chính cơ quan mình ban hành; tăng cường phối hợp chặt chẽ và huy động sự tham gia của Sở Tư pháp trong công tác xây dựng và ban hành, thẩm định văn bản QPPL ngay từ khâu lập đề nghị, soạn thảo văn bản để kịp thời đề xuất và xây dựng văn bản chất lượng, phù hợp, khả thi, đúng quy định. Nghiên cứu kỹ các ý kiến góp ý, thẩm định của Sở Tư pháp trong quá trình tham mưu, ban hành văn bản của địa phương.

Đối với các văn bản có sai phạm, sai sót được chỉ ra tại buổi làm việc, đề nghị UBND kịp thời khắc phục những sai sót trong việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL đã được Đoàn công tác nêu tại buổi làm việc và thông báo kết quả xử lý văn bản cho Bộ Tư pháp trong thời hạn quy định; rút kinh nghiệm về việc xác định ngày ban hành văn bản để bảo đảm việc ban hành nghị quyết QPPL của HĐND được tuân thủ các quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).

Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy trao đổi, góp ý với địa phương. (Ảnh: Trọng Triển)

Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy trao đổi, góp ý với địa phương. (Ảnh: Trọng Triển)

Về các kiến nghị của địa phương về những khó khăn, vướng mắc về thể chế, quy định trong Luật Ban hành văn bản QPPL và các Nghị định hướng dẫn thi hành, Đoàn ghi nhận và đánh giá cao những kiến nghị xác đáng, mang tính thực tiễn đang triển khai tại địa phương. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2016/NĐ-CP, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp và đề xuất sửa đổi, bổ sung để kịp thời xử lý các vướng mắc về mặt thể chế tại địa phương.

Tuy nhiên, qua nghe báo cáo và trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng nhận thấy, trong công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của địa phương vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Điển hình là còn tình trạng một số sở, ban, ngành còn chưa chủ động tham mưu thực hiện thường xuyên, kịp thời ngay khi có căn cứ rà soát; chưa chủ động trong tham mưu, xử lý kết quả. Lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác kiểm tra, rà soát văn bản.

Cùng với đó, đâu đó vẫn còn tình trạng một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản, còn xem đây là nhiệm vụ chuyên môn riêng của cơ quan Tư pháp. Để bảo đảm chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, trong thời gian tới, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị: HĐND tỉnh Gia Lai cần tăng cường giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, thẩm tra, ban hành văn bản QPPL, nhất là nhiệm vụ thẩm tra dự thảo văn bản QPPL theo thẩm quyền.

UBND tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan tham mưu như Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành liên quan thi hành nghiêm, hiệu quả và thực hiện tốt hơn công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản QPPL, bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng, phối hợp của các cơ quan, ban ngành liên quan, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại Gia Lai sẽ được thực hiện bài bản, có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới – Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu. Tiếp thu ý kiến của Đoàn Công tác, đồng chí Phó Chủ tịch cảm ơn sự quan tâm của các Bộ, ngành trung ương đã chia sẻ, góp ý và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của địa phương để từ đó rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Uyên Thu - Trọng Triển - Lê Hiên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thu-truong-bo-tu-phap-dang-hoang-oanh-lam-viec-tai-tinh-gia-lai-post496902.html