Thầy giáo trẻ và hơn 10 năm dạy võ miễn phí cho trẻ nghèo

'Hây… hây… hây' là âm thanh quen thuộc ở lớp võ miễn phí của anh Trịnh Công Sơn (TP. HCM). Ngoài việc tạo ra môi trường rèn luyện thể chất cho trẻ em nghèo, anh Sơn còn dạy cho học trò của mình sống sao cho 'nên người' từ môn võ Judo.

Anh Trịnh Công Sơn (35 tuổi, Q. Tân Bình) hiện là giáo viên thể dục ở trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Q. 10). Ngoài giờ dạy trên lớp, anh lại đến Câu lạc bộ Thể dục thể thao Tân Thới Hòa (Q. Tân Phú) để dạy võ miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

12 năm, một hành trình

Anh Sơn cho biết, anh tiếp xúc với võ thuật từ năm 13 tuổi, cũng từ đó niềm đam mê với võ thuật, đặc biệt là môn võ Judo đã lớn lên trong anh. Sau nhiều năm luyện tập miệt mài, anh Sơn đã nhận được nhiều giấy khen, huy chương võ thuật.

Hơn 12 năm qua, lớp dạy võ miễn phí của anh Trịnh Công Sơn hoạt động đều đặn từ thứ Hai đến thứ Bảy, vào lúc 17h30 đến 19h30 hằng tuần. Hiện tại, lớp võ của anh có hơn 40 học sinh ở mọi lứa tuổi, song tập trung đông nhất là 8 đến 11 tuổi. Các em đa phần là trẻ ngụ cư, có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Trịnh Công Sơn. (Ảnh: Phước Thuận)

Anh Trịnh Công Sơn. (Ảnh: Phước Thuận)

Nói về lý do mở lớp dạy võ miễn phí, anh Sơn chia sẻ: “Đa phần các bạn trẻ ở quận Tân Phú là trẻ ngụ cư, các bạn không có đủ điều kiện để theo học một lớp võ. Hơn nữa, đứng trước thực trạng bạo lực học đường, nạn xâm hại trẻ em, tôi mong muốn tạo ra một môi trường học tập, rèn luyện tích cực. Để các em có thể tự bảo vệ bản thân, xa hơn là bảo vệ mọi người xung quanh trong tình thế khẩn cấp”.

Khi nghe tin anh Sơn mong muốn mở lớp dạy võ miễn phí, gia đình anh Sơn lo lắng vì sợ anh vất vả và không đủ kinh phí để duy trì lớp học trong thời gian dài. Song, khi thấy anh Sơn có niềm đam mê, nhiệt huyết và mong muốn giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn thì gia đình đã đồng ý và trở thành hậu phương vững chắc cho anh.

Thời gian đầu, khi mở lớp dạy võ, anh gặp nhiều khó khăn về vật chất, một số em học sinh không có điều kiện mua đồng phục, dụng cụ học võ. Tuy nhiên, với mục đích vô vụ lợi khi tạo ra lớp học, anh Sơn được Trung tâm Thể dục Thể thao quận Tân Phú hỗ trợ phòng tập luyện. Ngoài ra, anh Sơn vẫn cố gắng tự xoay xở kinh phí để duy trì lớp học võ miễn phí mà không kêu gọi sự hỗ trợ từ bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Anh Nguyễn Thanh Nhân (Chủ nhiệm CLB Thể dục Thể thao Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) chia sẻ: “Lớp học võ của anh Sơn mang ý nghĩa nhân văn, tạo ra nhiều thế hệ học trò giỏi. Vì thế mà câu lạc bộ rất sẵn lòng để hỗ trợ anh về cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt nhất cho công việc huấn luyện”.

Anh Sơn chỉ bảo các em từng động tác võ. (Ảnh: NVCC)

Anh Sơn chỉ bảo các em từng động tác võ. (Ảnh: NVCC)

Lớp học võ của anh Sơn dạy cho các bạn về bộ môn Judo, đây là môn võ cổ truyền của Nhật Bản. Mục đích của bộ môn này là ‘lấy nhu thắng cương’ nên thay vì dùng binh khí, người ta tận dụng các đòn chém, đòn đâm từ tay và chân để phòng thủ. Không chỉ nhằm nâng cao sức khỏe thể chất, sức mạnh và sự linh hoạt của cơ thể, thông qua môn võ Judo, anh Sơn còn truyền đạt cho các em tinh thần xung phong, kiên cường, bất chấp mọi khó khăn, dám nghĩ dám làm.

