Thông điệp mạnh mẽ từ Mỹ đối với những thách thức nội tại của châu Âu
Phó Tổng thống Mỹ không ngần ngại chỉ trích giới lãnh đạo châu Âu về những thách thức nội tại, từ nhập cư, an ninh đến kiểm duyệt. Phản ứng giận dữ từ Berlin và Brussels cho thấy ông đã chạm đến những vấn đề nhạy cảm nhất.
![Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. Ảnh: THX/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_294_51508596/0ba8f2d0dc9e35c06c8f.jpg)
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Wall Street Journal ngày 18/2, bài phát biểu của Phó Tổng thống JD Vance tại Hội nghị An ninh Munich 2025 được đánh giá là bài phát biểu quan trọng nhất của Mỹ tại Đức kể từ năm 1987. Lần này, ông Vance mang đến thông điệp mạnh mẽ nhắm vào những thách thức nội tại của châu Âu, trong bối cảnh nơi đây đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp.
Lời cảnh báo từ Mỹ
Phát biểu tại Munich - nơi có tiếng là biểu tượng lịch sử cho chính sách xoa dịu, ông Vance đã đưa ra lời kêu gọi hành động đầy quyết liệt. Theo ông, mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với châu Âu không đến từ Nga hay Trung Quốc, mà là "mối đe dọa từ bên trong" và "từ trên xuống". Cụ thể, ông cho rằng tầng lớp cầm quyền châu Âu đang phá hoại "các giá trị cơ bản" chung, từ bỏ các cam kết quân sự với Mỹ và NATO, mở cửa cho làn sóng nhập cư ồ ạt và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
Đáng chú ý, bài phát biểu này diễn ra chỉ ba ngày sau khi ông Vance gây chấn động tại Hội nghị thượng đỉnh hành động AI Paris. Tại đây, ông đã chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) tụt hậu trong phát triển công nghệ do chính sách quản lý trí tuệ nhân tạo quá thận trọng và bị ràng buộc bởi các quy định hạn chế. Ông gọi đây là "sai lầm khủng khiếp" và nhấn mạnh rằng Mỹ "không thể và sẽ không chấp nhận" cách tiếp cận này.
Phản ứng từ châu Âu
Bài phát biểu của ông Vance đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ giới lãnh đạo châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố thông điệp này "không thể chấp nhận được". Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Kaja Kallas cáo buộc ông Vance "tìm cách gây hấn". Các nhà ngoại giao cấp cao EU thậm chí còn dùng những từ ngữ nặng nề hơn, gọi bài phát biểu là "nguy hiểm" và "vô lý".
Phản ứng gay gắt từ châu Âu phần nào cho thấy ông Vance đã chạm đến những vấn đề nhạy cảm. Hơn nữa, thời điểm bài phát biểu cũng rất đáng chú ý: chỉ một ngày trước đó, một người tị nạn Afghanistan đã đâm xe vào đám đông người biểu tình ở Munich, khiến một bé gái 2 tuổi và mẹ của bé thiệt mạng, 30 người khác bị thương - một sự kiện dường như càng tăng thêm sức nặng cho lập luận của ông Vance về các vấn đề nhập cư và an ninh.
Bối cảnh rộng lớn hơn
Thông điệp của ông Vance cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn hơn của mối quan hệ Mỹ - châu Âu. Chính quyền Trump đang theo đuổi một hướng đi mới trong chính sách đối ngoại, với việc đàm phán trực tiếp với Nga về Ukraine được tổ chức tại Saudi Arabia, không phải ở châu Âu. Đồng thời, Mỹ cũng đẩy mạnh quan hệ với các cường quốc khác như Ấn Độ, thể hiện qua chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Narendra Modi.
Tuy nhiên, không phải tất cả khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu đều không thể vượt qua. Chi tiêu quốc phòng của châu Âu đã tăng đều đặn kể từ thời Tổng thống Obama. Một thỏa thuận Mỹ-Nga về Ukraine có thể tạo cơ hội tái thiết mối quan hệ năng lượng giữa Nga và châu Âu dưới sự giám sát của Mỹ.
Điểm chung quan trọng giữa Mỹ và châu Âu là sự tìm kiếm "hướng đi mới", như ông Vance đề cập. Người dân cả hai bên bờ Đại Tây Dương đang phản đối nhiều vấn đề tương tự: nhập cư bất hợp pháp, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, sự cai trị của bộ máy quan liêu.
Đây chính là lý do vì sao thông điệp của Phó Tổng thống Vance tạo được tiếng vang, không phải với tầng lớp cầm quyền, mà với người dân châu Âu - những người đang khát khao thay đổi. Như ông đã nói tại Munich, không nền dân chủ nào có thể tồn tại khi "nói với hàng triệu cử tri rằng suy nghĩ và mối quan tâm, nguyện vọng, lời kêu gọi cứu trợ của họ là không hợp lệ hoặc thậm chí không xứng đáng được xem xét".
Nhìn lại, bài phát biểu của ông Vance tại Munich đã đề cập đến mối liên hệ giữa tự do kinh tế và tự do cá nhân, giữa đổi mới, khả năng cạnh tranh và chấp nhận rủi ro với tự do, dân chủ. Ông nhấn mạnh rằng châu Âu nên là đối tác tự nhiên của Mỹ trong liên minh toàn cầu đang hình thành, nhưng trước tiên, châu Âu cần đối mặt với những thách thức nội tại của mình.