Thế giới 'tâm phục khẩu phục' chiến dịch Điện Biên Phủ - Kỳ 1: Quân Pháp tự nhảy xuống chỗ chết

Ngày 11-4-2024, tại tỉnh Điện Biên, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Nhiều diễn giả và cựu binh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đặt câu hỏi: Tại sao quân Pháp “kéo” quân ta lên vùng đất xa xôi và hiểm trở để giao chiến? Tại sao Việt Minh chỉ có xe đạp thồ đánh thắng máy bay, pháo binh, xe tăng… của quân Pháp.

Kỳ 1: Quân Pháp tự nhảy xuống chỗ chết

Tướng tổng chỉ huy quân Pháp Henri Navarre (Nava) cho rằng, địa hình Tây Bắc hiểm trở, ở xa đồng bằng, Việt Minh không thể duy trì số lượng người, vũ khí lớn để ở lại chiến đấu quá 7 ngày tại Điện Biên Phủ. Nước Pháp đã thực hiện xây dựng tập đoàn cứ điểm quân sự ở Điện Biên Phủ, với nhiều đơn vị chủ lực tinh nhuệ để luôn luôn cơ động chiến đấu.

Kế hoạch của Nava được chính phủ Mỹ ủng hộ

Ngày 19-5-1953, tướng tổng chỉ huy Nava tới Việt Nam, báo chí phương Tây ca ngợi Nava như một "danh tướng" có thể "uốn nắn lại tình hình Đông Dương", với tư cách tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Vị tướng lừng danh nước Pháp đã chấp nhận trận đánh với Việt Minh ở vùng Tây Bắc, phải chăng Nava đã đi ngược lại chủ định của mình là duy trì thế phòng ngự chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ mùa khô 1953-1954?

Tướng tổng chỉ huy quân Pháp Henri Navarre (Nava). Ảnh: Tư liệu

Từ khi nhậm chức tổng chỉ huy ở Đông Dương, Nava đã cố tránh vết xe đổ của nhiều người tiền nhiệm thụ động chạy theo những hoạt động của Việt Minh. Nava đã thực hiện mục tiêu số 1 của mình mang lại tính chiến đấu và cơ động cao cho quân viễn chinh Pháp, vạch ra kế hoạch điều quân chủ lực lên Tây Bắc để “kéo” quân của Việt Minh lên đó đánh.

Rút ra từ bài học tập đoàn cứ điểm Nà Sản (Sơn La) hồi đầu năm 1953, quân Pháp đã vô hiệu hóa 2 đại đoàn Việt Minh. Việc đổ quân đánh chiếm Điện Biên Phủ có khả năng ngăn chặn được một cuộc tiến công ở Tây Bắc, có thể thu hút một số đại đoàn Việt Minh hướng về đây, để giảm nhẹ áp lực đối với quân Pháp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung.

Kế hoạch Nava được Chính phủ Mỹ tán thành và đồng ý viện trợ tài chính, quân sự cho Pháp để xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trở thành cổ máy chiến tranh “bất khả xâm phạm”.

Nava nhận xét địa hình vùng Tây Bắc: "Việt Minh không thể duy trì ở thượng du quá 2 đại đoàn và 20.000 dân công, sự bấp bênh về giao thông không cho phép họ mang tới đó pháo trên 75 ly cùng với đạn pháo, chiến đấu quá 7 ngày".

Du khách đến tham quan di tích lịch sử, nhà ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Lệ Giang

Đổ bộ bằng đường không

Trung tuần tháng 11-1953, quân Pháp mở cuộc hành quân đánh chiếm Điện Biên Phủ có bí danh “Hải ly” (Castor), sử dụng máy bay cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ 6 tiểu đoàn. Ngày 4-11-1953, Phó Tổng thống Mỹ Níchxơn (sau lên Tổng thống) đến thăm mặt trận miền Bắc Việt Nam.