Hơn cả một người thầy

Hơn cả việc học võ, ở lớp, các em còn học được cách đối nhân xử thế. Anh Sơn cho biết: “Với tôi, tôn trọng và khiêm nhường là điều cần phải biết trước khi tiếp xúc với võ thuật. Các em phải học cách chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi khi phạm lỗi. Điều này sẽ giúp các em rèn luyện được phẩm chất đạo đức, biết lễ phép, khiêm nhường và tạo dựng tính kỉ luật cho bản thân”. Anh Sơn còn đề cao tinh thần ham học hỏi, khiêm tốn, với phương châm dạy học ‘thái độ quan trọng hơn trình độ’.

Gắn bó với lớp võ của anh Sơn từ năm 11 tuổi, Nguyễn An Huy (16 tuổi, Tân Bình) chia sẻ: “Thầy Sơn là người mang lại cho em nguồn động lực và niềm đam mê theo đuổi môn võ Judo. Với em, thầy là một người tận tụy vì học trò, trên lớp, thầy có phần nghiêm khắc và kỷ luật. Tan học thì thầy như người anh, người cha, hay hỏi thăm về việc học trên lớp, về hoàn cảnh gia đình, có khó khăn thì thầy sẵn sàng giúp đỡ”.

Hơn 12 năm trôi qua, Anh Sơn không chỉ là một người thầy mà còn như một người cha, người anh, người bạn của các em nhỏ tại lớp võ. Niềm vui và tự hào của anh Sơn được nhân lên, khi mỗi năm lớp học đều có học trò đi thi võ Judo và mang nhiều thành tốt. Trong đó, có thể kể đến Trương Hoàng Phúc (sinh năm 2002) giành Huy chương Bạc SEA Games, Lê Nguyễn Hùng Cường (sinh năm 2001) đo,ạt Huy chương Vàng Đại hội TDTT toàn quốc 2022.

Thấy được học trò của mình ngày càng trường thành, anh Sơn tự hào chia sẻ: “Mỗi năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam hay Tết Nguyên đán là mấy đứa học trò cũ lại đến thăm, chúc Tết. Nhiều em còn hỗ trợ trang phục, dụng cụ cho đàn em, có em thì muốn góp sức để hỗ trợ huấn luyện lớp võ. Tôi xem các em như con, em trong nhà. Có chuyện vui hay buồn gì, cứ gọi là tôi có mặt”.

Anh Sơn dẫn học trò đi thi đấu Giải vô địch Judo TP. HCM năm 2023. (Ảnh: NVCC)

Anh Sơn dẫn học trò đi thi đấu Giải vô địch Judo TP. HCM năm 2023. (Ảnh: NVCC)

Thời gian tới, ngoài việc dạy võ miễn phí tại lớp, anh Sơn đang kết nối với các mái ấm tình thương trên địa bàn quận Tân Phú để đến đó dạy võ. “Các em ở mái ấm đa số là trẻ mồ côi, từ nhỏ đã thiếu thốn tình thương của gia đình. Vì thế, tôi mong muốn giúp các em tiếp xúc với võ thuật, rèn luyện được sức mạnh bên ngoài lẫn bên trong con người các em. Đồng thời, cho các em thấy, nhiều người trong xã hội vẫn quan tâm, giúp đỡ và hết lòng hỗ trợ các em”, anh Sơn chia sẻ.

12 năm, một chặng hành trình, anh Sơn đã ghi lại trong lòng nhiều người về hình ảnh người thầy tận tâm với trò, nhiệt huyết với đam mê. Anh Sơn tâm sự: “Xã hội sẽ không bỏ lỡ một ai, khi người đó có đam mê và nghiêm túc với niềm đam mê của bản thân”.

Phước Thuận

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/thay-giao-tre-va-hon-10-nam-day-vo-mien-phi-cho-tre-ngheo-post1640930.tpo