Ngày 15-12, lực lượng địch tiếp tục đổ xuống Điện Biên Phủ 11 tiểu đoàn. Ngày 24-12, tướng Nava có mặt tại Điện Biên Phủ và trao đổi với các sĩ quan chỉ huy đồn trú: "Tình hình địa hình, những đặc điểm về khí hậu của khu lòng chảo Điện Biên Phủ làm cho nó trở thành một vị trí dễ phòng ngự, một trong những sân bay tốt nhất Đông Nam Á, một đầu cầu hàng không tuyệt hảo. Trận đánh có thể được chúng ta chấp nhận tại đây trong những điều kiện hết sức thuận lợi".

Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh đã điều động một số đơn vị đến Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu (năm 1954), đánh quân Pháp vừa mới đổ bộ xuống Điện Biên Phủ. Đại tướng nhận định: “Nếu quân địch bị uy hiếp mạnh hơn, chúng có thể tăng viện nhiều và biến thành một tập đoàn cứ điểm. Trong trường hợp này chúng có thể lấy Điện Biên Phủ làm nơi thiết lập trận địa, nhưng chúng cũng có thể rút. Vô luận, rồi đây quân địch có tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta...”

Quân Pháp biết tin những đại đoàn quân chủ lực của ta đang vận động lên Tây Bắc, họ gấp rút lệnh cho tiểu đoàn công binh số 31 sử dụng ghi sắt phủ toàn bộ 6.000m2 để thiết lập đường băng cho máy bay vận tải hạng nặng hạ cánh xuống Điện Biên Phủ. Người Pháp sử dụng máy bay vận chuyển ồ ạt pháo cỡ lớn, súng máy, xe tăng… xuống Điện Biên Phủ. Tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ De Castries (Đờ Cát) còn ra lệnh cho tất cả các đơn vị phải củng cố công sự vững chắc chống được pháo 105 ly của đối phương. Nắp hầm làm hai lớp gỗ dày, đổ phủ lên một mét đất đè chặt, bên trên có những bao tải đất để chống mảnh pháo bắn vào. Chỉ huy tiểu đoàn công binh Pháp tính toán, xây dựng công trình phòng ngự cho 12 tiểu đoàn ở Điện Biên Phủ phải tiêu tốn 36.000 tấn vật liệu và nhiều máy xúc, máy ủi, thuốc nổ.... đưa từ đồng bằng lên.

Đồng thời người Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với quy mô rộng lớn, nhiều trung tâm đề kháng ở Mường Thanh, Him Lam, Hồng Cúm.... Những đơn vị ưu tú nhất của đạo quân viễn chinh Pháp đều có mặt, sẵn sàng thực hiện những cuộc giao chiến lớn như tướng Nava mong muốn, là luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, đè bẹp mọi kháng cự của Việt Minh.

Là viên sĩ quan ở lâu tại chiến trường Việt Nam, Đại tá Bastiani, Tham mưu trưởng lực lượng (Pháp) miền Bắc Việt Nam, đã phản đối kịch liệt kế hoạch chiếm đóng Điện Biên Phủ của Nava: "Ở đất nước này (Việt Nam) không thể ngăn chặn một hướng đi. Đó là một khái niệm của châu Âu không có giá trị gì ở đây. Người Việt đi khắp nơi, ta thấy rõ điều đó ở đồng bằng". Những khó khăn về bảo đảm tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ về lâu dài cũng gặp nhiều trở ngại, vì thời tiết thất thường ở vùng Tây Bắc, vào mùa đông nhiều khi máy bay không thể hoạt động được vùng này”.

Có một nhà báo nước ngoài đặt câu hỏi phỏng vấn với Bác Hồ về quân Pháp vừa mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và đang xây dựng công sự chiến đấu. Bác đã lấy cái mủ đang đội để xuống ở bàn tay và giải thích: “Điện Biên Phủ giống như cái mủ này, hai bên núi cao, rừng rậm, ở giữa là cánh đồng Mường Thanh quân Pháp đang đồn trú và sẽ bị quân chúng tôi bao vây tại đây”.

“THIÊN BIẾN VẠN HÓA”

Tháng 10/1953, Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Tổng quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có một kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại đồng bằng Bắc Bộ. Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải "thiên biến vạn hóa"”

LỆ GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu/202405/the-gioi-tam-phuc-khau-phuc-chien-dich-dien-bien-phu-ky1-quan-phap-tu-nhay-xuong-cho-chet-d824b7f/